|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số trong ngành logistics

11:36 | 01/10/2020
Chia sẻ
Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy và đảo lộn, logistics là nhóm ngành được kì vọng phải chuyển đổi số để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu, sự tăng trưởng của thị trường.

Doanh nghiệp đang gặp khó vì thiếu vốn, chi phí đầu tư cao

Hội thảo "Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số" do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP HCM (CIIS) tổ chức đã diễn ra sáng 30/9 tại TP HCM.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư kí VLA cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

 “Hiện tượng” này được thúc đẩy và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn khi làn sóng COVID-19 xuất hiện, các hoạt động cách li diễn ra thì việc áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động quản lí doanh nghiệp càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

"Dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics – xương sống của chuỗi cung ứng", Phó Tổng Thư kí VLA chia sẻ.

Không thể phủ nhận, ngành logistics trong nước đã có những bước tiến nhất định trong tiến trình chuyển đổi số khi 50% - 60% doanh nghiệp ở hầu hết các dịch vụ đang ứng dụng nhiều loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo qui mô và tính chất của từng dịch vụ để “sáp nhập” vào nền kinh tế số. 

Tuy vậy, nếu muốn chuyển đổi số dài hạn và đạt hiệu quả cao hơn, doanh nghiệp cần phải định hình và xây dựng một lộ trình chuyển đổi số đúng hướng và mang tính tổng hợp hơn. Để làm được điều này, việc quản trị tốt các rủi ro về thị trường và rủi ro về pháp lí là điều cần được chú trọng.

Bên cạnh đó, "hiện chi phí đầu tư cho chuyển đổi số rất lớn, dao động từ 200 triệu đến hàng chục tỉ đồng cho việc triển khai các giải pháp logistics. Trong khi đó, khoảng 97% doanh nghiệp logistics nói chung là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu vốn đầu tư", ông Tương nhấn mạnh.

Ngành logistics  - Ảnh 1.

Hội thảo "Ngành logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số" diễn ra sang 30/9 tại TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), cho biết, thực tế lợi nhuận của các doanh nghiệp logistics hiện rất thấp.

“Năm 1994, vận chuyện một container hàng LCL từ Việt Nam sang Hong Kong có thể lãi 4.000 USD nhưng sau 10 năm chỉ lãi 60 USD và không có tiền cước, thậm chí có khi vận chuyển với cước phí 0 đồng. Tỷ suất lợi nhuận của công ty logistic Việt Nam rất thấp”, ông Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, một số nguyên nhân khách quan khác như việc thiếu kho trung chuyển ở các địa phương, chi phí nhiên liệu tăng cao, nhiều loại phụ phí và kiểm tra chồng chéo, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các phương tiện, thiết bị lạc hậu, trong khi các doanh nghiệp còn chậm chuyển đổi số… cũng là những nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao nhưng doanh nghiệp lại không lãi nhiều.

Việc thiếu vốn khiến nhiều doanh nghiệp logistics dù nhận thức được chuyển đổi số là cần thiết nhưng cũng chưa thể thực hiện.

Theo khảo sát năm 2018 của VLA, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam còn chưa cao, đa phần là các giải pháp đơn lẻ.

Khoảng 40% các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics là các ứng dụng cơ bản như quản lí giao nhận quốc tế, quản lí kho hàng, quản lí vận tải, trao đổi dữ liệu, đặc biệt khai báo hải quan được ứng dụng nhiều nhất 75-100%.

Ngành logistics  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Như Huỳnh).

Ngoài ra, ông Nguyễn Tương cũng cho hay, hiện các doanh nghiệp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp do mới chỉ có 17 loại hình dịch vụ logistics đang được các doanh nghiệp trong ngành cung cấp ở mức độ khác nhau, các phần mềm của quốc tế chưa được ứng dụng nhiều, có ứng dụng cũng không phù hợp.

Thêm vào đó, tâm lí chưa thực sự tin tưởng về các ứng dụng công nghệ số (bảo mật, mức độ an toàn, khả năng thanh toán…) và thói quen ngại thay đổi của lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên cũng là cản trở việc chuyển đổi số của doanh nghiệp.

“Một số vấn đề pháp lí mà hiện các doanh nghiệp còn e ngại như chữ kí điện tử và chữ kí thường, EDO bằng giấy và EDO điện tử giá trị pháp lí như thế nào, khi xảy ra tranh chấp sẽ được giải quyết ra sao cần được giải quyết để doanh nghiệp tin tưởng", ông Tương nêu quan điểm.

Giải pháp nào cho doanh nghiệp trước xu thế chuyển đổi số?

Theo các chuyên gia nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ thụt lùi và không thể cạnh tranh khi doanh nghiệp khác đều đã ứng dụng chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số vào danh mục phải đầu tư.

Do đó, để khắc phục khó khăn cho ngành trong quá trình phục hồi sau dịch, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết sẽ kết hợp cùng Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) thành lập một công ty cộng đồng để phát triển một nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu của VIDA trong kinh doanh hàng ngày.

Trong nền tảng số sẽ ứng dụng công nghệ blockchain và các công nghệ khác với sản phẩm đầu tiên là lệnh giao hàng điện tử cho hàng lẻ đóng trong container chung chủ và vận đơn điện tử.

Về vấn đề pháp lí, Luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên VIAC, thành viên Tiểu Ban Tư vấn pháp luật VLA cho rằng một số doanh nghiệp logistics lớn, hoạt động xuyên quốc gia đã áp dụng chuyển đổi số ở mức khá cao; doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể học kinh nghiệm để từng bước thay đổi, áp dụng. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần quan tâm về các vụ tranh chấp liên quan đến “số hóa” điển hình trong hoạt động Logistics như vụ tranh chấp về trả hàng nhầm - xác nhận qua Zalo cá nhân giữa 2 nhân viên của công ty giao nhận và chủ hàng (dùng vận đơn gốc hay loại đã nộp). 

Hay vụ đàm phán nội dung hợp đồng bằng email, cụ thể các bên (người vận chuyển và người thuê vận chuyển) đã xác nhận đồng ý nội dung hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng email nhưng chưa kí bản giấy. 

Thep Luật sư Đặng Việt Anh, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật ANHISA, có thể nói, những rủi ro này phát sinh chủ yếu từ việc khung pháp lí trong giao kết hợp đồng điện tử chưa thật sự được chú trọng dẫn đến việc áp dụng pháp luật vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi khiến doanh nghiệp e ngại trong việc ứng dụng phương thức giao kết mới.

"Doanh nghiệp nên lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp với đặc tính ngành, nghề; đơn cử là những thuận lợi khi áp dụng điều khoản trọng tài giải quyết tranh chấp trong hoạt động logistics", Luật sư Ngô Khắc Lễ chia sẻ.

Ngoài nội lực của doanh nghiệp, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn trong điều kiện có thể, nhất là những doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số để tạo ra động lực phát triển cho ngành.

Bên cạnh đó, phải triển khai có kết quả Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, Tổng Thư ký VLA nêu ý kiến.

Như Huỳnh