|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại

20:13 | 21/05/2019
Chia sẻ
Cục Chăn nuôi cho biết, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, số tỉnh bị dịch tăng nhanh, số lợn chết và phải tiêu hủy nhiều.
Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại - Ảnh 1.

Cán bộ thú y chôn lấp lợn bệnh, phun thuốc khử trùng khu vực dịch. Ảnh: Văn Long - TTXVN

Ngày 21/5, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, số tỉnh bị dịch tăng nhanh, số lợn chết và phải tiêu hủy nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm.

Các quý tiếp theo số lượng đàn lợn sẽ giảm và khả năng giá lợn sẽ tăng. Nguyên nhân đàn lợn giảm là do dịch bệnh phải tiêu hủy và người chăn nuôi không tái đàn trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương, để bù đắp lượng thịt lợn được dự báo sẽ bị thiếu trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi đã xây dựng kịch bản để ứng phó cho vấn đề này.

Cụ thể, giải pháp đưa ra lúc này là tiếp tục tái cơ cấu đàn lợn, bên cạnh đó tập trung chuyển sang chăn nuôi gia cầm, bò thịt... để bù đắp lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt.

Ngành sẽ thay đổi cơ cấu chăn nuôi; trong đó ngành chăn nuôi lợn sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại; đồng thời, tập trung vào con giống để khi nông dân có nhu cầu tái đàn sẽ có đủ giống đáp ứng.

Theo kịch bản này, ngành chăn nuôi cũng sẽ tăng chăn nuôi gia cầm lên 7% (trước là 6%), bò thịt tăng lên 5% (trước là 4%), tăng lượng đánh bắt thuỷ sản để bù đắp được lượng thịt lợn thiếu hụt trong thời gian tới.

Ông Dương cũng khuyến cáo, trước mắt các địa phương, người chăn nuôi cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi chưa có dấu hiệu dừng thì chưa thể tái đàn được.

Đối với các ổ dịch đã xuất hiện, nếu sau 30 ngày không còn dịch thì người chăn nuôi mới được tái đàn khoảng 10% (đàn nuôi 100 con thì chỉ tái đàn 10 con) và không được tái đàn ồ ạt. Sau 1 tháng, nếu dịch bệnh không phát sinh thì thực hiện tái đàn tiếp.

Điều quan trọng nhất đối với người chăn nuôi thời điểm này là đối với vùng chưa có dịch thì tập trung các giải pháp phòng, chống dịch. Còn đối với các vùng đã có dịch thì cần tập trung vào chăn nuôi gia cầm, gia súc... để bù đắp cho lượng thịt lợn bị thiếu hụt.

Hiện nay, giá thịt lợn đang ở mức thấp, trung bình từ 32.000 - 37.000 đồng/kg (tuỳ vùng), nếu nâng được giá thịt lợn lên khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới đỡ được mức thiệt hại.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy lợn bị dịch bệnh tại huyện Phú Riềng. Ảnh: Đậu Tất Thành – TTXVN

Đặc biệt, Ban Bí thư cũng vừa có Chỉ thị số 34-CT/TW về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, các địa phương cũng cần tập trung quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi...  như vậy thì mới có thể khống chế được dịch tả lợn châu Phi bùng phát ra diện rộng, ông Dương nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã họp với các tập đoàn, trang trại chăn nuôi lợn, bàn giải pháp kiểm soát an toàn cơ sở giống và ngành hàng thịt lợn.

Trước tình trạng giá thịt lợn đang ở mức thấp, đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi đề xuất thành lập các địa điểm phân phối thịt lợn an toàn ở siêu thị, điểm bán lẻ, nhất là khu vực nông thôn để kích thích tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, có lộ trình cấm giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích xây dựng lò mổ tập trung.

Về phía ngành nông nghiệp, xác định việc phòng chống dịch bệnh nói chung là cuộc chiến lâu dài, nên việc tổ chức tái cơ cấu ngành chăn nuôi cần được điều chỉnh phù hợp trong giai đoạn 2020 – 2025.

Theo đó, ngành chăn nuôi thực hiện nhanh các chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã... tạo ra các chuỗi liên kết đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, phân phối được lợi nhuận của các bên tham gia như: người chăn nuôi, người giết mổ, thương lái đến người tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững.

Tính đến ngày 21/5, cả nước đã có 36 tỉnh, thành phố phát hiện có dịch tả lợn châu Phi; trong đó Hà Giang và Bình Dương là hai tỉnh mới nhất phát sinh ổ dịch tả lợn; số lượng lợn tiêu hủy tại các tỉnh có dịch hơn 1,5 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn./.

Thành Trung

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.