|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Viettel Construction: Đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 487 tỷ đồng, mảng xây dựng hiện biên lợi nhuận 5-6%

14:50 | 18/04/2023
Chia sẻ
Năm 2023, CTR đặt mục tiêu doanh thu 10.338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 487 tỷ đồng, cả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng 10% so với năm ngoái, dự kiến chia cổ tức 20%.

Chiều 18/4, Tổng công ty Cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, mã: CTR) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Viettel Construction. (Ảnh: Hạ An).

Trình bày báo cáo HĐQT tại đại hội, ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Viettel Construction cho hay, trong năm 2022, doanh thu hợp nhất của Viettel Construction đạt 9.398 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 443 tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ 2021. 

Đại hội cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức 31,51% (bao gồm 10% bằng tiền và 21,51% bằng cổ phiếu).

Với mục tiêu năm 2023, CTR đặt mục tiêu doanh thu 10.338 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 487 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. Tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2023 dự kiến là 20%. Trong đó, tổng doanh thu của Công ty mẹ đạt 9.256 tỷ đồng và Iợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 471,6 tỷ đồng; ROE đạt 26,4 %.  

Ông Phạm Đình Trường, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Viettel Construction. (Ảnh: Hạ An).

Tại đại hội, ông Phạm Đình Trường, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Viettel Construction báo cáo về các hoạt động kinh doanh năm 2022, định hướng 2023 và tờ trình đề xuất ĐHĐCĐ chấp thuận hợp đồng, giao dịch với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Tập đoàn Viettel) năm 2023 và 2024. 

Theo đó, một nguồn doanh thu quan trọng của Viettel Construction là các hợp đồng cho thuê với Tập đoàn Viettel. Trong năm 2022, Viettel Construction cung cấp cho Tập đoàn Viettel hai hợp đồng có giá trị trên 35% tổng giá trị tài sản.

Cụ thể, hợp đồng về cung cấp dịch vụ vận hành khai thác và ứng cứu thông tin trạm, tuyến cáp, và tủ hộp cáp cố định băng rộng lớp mạng truy cập trị giá1.807 tỷ đồng, tăng 3,31% so với hợp đồng năm 2021 và hợp đồng 2.628 tỷ đồng về cung cấp dịch vụ quản lý đường dây thuê bao và phát triển mới khách hàng cố định băng rộng, tăng 9,25% so với hợp đồng năm 2021. Hai hợp đồng này đã đạt tổng doanh thu 4.435 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng doanh thu của Viettel Construction.

Sang năm 2023, HĐQT tiếp tục trình đại hội chấp thuận nội dung giao dịch với công việc tương tự năm 2022 với giá trị không vượt quá 30% giá trị hợp đồng năm 2022.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Viettel Construction. (Ảnh: Hạ An).

Tại đại hội, HĐQT cũng đã trình tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 -2025 với bà Nghiêm Phương Nhi và bầu bổ sung một thành viên HĐQT là bà Vũ Thị Mai. 

Với 100% số phiếu bầu thông qua, bà Vũ Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Nhân lực Tập đoàn Viettel đã trở thành thành viên HĐQT Viettel Construction.

*Phần thảo luận:

Với hợp đồng với Viettel Network và Viễn thông Viettel, khi mở rộng ra nước ngoài tại sao giá trị hợp đồng với Viễn thông Viettel tăng mà Viettel Network không tăng?

Ông Phạm Đình Trường, Tổng Giám đốc Viettel Construction: Với hợp đồng trong nước, Viettel Construction có hai hợp đồng với Tập đoàn Viettel, trong đó hợp đồng vận hành khai thác hạ tầng, doanh thu không tăng nhiều bởi hệ thống không tăng trưởng mà chỉ cho thuê hàng năm.

Còn hợp đồng với Viễn thông Viettel, số đường dây thuê bao cố định vẫn tăng trưởng hàng năm từ 3-5%/năm dẫn đến doanh thu của Viettel Construction cũng tăng theo.

