|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 hôm nay 24/3: Ổ dịch Brazil trở thành mối đe dọa cho toàn cầu

08:23 | 24/03/2021
Chia sẻ
Nga không công bố loại vắc xin Tổng thống Putin được tiêm, Việt Nam phê duyệt vắc xin COVID-19 thứ hai. Trong khi đó tình hình dịch tại Brazil diễn biến phức tạp.

Dịch COVID-19 hôm nay ở Việt Nam

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, sáng hôm nay (24/3) không có ca mắc COVID-19. Cả nước hiện có 2.576 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Đến nay đã có 37.911 người trên cả nước tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 37.754.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng hôm nay, nước ta đã chữa khỏi cho 2.246/2.575 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần một với virus SARS-CoV-2 là 42 ca; số ca âm tính lần hai là 19 ca, lần ba là 66 ca. 

Dịch COVID-19 hôm nay 24/3: Ổ dịch Brazil trở thành mối đe doạ cho toàn cầu - Ảnh 1.

Vắc xin Sputnik V của Nga. (Ảnh: Báo Sức khoẻ và Đời sống).

Hôm qua, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19 đối với vắc xin Sputnik V của Nga. Đây là vắc xin phòng COVID-19 thứ hai được Việt Nam phê duyệt đến nay. 1.000 liều Sputnik V đã có mặt tại Việt Nam như một món quà từ Nga.

New York Post đưa tin, Antony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, hôm 22/3, thừa nhận Sputnik V "khá hiệu quả" sau khi xem qua một số báo cáo về vắc xin này.

Hồi tháng 2, một báo cáo công bố trên tạp chí y học Anh The Lancet cho thấy vắc xin này hiệu quả 91%, ngăn ngừa được các ca nhiễm nghiêm trọng.

Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới

Theo cập nhật từ Worldometers, tính đến 7h sáng nay, toàn thế giới có tổng cộng hơn 124,78 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2,74 triệu người tử vong và 100,82 triệu bệnh nhân phục hồi (đạt 81%). Ca bệnh mới trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Đến nay, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, hai tàu du lịch trên toàn cầu xác nhận trường hợp mắc COVID-19.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã ghi nhận hơn 30,63 triệu ca nhiễm COVID-19, sau khi báo cáo thêm 56.658 ca trong 24 giờ qua. Đồng thời, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 852 ca, nâng tổng số lên 556.799. 

Tổng số người phục hồi là hơn 22,92 triệu người (tỷ lệ phục hồi đạt 74%). Số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19 tại Mỹ có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức cao.

Brazil hiện là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới và là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Giới chức ghi nhận thêm số ca nhiễm mới và ca tử vong do COVID-19 lần lượt là 84.996 và 3.158 ca (mức cao kỷ lục) trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lần lượt là hơn 12,13 triệu và 298.843 người. 

Trong đó tổng số ca phục hồi là hơn 10,6 triệu, tỷ lệ phục hồi đạt 87%. Nước này đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba tồi tệ nhất trong bối cảnh các biến chủng lây lan mạnh, biện pháp phòng dịch không được thực hiện và chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp.

"Việc mất kiểm soát đại dịch ở Brazil đã tạo ra biến chủng", CNN dẫn lời nhà vi sinh vật Pasternak nói. "Nó sẽ gây ra nhiều biến chủng và nhiều đột biến hơn bởi đây là kết quả của việc bạn để virus tự do nhân bản.".

Bà Pasternak cũng cảnh báo nhiều biến chủng mới xuất hiện đồng nghĩa một trong số đó có thể "né" được tất cả các loại vắc xin. Điều này đã khiến Brazil trở thành mối đe doạ cho toàn cầu.

Ấn Độ là nước đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc COVID-19 với 11,73 triệu ca nhiễm và 160.477 ca tử vong, tăng lần lượt 47.264 và 277 so với ngày hôm trước. Tỷ lệ phục hồi đạt 97% với tổng 11,2 triệu người đã khỏi bệnh. Số ca nhiễm mới đang tăng mạnh trở lại tại nước này.

Nước này hôm qua thông báo sẽ tiêm phòng cho tất cả người trên 45 tuổi từ ngày 1/4. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người vào cuối tháng 7, nhưng hiện mới chỉ có gần 50 triệu người được chủng ngừa, theo AFP.

Cho đến nay, chỉ nhân viên tuyến đầu, người trên 60 tuổi và người trên 45 tuổi có bệnh nền mới đủ điều kiện để tiêm vắc xin AstraZeneca hoặc vắc xin do Ấn Độ phát triển Bharat Biotech.

Nga, vùng dịch lớn thứ 4 trên thế giới, sau khi ghi nhận thêm 8.457 ca mắc và 427 ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga tới hiện tại là hơn 4,47 triệu trường hợp, trong đó 95.818 trường hợp tử vong, và hơn 4,08 triệu người hồi phục (đạt 91%). Số ca nhiễm mới tại Nga đang chững lại ở mức 9.000, số ca tử vong vẫn ở mức khá cao.

Khu vực Leningrad của Nga đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắc xin Sputnik V với chỉ 975 liều có sẵn, theo The Moscow Times.   

Dịch COVID-19 hôm nay 24/3: Ổ dịch Brazil trở thành mối đe doạ cho toàn cầu - Ảnh 2.

Tổng thống Vladimir Putin hôm qua đã tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên, hiện chưa rõ ông sử dụng loại nào trong ba loại vắc xin Sputnik V, EpiVacCorona và CoviVac được phát triển trong nước. (Ảnh: TASS).

Pháp, Anh, Italy, Tây Ban Nha lần lượt là các vùng dịch lớn thứ 5, 6, 7, 8 trên thế giới. Các nước này vẫn ghi nhận hàng nghìn ca bệnh mới mỗi ngày. Đặc biệt tại Pháp, Italy, các số liệu không mong muốn về đại dịch đều đang tăng trở lại. Trong khi đó, dịch bệnh tại Anh và Tây Ban Nha đang thuyên giảm.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới, tất cả đều là trường hợp nhập cảnh, và không có thêm ca tử vong nào do COVID-19.

Hiện Trung Quốc có tổng cộng 90.115 ca nhiễm, trong đó có 4.636 ca tử vong và 85.321 (95%) bệnh nhân được chữa khỏi.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này ghi nhận 346 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 99.421 ca, trong đó có 1.704 trường hợp tử vong, và 91.079 người đã hồi phục (90%). 

Các ca nhiễm mới của Hàn Quốc ở dưới mức 400 lần đầu tiên trong 7 ngày, làm dấy lên lo ngại đại dịch có thể  bùng phát trở lại tại đây, theo Yonhap.

Tổng cộng có 680.560 người (khoảng 1,3% dân số cả nước) đã được tiêm vắc xin COVID-19 tính đến hôm thứ hai tại Hàn Quốc. Trong đó, vắc xin của AstraZeneca chiếm 622.437 liều, Pfizer chiếm 58.123 liều.

Như Ý

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.