|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đi tìm lời giải cho câu hỏi 'Trung Quốc có thể theo đuổi 'Zero COVID' trong bao lâu nữa?'

13:45 | 07/11/2021
Chia sẻ
Trung Quốc vẫn kiên quyết thực hiện chiến lược không khoan nhượng đối với đại dịch COVID-19 (tức Zero COVID), ngay cả khi biến chủng Delta tấn công hệ thống "phòng thủ" đáng gờm của nước này.

Là nước cuối cùng theo đuổi Zero COVID, Trung Quốc đang trở nên đơn độc hơn bao giờ hết. Liệu đất nước tỷ dân có thể duy trì chiến lược này trong bao lâu, khi mà phần còn lại của thế giới, kể cả Việt Nam, đã bắt đầu học cách sống chung với COVID-19.

Giới chức địa phương đang thực hiện nghiêm nhiều biện pháp chống dịch khác nhau, từ hạn chế đi lại đến phong tỏa và xét nghiệm hàng triệu người dân. Tuy nhiên, ngày càng nhiều khu vực trên khắp đất nước đang phải chật vật chống chọi với đợt dịch mới.

Bloomberg đã phỏng vấn hàng chục chuyên gia y tế, nhà kinh tế cũng như các nhà đầu tư và doanh nghiệp du lịch để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi nêu trên.

Các chuyên gia y tế nói gì?

Giáo sư dịch tễ học Chen Zhengming tại Đại học Oxford dự đoán: "Theo cá nhân tôi, Trung Quốc sẽ đóng cửa thêm một năm nữa".

Ông Chen giải thích, thành công trong kiểm soát đại dịch của Bắc Kinh đã giành được sự tin tưởng của công chúng địa phương, trong khi các nước chọn sống chung với COVID lại đang chứng kiến điều mà chính phủ lo sợ: "một khi mở cửa, dịch lại bùng lên".

"Tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc rất cao, nhưng hầu hết người dân chỉ được tiêm bằng vắc xin bất hoạt vốn kém hiệu quả hơn vắc xin mRNA", giáo sư Chen nói tiếp. "Nếu Trung Quốc không tiêm mũi tăng cường và tình hình dịch bệnh ở các nước khác không tiến triển, tôi tin khả năng Trung Quốc mở cửa và từ bỏ Zero COVID là rất nhỏ".

Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền Bắc Kinh quyết định đóng cửa thêm 3 hoặc 4 năm nữa, Trung Quốc vẫn là một nước lớn nên nền kinh tế tỷ dân vẫn có thể tăng trưởng mượt mà, vị giáo sư của Đại học Oxford tiếp tục.

Đi tìm lời giải cho câu hỏi 'Trung Quốc có thể theo đuổi 'Zero COVID' trong bao lâu nữa?' - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho cư dân tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ngày 2/11. (Ảnh: Getty Images).

Còn theo ông Jason Wang, Giám đốc Trung tâm Chính sách Kết quả và Phòng ngừa của Đại học Stanford, một nguyên nhân khác buộc Trung Quốc quyết tâm theo đuổi Zero COVID là hệ thống y tế của nước này.

"Ở nhiều thành phố, người dân rất khó tiếp cận chăm sóc y tế. Chỉ cần dịch bùng mạnh một chút là hệ thống bệnh viện đã quá tải và điều đó có thể dẫn đến bất ổn xã hội", ông Wang nói thêm.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Huang Yanzhong của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (New York), dự đoán chính sách chống COVID-19 của Trung Quốc sẽ không thay đổi cho đến ít nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới. "Bắc Kinh không thể chịu bất kỳ rủi ro nào trước sự kiện trọng đại này", ông Huang nhấn mạnh.

Song, ông Peter Collignon, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm kiêm giáo sư tại Trường Y, Đại học Quốc gia Australia, cho biết nếu đại dịch bùng phát nghiêm trọng trong mùa đông, Bắc Kinh có thể thay đổi chiến lược chỉ trong vài tuần .

"Có thể là vào khoảng tháng 1 năm sau, Trung Quốc sẽ nhận thấy có quá nhiều ca nhiễm mới và họ phải chấp nhận sống chung với COVID-19…", bác sĩ Collignon đưa ra dự đoán.

