|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cuộc chiến' quốc tế trong mảng giao món ăn giữa 2 'kì lân' Đông Nam Á

15:20 | 05/09/2019
Chia sẻ
Biên lợi nhuận lớn hơn mảng gọi xe là lí do khiến Go-Jek và Grab cạnh tranh quyết liệt trong mảng giao món ăn trên phạm vi quốc tế.

Nanik Soelistiowati, chủ một quầy bán chuối rán ở phía tây thành phố Jakarta, là người hưởng lợi lớn trong cuộc đại chiến giữa hai kì lân công nghệ trị giá nhất châu Á, theo Bloomberg.

Tiểu thương đắc lợi

Người phụ nữ 64 tuổi hợp tác với dịch vụ giao món ăn của Go-Jek từ năm 2015, sau khi nghe những đứa con nói về nó. Các tài xế luồn lách qua những đường phố kẹt cứng để giao món chuối rán tẩm mật ong của bà, tới khắp thủ đô Jakarta. Doanh số cứ tăng đều đặn theo từng tháng.

Rồi vào năm 2017, dịch vụ giao món của Grab xuất hiện, và mức chiết khấu của họ thấp hơn tới 15% so với mức của Go-Jek. Con số đó quá hấp dẫn nên bà không thể từ chối. Và khi Grab vung tiền để giảm giá cho khách hàng, nhu cầu tăng vọt khiến Nanik luôn thiếu chuối để rán.

Nanik

Bà Nanik Soelistiowati, chủ một quầy bán chuối rán ở phía tây thành phố Jakarta. Ảnh: Bloomberg

Grab và Go-Jek trở thành hai kì lân công nghệ giá trị nhất Đông Nam Á chủ yếu nhờ sức mạnh của mảng gọi xe trực tuyến. Nhưng giờ đây, họ đã đối đầu nhau trên trận địa giao món ăn ở phạm vi quốc tế.

Chỉ trong 4 năm, Grab và Go-Jek đã đã liên kết với 400.000 tiểu thương bán thực món ăn và xử lí tới 50 triệu đơn hàng mỗi tháng (tương đương chừng 1,7 triệu đơn hàng mỗi ngày) ở Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

Gia nhập cuộc chiến giao món ăn sau Go-Jek, nhưng họ đang đuồi theo đối thủ khá nhanh nhờ những khoản đầu tư khổng lồ từ tập đoàn viễn thông SoftBank và cũng nhờ thương vụ mua lại mảng giao món ăn ở Đông Nam Á của Uber vào năm 2018. 

Chỉ trong năm 2019, Grab tuyên bố họ đã tăng gấp 3 giá trị giao dịch và tăng gấp đôi số đối tác bán món ăn.

Biên lợi nhuận cao hơn mảng gọi xe

Hai "kì lân" Đông Nam Á đang vận hành dưới sự điều hành của hai chàng trai từng học ở Trường Kinh doanh Harvard: Nadiem Makarim (Tổng giám đốc Go-Jek) và Anthony Tan (Tổng giám đốc Grab).

Nadiem Makarim và Anthony Tan đều cùng thấy điểm sáng trong thị trường giao món ăn vì nó mang lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn so với mảng gọi xe. Đây là quan điểm của Florian Hoppe, một nhà quản lí ở Singapore của hãng tư vấn quản lí toàn cầu Bain & Co.

GrabFood

Các tài xế lấy món ăn để giao cho khách ở thành phố Jakarta, Indonesia. Ảnh: Bloomberg

"Ngày nay, thị trường giao món ăn nhỏ hơn nhiều so với vận mảng gọi xe ở Đông Nam Á. Nhưng giới phân tích kì vọng nó sẽ lớn bằng hoặc lớn hơn mảng gọi xe về doanh thu trong vòng 5 năm tới", Florian nhận định.

Trên phạm vi toàn cầu, mảng gọi món đã bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Các công ty đang nỗ lực củng cố vị thế để chiếm phần lớn hơn trong thị trường giao món có trị giá hơn 300 tỉ USD. 

Ở Indonesia, mảng giao món chỉ chiếm 1,4% tổng giá trị thị trường thực phẩm, so với tỉ lệ 8% ở Mỹ và khoảng 12% ở Trung Quốc, theo số liệu từ tổ chức Euromonitor.

"Chúng ta mới chỉ khai phá bề mặt của thị trường giao món toàn cầu. Đây thực sự là một cơ hội rất lớn", Catherine Sutjahyo, giám đốc phụ trách mảng giao món ăn của Go-Jek, bình luận.

Giống như Grab và Go-Jek, nhiều công ty khác trên thế giới (như Uber) đã tiến vào thị trường giao món ăn để tìm biên lợi nhuận cao hơn. Grab và Go-Jek triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến và nhiều dịch vụ khác. Mục tiêu của họ là biến thành một siêu ứng dụng như WeChat ở Trung Quốc.

Nhạc Dương