Với phần cho thuê ra nước ngoài, Viettel Construction ký hợp đồng với các công ty độc lập, doanh thu này tính riêng và không liên quan đến phần doanh thu trong nước. Hiện tại, riêng phần doanh thu mảng vận hành khai thác trong nước đạt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng, còn phần nước ngoài khoảng hơn 800 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tại sao số hộ cung cấp dịch vụ xây lắp giảm nhưng doanh thu tăng gấp ba?

Ông Phạm Đình Trường: Viettel Công trình hiện cung cấp dịch vụ xây lắp cho hai đối tượng hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong các năm trước, Viettel Construction đẩy mạnh quảng bá đến đối tượng B2C để quảng bá thương hiệu nên số lượng công trình cao còn doanh thu không lớn.

Tuy nhiên, từ năm 2022, mảng xây lắp của Viettel Construction tăng trưởng mạnh vì đẩy mạnh đối tượng B2B. Điều này khiến mặc dù số công trình giảm nhưng doanh thu lại tăng gấp ba lần. Hiện tại, doanh thu B2B và B2C hiện ngang nhau và Viettel Construction sẽ duy trì tỷ lệ 50-50% như hiện nay bởi hai phần này hỗ trợ cho nhau.

Rủi ro về lĩnh vực xây lắp của Viettel Construction khi hàng loạt nhà thầu, doanh nghiệp xây dựng đang bị đọng vốn? Biên lợi nhuận của mảng xây dựng dân dụng là bao nhiêu?

Ông Phạm Đình Trường: Biên lợi nhuận của mảng xây dựng dân dụng năm 2022 là 5%. Năm 2023 có thể nâng lên các công trình B2B là khoảng 6,5%. Như vậy, tổng kết lại, biên lợi nhuận mảng xây dựng là từ 5-6% nhưng ngoài ra chúng tôi còn hệ sinh thái. 

Đầu tiên phải bước vào nhà khách hàng, sau đó kết hợp thêm các sản phẩm khác trong hệ sinh thái và mang lại cả lợi nhuận cho khách hàng, nhà cung cấp và Viettel Construction.

Về vấn đề rủi ro, Viettel Construction không chịu rủi ro lớn như các doanh nghiệp xây dựng khác bởi đối với các công trình xây dựng nhà dân, chúng tôi nhận tiền xong mới xây dựng. Mảng này hoàn toàn không có rủi ro.

Với ý kiến của cổ đông về việc đàm phán trọn gói giá xây nhà có gây rủi ro khi giá vật liệu tăng, hiện tại giá trị chênh lệch không quá 5% nên không gây ảnh hưởng lớn với thoả thuận.

Với các công trình B2B, phải làm theo hợp đồng, thanh toán theo tiến độ, hiện là khoảng 6 tháng và mất thêm một tháng nghiệm thu. Nếu chủ đầu tư không tạm ứng thì bắt buộc phải có bảo lãnh ngân hàng đứng sau để khi làm xong ngân hàng sẽ thanh toán.

Viettel Construction cũng hạn chế rủi ro tối đa bằng cách chia nhỏ các đợt nghiệm thu từ 3-6 tháng. Quan điểm của Viettel Construction là không “thả gà ra đuổi” vì mình làm có chất lượng, có thương hiệu, có giá cả cạnh tranh chứ không làm bất chấp.

Chúng tôi cũng thẩm định kỹ càng các chủ đầu tư, tìm kiếm báo cáo tài chính của chủ đầu tư trước khi nhận công trình nên rủi ro không cao như các doanh nghiệp xây dựng khác. Tôi cho rằng, thị trường xây dựng cũng hiện tại đủ lớn để các doanh nghiệp cùng hoạt động, ai có năng lực thì làm tốt hơn thôi.

Hiện tại, vốn của ngân sách Nhà nước cho việc xây dựng ở khoảng 400.000 tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp và người dân cũng khoảng 400.000 tỷ đồng nên dư địa còn rất lớn.