|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dịch COVID-19 tại Việt Nam khiến Grab hụt thu, lỗ ròng 988 triệu USD trong quý III

07:30 | 12/11/2021
Chia sẻ
Mảng gọi xe của Grab ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch song mảng giao đồ và dịch vụ tài chính lại đón nhận tăng trưởng tích cực.

Grab mới đây đã báo cáo khoản lỗ ròng 988 triệu USD trong quý III/2021, theo Nikkei. Con số này cao hơn so với khoản lỗ ròng 621 triệu USD ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Khoản lỗ của Grab được công bố trong bối cảnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong khu vực Đông Nam Á ảnh hưởng nặng nề đến mảng kinh doanh gọi xe.

Làn sóng COVID-19 tại Việt Nam khiến Grab lỗ nặng trong quý 3 - Ảnh 1.

Grab ghi nhận lỗ ròng tăng mạnh trong quý 3/2021 so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Nikkei).

Grab là một trong những startup lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Grab theo đuổi chiến lược siêu ứng dụng và cung cấp đa dạng các dịch vụ như gọi xe, giao đồ, giao đồ ăn và dịch vụ tài chính. Hiện tại, startup này hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Myanmar.

Bên cạnh đó, Grab cho biết đợt sáp nhập theo kế hoạch với công ty thâu tóm sáp nhập chuyên dụng (SPAC) có tên Altimeter Growth Corp. "đang tiếp tục tiến triển và được kỳ vọng sẽ đóng lại vào quý 4/2021". Thương vụ này đưa định giá của Grab lên mốc gần 40 tỷ USD và đưa startup này niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ.

Grab giải thích rằng phần lớn của khoản lỗ trong quý III năm nay đến từ các chi phí phi tiền mặt ví dụ như chi phí lãi vay và khấu hao. Bên cạnh đó, trong quý III, nhiều quốc gia Đông Nam Á cũng áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Grab thừa nhận thực tế này "tạo ra một môi trường hoạt động đầy thách thức".

Doanh thu quý của Grab giảm 9% xuống còn 157 triệu USD. Grab chi biết đây là "kết quả của mảng di chuyển đi xuống so kỳ vọng vì đợt giãn cách xã hội tại Việt Nam".

Doanh thu mảng gọi xe đã giảm tới 26% xuống còn 88 triệu USD trong khi đó doanh thu mảng giao đồ tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái lên mốc 49 triệu USD. Cùng thời điểm, doanh thu mảng dịch vụ tài chính, bao gồm ví điện tử, tăng 11% lên 14 triệu USD.

Doanh thu kế toán của Grab không tính đến chi phí ưu đài dành cho tài xế, nhà bán hàng và người tiêu dùng. Chi phí cho người tiêu dùng của Grab trong quý 3 tăng gấp đôi lên mốc 271 triệu USD. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh tại Đông Nam Á ngày càng có mức độ cạnh tranh cao hơn.

Tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của Grab tăng 32% để chạm mốc 4 tỷ USD trong qusy 3, phần lớn do mở rộng kinh doanh ở mảng giao đồ và dịch vụ tài chính.

"Bất chấp đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở Việt Nam và các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn tại Đông Nam Á trong quý III vì COVID-19, chúng tôi vẫn thực thi tốt chiến lược siêu ứng dụng và đạt tăng trưởng mạnh mẽ", ông Anthony Tan, CEO Grab, chia sẻ.

"Với bức tranh phục hồi trước mắt và nhiều nền kinh tế bắt đầu dần mở cửa trở lại, gió đang thuận chiều với mảng kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi cũng đẩy mạnh thực hiện các khoản đầu tư sẽ giúp chúng tôi đạt được miếng bánh cơ hội lớn hơn và mở rộng các thị trường khả thi đối với Grab, ví dụ như mảng giao đồ tươi sống", ông nói thêm.

Trước đó, ông Tan chia sẻ với các nhà đầu tư rằng Grab kỳ vọng mảng gọi xe sẽ phục hồi trong quý IV, đặc biệt là ở các thị trường như Indonesia, Malaysia và Việt Nam trong bối cảnh tỷ lệ dân số được tiêm vắc xin COVID-19 tăng lên trong khu vực.

Làn sóng COVID-19 tại Việt Nam khiến Grab lỗ nặng trong quý 3 - Ảnh 2.

(Nguồn: Google, Temasek, Bain e-Conomy report 2021, Việt hoá: Thái Sơn).

Nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi quy mô lên mốc 363 tỷ USD cho tới năm 2025, vượt mức dự đoán trước đó là 300 tỷ USD, theo nghiên cứu mới từ Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co.

TMĐT, lữ hành, thông tin truyền thông, vận tải và giao đồ ăn sẽ là các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng số trong khu vực. Trong năm 2021, chi tiêu trực tuyến sẽ tăng 49% để chạm mốc 174 tỷ USD. Kể từ đầu đại dịch, Đông Nam Á có thêm 60 triệu người tiêu dùng số mới, dẫn đầu xu hướng này là Thái Lan và Philippines.

Trong nửa đầu năm nay, vốn đầu tư rót vào các công ty Internet Đông Nam Á đạt 11,5 tỷ USD, gần tương đương mốc 11,6 tỷ USD ghi nhận trong cả năm 2020. Một số trong những startup lớn nhất trong khu vực như Grab hay GoTo đều đã sẵn sàng cho những kế hoạch IPO đầy tham vọng.

Làn sóng COVID-19 tại Việt Nam khiến Grab lỗ nặng trong quý 3 - Ảnh 3.

(Nguồn: Google, Temasek, Bain e-Conomy report 2021, Việt hoá: Thái Sơn).

Indonesia sẽ là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực khi chi tiêu trực tuyến có thể sẽ tăng gấp đôi lên mốc 146 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, Việt Nam có thể là quốc gia có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong số 6 quốc gia được nhắc đến trong báo cáo. Việt Nam có thể ghi nhận GMV trực tuyến tăng gấp 3 lần trong 4 năm tới.

Mỗi thị trường Đông Nam Á đều có tiềm năng tăng trưởng lớn trong thập niêm tới. Indonesia có thể thể đạt quy mô nền kinh tế Internet lớn gấp đôi nền kinh tế Internet cả khu vực Đông Nam Á hiện tại vào năm 2030, ông Florian Hoppe, giám đốc thực hành số khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Bain, nói.

Nam Khánh