|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dịch bệnh đang bùng phát, doanh nghiệp hàng không nào vẫn có triển vọng đầu tư?

17:14 | 05/07/2021
Chia sẻ
COVID-19 là khắc tinh của ngành hàng không. Khi dịch bệnh được kiểm soát nhờ vắc xin, dự kiến là trong hai quý cuối năm nay, nhiều cổ phiếu hàng không sẽ có cơ hội cất cánh.

Niềm hy vọng mang tên vắc xin

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử loài người đang diễn ra. Theo thống kê của Bloomberg, tính đến hôm nay 5/7, gần 3,2 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm ở 180 quốc gia trên thế giới. Trung bình mỗi ngày có 39,4 triệu liều vắc xin được tiêm.

Số vắc xin nói trên đủ dùng cho 20,8% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, quá trình phân phối diễn ra không đồng đều. Theo Bloomberg, 27 quốc gia giàu nhất thế giới chỉ chiếm 10,4% dân số toàn cầu nhưng đã dùng tới 22,6% số liều vắc xin.  

Theo nhiều dự báo, phần lớn dân số các nước phát triển sẽ được tiêm chủng vào giữa năm 2022, đây cũng là những thị trường bay quốc tế chính của Việt Nam.

Dịch bệnh đang bùng phát, doanh nghiệp hàng không nào vẫn có triển vọng đầu tư? - Ảnh 1.

Dựa trên lượng vắc xin dự kiến nhận được, Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) kỳ vọng 14,7% - 26% dân số Việt Nam có thể được tiêm đủ liều vào cuối quý III, IV năm 2021.

Cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn ở các thị trường bay quốc tế chính, Việt Nam có thể mở lại đường bay nước ngoài vào cuối quý III/2021 như dự kiến.

Đại dịch bùng phát nhiều lần vào mùa hè 2020, Tết Nguyên đán 2021 và mùa hè 2021 khiến cho lượng hành khách đi máy bay sụt giảm nghiêm trọng, các hãng thua lỗ ngay trong quãng thời gian thường là mùa cao điểm hàng năm.

Với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ và quá trình tiêm chủng, VNDirect kỳ vọng lượng khách nội địa và quốc tế sẽ hồi phục kể từ quý IV/2021. Tổng lượng khách nội địa trong năm nay có thể tăng nhẹ 1,4% trong khi lượng khách quốc tế có thể thấp hơn 1,1% so với năm ngoái.

Trong trung hạn, lượng khách nội địa của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi về mức trước đại dịch trong năm 2022 (bằng 103,7% mức cơ sở 2019) và trong 2025 sẽ đạt 139,7% mức cơ sở. Với giao thông quốc tế, lượng khách vào Việt Nam năm 2023 có thể sẽ hồi phục về mức trước dịch (bằng 100,9% mức cơ sở năm 2019) và đến năm 2025 có thể đạt 127,5% mức cơ sở.

Dịch bệnh đang bùng phát, doanh nghiệp hàng không nào vẫn có triển vọng đầu tư? - Ảnh 2.

VNDirect dự báo lượng khách hàng không nội địa của Việt Nam hồi phục mạnh từ quý III.

Sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không năm 2020 giảm 14,7% so với năm trước. Trong 5 tháng đầu 2021, tổng sản lượng hàng hóa tăng 15% nhờ phục hồi giao thương toàn cầu. 

VNDirect kỳ vọng đà tăng trưởng được duy trì, giúp sản lượng của cả năm 2021 tăng 15%. Các công ty cảng hàng hóa có dư địa tăng trưởng công suất như SCS có thể sẽ hưởng lợi từ mức tăng trưởng kép 9,7%/năm giai đoạn 2020-2030 theo như dự báo bởi Cục Hàng không Việt Nam.

So với mức cơ sở 2019 khi chưa xuất hiện đại dịch, số lượng chuyến bay trong 5 tháng đầu 2021 của Vietnam Airlines giảm 41%, còn của Vietjet Air và Bamboo Airways tăng lần lượt 41% và 273%. Nếu so với cùng kỳ 2020, số chuyến bay của các hãng trong 5 tháng 2021 đều giảm, ngoại lệ duy nhất là Bamboo Airways.

Dịch bệnh đang bùng phát, doanh nghiệp hàng không nào vẫn có triển vọng đầu tư? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp tư nhân có lợi thế nhờ ra quyết định nhanh, chủ động thanh lý các loại tài sản để tạo ra doanh thu và thu nhập tài chính, giúp tăng lợi nhuận và dòng tiền đáng kể. Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước như Vietnam Airlines vướng nhiều thủ tục nên lợi nhuận và dòng tiền đều giảm mạnh trong quý I/2021.

Vietnam Airlines đang rơi vào khó khăn tài chính nghiêm trọng và có quy cơ phá sản. VNDirect cho rằng các hãng bay tư nhân với tiềm lực tài chính có thể tranh thủ cơ hội này để giành thị phần.

