|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cục Thú y: Việt Nam đã chia sẻ đầy đủ dữ liệu vắc xin dịch tả heo châu Phi với quốc tế

20:54 | 08/12/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y khẳng định Việt Nam đã và đang chia sẻ đầy đủ, kịp thời thông tin, kết quả nghiên cứu, đánh giá và cấp phép lưu hành vắc xin dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam cho Tổ chức Thú y Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc.

Mới đây, Reuters đưa tin Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cho rằng cần thử nghiệm với vắc xin phòng dịch tả heo của châu Phi (ASF) do Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu sang một số quốc gia.

WOAH cho rằng doanh nghiệp sản xuất vắc xin của Việt Nam đã không chia sẻ đầy đủ dữ liệu với các nhà nghiên cứu và cơ quan quốc tế. Ông Gregorio Torres, Trưởng Bộ phận khoa học của WOAH khuyến cáo các nước quan tâm đến sử dụng vắc xin phòng dịch ASF của Việt Nam tự tiến hành thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y. (Ảnh: Tùng Đinh)

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết Cục chưa nhận được thông tin trên từ phía WOAH.

Cục trưởng Cục Thú y khẳng định quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất thành công và chính thức cấp phép sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi diễn ra minh bạch. Việt Nam đã chia sẻ đầy đủ thông tin từng công đoạn phát triển của vắc xin không chỉ với WOAH mà cả cộng đồng quốc tế.

Theo quy định của quốc tế và trong nước, Việt Nam không có trách nhiệm phải báo cáo, chia sẻ toàn bộ kết quả, số liệu chi tiết về nghiên cứu thuốc thú y nói chung, vắc xin thú y nói riêng và kể cả vắc xin phòng dịch ASF cho các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, đây là loại vắc xin khó nghiên cứu, thế giới chưa có vắc xin thương mại nên Việt Nam đã nhiều lần chủ động chia sẻ thông tin nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vắc xin với WOAHTổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO)”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long chia sẻ.

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 90 của WOAH hồi tháng 5, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi của Việt Nam; đồng thời ký thỏa thuận WOAH về việc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đánh giá, hoàn thiện các quy trình sản xuất, mở rộng đối tượng sử dụng vắc xin dịch ASF.

Ngoài WOAH và FAO, Việt Nam còn phối hợp nghiên cứu, đánh giá chất lượng vắc xin dịch tả heo châu Phi với Viện Nghiên cứu nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ và thông tin rộng rãi tới cộng đồng các nhà khoa học quốc tế, đối tác qua các kênh báo chí, hội thảo, hội nghị…

Mới đây, trong ngày 5-7/12 tại Hội nghị Liên minh nghiên cứu dịch tả heo châu Phi toàn cầu, đại diện của Viện Thú y, công ty Navetco đã chia sẻ đầy đủ các thông tin về tình hình nghiên cứu, sản xuất, đánh giá an toàn, hiệu lực của hai vắc xin dịch tả heo châu Phi bao gồm NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE.

Công ty AVAC cũng trực tiếp thông tin rộng rãi các kết quả nghiên cứu đến các cơ quan quản lý thú y các nước như Myanmar, Indonesia, Philippines, Ukraine, Nepal… và các hội thảo, diễn đàn khoa học quốc tế về vắc xin và bệnh trên heo.

"Như vậy, khẳng định Việt Nam đã và đang chia sẻ đầy đủ, kịp thời thông tin, kết quả nghiên cứu, đánh giá và cấp phép lưu hành vắc xin ASF tại Việt Nam cho WOAH và FAO", đại diện Cục Thú y cho biết.

Ông Long nói thêm mặc dù WOAH chưa ban hành tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng đối với vắc xin ASF, tuy nhiên Cục Thú y đã tham khảo kỹ các tài liệu khoa học quốc tế, kết hợp với kinh nghiệm thực tế để nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đánh giá chất lượng, kiểm nghiệm, khảo nghiệm vắc xin thương mại tại Việt Nam.

Những tiêu chuẩn này đảm bảo vắc xin an toàn, hiệu lực khi sử dụng tại thực địa; đặc biệt, việc sử dụng phương pháp công cường độc để đánh giá hiệu lực của vắc xin trên heo.

Tiêu chuẩn Việt Nam đang áp dụng là tương đồng với dự thảo tiêu chuẩn quốc tế về vắc xin ASF do ARS đang xây dựng, phát triển và đề xuất WOAH xem xét, ban hành trong Bộ luật thú y trên cạn cập nhật tới đây.

Trao đổi với Reuters, ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc CTCP AVAC Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh sản phẩm của mình an toàn và hiệu quả. Chúng tôi cần thời gian để chứng minh điều đó với tất cả mọi người, kể cả những người bày tỏ sự lo ngại”.

Theo số liệu của Cục Thú y, Việt Nam đã sản xuất 4,5 triệu liều vắc xin dịch tả heo châu Phi đã sản xuất, trong đó Navetco là 1,2 triệu liều, AVAC là 3,3 triệu liều.

Lượng vắc xin cung ứng, sử dụng từ khi cấp giấy chứng nhận lưu hành là hơn 1,5 triệu liều, trong đó có 207.339 liều vắc xin NAVET-ASFVAC của Navetco sử dụng tại 35 tỉnh, thành phố và hơn 1,3 triệu liều vắc xin AVAC ASF LIVE của công ty AVAC, sử dụng tại 45 tỉnh, tỉnh thành phố.

Ngay sau khi được phép lưu hành rộng rãi tại Việt Nam, công ty AVAC đã xuất khẩu 300.000 liều vắc xin dịch tả heo châu Phi sang Philippines. Trong thời gian tới, AVAC sẽ xuất khẩu loại vắc xin này sang Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Myanmar.

Hoàng Anh