Các chuyên gia chính trị nhìn nhận thế nào?

Ông George Magnus, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Oxford, nhận định: "Nếu Trung Quốc đảo chiều thái độ trước Olympic mùa đông và Đại hội Đảng lần thứ 20, đó sẽ là một cú sốc lớn cho thế giới".

Giới lãnh đạo tại Bắc Kinh coi thành tích chống đại dịch là một sự vinh quang, do đó thay đổi chiến lược một cách bất ngờ có thể khiến các nhà lãnh đạo đất nước bẽ mặt, ông Magnus lập luận.

"Hơn nữa, cũng thật khó có thể thấy Trung Quốc nới lỏng chính sách chống dịch trước khi vắc xin của nước này được cải thiện. Tôi không thấy bất kỳ trường hợp nào có thể làm lung lay chiến lược Zero COVID của Trung Quốc", vị chuyên gia tiếp tục.

Ông Frank Tsai, nhà sáng lập công ty tư vấn China Crossroad, đồng ý rằng chính phủ Trung Quốc cực kỳ không muốn từ bỏ Zero COVID. "Phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh trong dịch bệnh là một trong các lập luận tốt nhất có thể bảo vệ hệ thống lãnh đạo, trong mắt chính người dân Trung Quốc lẫn công chúng trên khắp thế giới".

Đi tìm lời giải cho câu hỏi 'Trung Quốc có thể theo đuổi 'Zero COVID' trong bao lâu nữa?' - Ảnh 3.

Nhân viên y tế sắp xếp thực phẩm cho người dân tại một khu dân cư bị phong tỏa ở Bắc Kinh, ngày 3/11. (Ảnh: Getty Images).

Giới đầu tư nghĩ gì?

Tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta cho thấy "chiến lược Zero COVID của Trung Quốc có thể rất khó thực hiện, đặc biệt là khi nhiều nước khác đã chọn sống chung với COVID-19", bà Jessica Tea, một chuyên gia đầu tư tại BNP Paribas Asset Management, cho hay.

Ngoài ra, cách tiếp cận trên còn có thể trì hoãn sự phục hồi của một số lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ngành nhà hàng khách sạn. Dù vậy, bà Tea coi các cổ phiếu liên quan tới công nghệ, khoa học đời sống và chuyển đổi năng lượng là những điểm đến đầu tư tiềm năng cho năm 2022.

Nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius cho rằng chiến lược không khoan nhượng với COVID-19 sẽ không "giết chết" cơ hội đầu tư của Trung Quốc.

"Bạn có thể cắt đứt mối liên hệ giữa Trung Quốc với thế giới, nhưng bản thân Trung Quốc vẫn có một thị trường nội địa rất lớn và hấp dẫn", ông Mobius nhấn mạnh.

Các nhà kinh tế nói gì?

Chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh có thể "hạn chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là đối với lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ", nhà kinh tế Ding Shuang của Standard Chartered, bày tỏ.

Tuy nhiên, cách làm này cũng giúp Trung Quốc kiềm chế nguy cơ bùng dịch mất kiểm soát. Ông Ding dự đoán Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách chống dịch nghiêm ngặt "cho đến khi kết thúc cuộc họp Quốc hội vào tháng 3 năm sau".

Sau đó, Trung Quốc có thể xem xét lại dựa trên kinh nghiệm của các nước khác. "Đặc biệt là những nước đã đạt miễn dịch cộng đồng và quyết định sống chung với virus SARS-CoV-2", nhà kinh tế của Standard Chartered nói thêm.

Liên quan tới lĩnh vực du lịch, ông Gary Bowerman, Giám đốc cấp cao tại công ty nghiên cứu du lịch và lữ hành Check-in Asia, không biết khi nào Bắc Kinh sẽ mở cửa biên giới và đón khách quốc tế trở lại.

"Rõ ràng là Trung Quốc sẽ không mở cửa trước Olympic mùa đông. Tôi đoán có thể là vào quý II năm 2022 hoặc thậm chí một năm nữa", ông Bowerman dự đoán.

Khả Nhân