Triển vọng cổ phiếu hàng không: ACV, SCS, VJC

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) đang độc quyền quản lý và vận hành 22 sân bay quốc nội cũng như quốc tế trên cả nước.

Ngành hàng không toàn cầu đang trên đà phục hồi nhờ tiêm chủng vắc xin cấp tốc. Vì vậy, VNDirect kỳ vọng Việt Nam sẽ mở lại các đường bay quốc tế an toàn vào cuối quý III/2021 và sẽ giúp kết quả kinh doanh của ACV phục hồi mạnh mẽ kể từ năm 2022.

Trong năm 2021, tổng lượng hành khách của ACV có thể tăng nhẹ 1,1% so với 2020. Nhờ lợi nhuận tài chính từ đánh giá lại nợ và nền so sánh năm 2020 ở mức thấp, lợi nhuận ròng ACV có thể tăng 90% và đạt 3.124 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong năm 2022, giao thông hàng không phục được kỳ vọng phục hồi mạnh và tổng lượng hành khách thông quan có thể tăng 54% so với 2021. Trong đó, lượng hành khách nội địa dự kiến tăng 33% và hành khách quốc tế tăng 264%, giúp lợi nhuận ròng của ACV có khả năng vọt lên 137%.

Dịch bệnh đang bùng phát, doanh nghiệp hàng không nào vẫn có triển vọng đầu tư? - Ảnh 4.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do ACV quản lý. (Ảnh: Song Ngọc).

Kể từ quý I/2021, ACV đã bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh khu bay thay vì ghi nhận ở khoản phải thu và phải trả như trước. Với phương thức hạch toán này, VNDirect tin rằng ý kiến nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán của ACV kể từ năm 2021 sẽ được loại bỏ và ACV đang theo đúng lộ trình để có thể được niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) trong năm 2022, cổ phiếu nhờ vậy mà sẽ được xác định lại giá trị.

Rủi ro lớn đối với ACV bao gồm: (1) dịch bệnh tái bùng phát trong tháng 5 có thể vượt ngoài tầm kiểm soát khiến lượng hành khách nội địa thấp hơn dự báo, (2) đồng Yên Nhật mạnh lên, và (3) tiến độ xây dựng sân bay Long Thành bị chậm hơn dự kiến.

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã: SCS) được dự báo nâng thị phần ở Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-30 lên 55%.

Hiệu quả hoạt động của SCS có thể duy trì ở mức cao nhờ kiểm soát tốt chi phí, bảng cân đối kế toán mạnh không nợ vay và thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% đến năm 2023.

Năm 2020, SCS có lãi sau thuế 464 tỷ đồng. Quý I/2021, công ty tiếp tục lãi ròng 137 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại đại hội cổ đông thường niên 2021 tổ chức đầu tháng 6 này, ban lãnh đạo công ty ước tính sản lượng hàng hóa mà SCS phục vụ 5 tháng đầu năm đạt hơn 98.300 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng quốc tế tăng 15,7%, sản lượng quốc nội tăng 41%. Lợi nhuận trước thuế 5 tháng ước tính khoảng 247 tỷ đồng, tăng 24,7%.

Lãnh đạo SCS cũng cho biết dịch COVID-19 có ảnh hưởng tới hoạt động của công ty nhưng mức độ không đáng kể nhờ chính sách vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ. Công ty tin tưởng rằng nếu việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt, sản lượng hàng hóa 6 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng khả quan, công ty có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Năm 2021, SCS đặt mục tiêu doanh thu 780 tỷ đồng, lãi sau thuế 540 tỷ, tỷ lệ cổ tức dự kiến 36%.

Dịch bệnh đang bùng phát, doanh nghiệp hàng không nào vẫn có triển vọng đầu tư? - Ảnh 5.

TTM = tổng 4 quý gần nhất.

VNDirect dự báo tổng lượng hàng hóa mà SCS phục vụ sẽ tăng 10,3% trong năm nay, doanh thu và lợi nhuận ròng đi lên tương ứng 17,2% và 22%.

CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) là hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam khi chiếm 40% thị phần nội địa năm 2020. Theo báo cáo thường niên mới nhất, Vietjet đã vận chuyển hơn 15 triệu lượt hành khách trong năm COVID đầu tiên.

Tuy thua lỗ vì hoạt động kinh doanh chính nhưng số liệu lợi nhuận và dòng tiền của Vietjet vẫn tương đối khả quan nhờ thanh lý tài sản. Ngoài ra, hãng bay của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo còn đang chuẩn bị ba kế hoạch huy động vốn trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu quốc tế, chào bán cổ phiếu riêng lẻ, và phát hành ESOP.

VNDirect dự phóng lượng hành khách quốc tế trong năm 2021 có thể tương đương 2020 và sẽ bật tăng mạnh 650% trong năm 2022. Lợi nhuận ròng có thể đạt 1.165 tỷ trong năm 2021 và 3.387 tỷ trong năm 2022, tương đương lần lượt 30% và 102% so với năm 2019.

Đức Quyền - Song Ngọc

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.