Viettel Construction tiếp đón đoàn quỹ, nhà đầu tư lớn nhất từ trước đến nay
Sáng ngày 10/8/2023, tại trụ sở làm việc của Viettel Construction, Tổng Công ty đã tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại giữa Ban lãnh đạo và gần 50 khách mời là các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đến từ các Mỹ, Canada, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Công ty Chứng khoán Vietcap.
Trong 6 tháng đầu năm, Viettel Construction đã đạt những kết quả kinh doanh tích cực ở cả 6 lĩnh vực chính. Lũy kế 06 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty lần lượt đạt 5.063 tỷ đồng và 288,8 tỷ đồng, đều tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại buổi đối thoại giữa Viettel Construction và các khách mời, ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Viettel Construction cũng chia sẻ với các Quỹ và Nhà đầu tư về chiến lược đến năm 2025, mục tiêu doanh thu Tổng Công ty đã được phê duyệt là 11.300 tỷ đồng. Tuy nhiên dự kiến năm 2023 Tổng Công ty đã có thể hoàn thành mục tiêu trên (sớm hơn trước 2 năm so với kế hoạch) trong bối cảnh thị trường biến động và khó khăn.
Hiện, Viettel Construction đang xây dựng chiến lược đến 2030 với định hướng tăng trưởng hàng năm từ 10-15%.
Giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư về lĩnh vực Đầu tư Hạ tầng cho thuê, ông Phạm Đình Trường – Tổng Giám đốc Viettel Construction cho biết hiện nay chủ trương của Bộ Thông tin Truyền thông đề cao việc tăng cường chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các nhà mạng, do đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sở hữu hạ tầng như Viettel Construction.
Ngoài ra, việc các nhà mạng tự đầu tư xây trạm sẽ không hiệu quả bằng việc thuê các TowerCo như Viettel Construction. Tỷ lệ dùng chung của Viettel Construction hiện đạt 1.03 và sẽ đạt mức 1.04-1.05 vào cuối năm 2023.
Dự kiến khi công nghệ 5G bùng nổ thì Viettel Construction sẽ có thêm cơ hội đầu tư các trạm mới, mặt khác 5G đòi hỏi tốc độ cao, do vậy khoảng cách xây dựng ngắn lại, yêu cầu số vị trí trạm 5G sẽ nhiều hơn. Khi Việt Nam tiến đến mở rộng 5G và IOT phát triển thì yếu tố smooth (mượt) là yếu tố rất quan trọng, liên quan mật thiết đến mật độ các trạm.
Trung bình một trạm BTS tiêu chuẩn hiện nay Viettel Construction đầu tư vào khoảng 300 – 500 triệu/trạm, đối với các trạm small cell thì chi phí chỉ khoảng 100 triệu.
Khấu hao tài sản các trạm theo quy định pháp luật ở khoảng 7-10 năm, những năm đầu chi phí khấu hao sẽ tăng lên làm cho biên lợi nhuận thấp, nhưng khi Viettel Construction tối ưu chi phí về mua sắm, triển khai và vận hành thì thời gian hoàn vốn rơi vào tầm 7 năm, khi đó biên lợi nhuận tăng lên rất nhiều. Trung bình các dự án đầu tư của Viettel Construction làm tốt hơn so với lập dự toán khoảng 25%.
Ngoài ra, với thời gian càng dài thì số nhà mạng dùng chung càng tăng lên, biên lợi nhuận càng cao khi hết khấu hao. Hiện nay, biên lợi nhuận mảng TowerCo của Viettel Construction tối thiểu ở mức 20%.
Về lĩnh vực vận hành khai thác (VHKT), trung bình mỗi năm, doanh thu VHKT của Viettel Construction tăng trưởng 5%, kế hoạch ngắn hạn Tổng Công ty sẽ mở rộng vận hành khai thác cho CMC, MobiFone và Gtel khi làm 5G.
Doanh thu lĩnh vực VHKT năm 2023 sẽ đạt khoảng 5.000 – 6.000 tỷ, trong đó VHKT trong nước 4.200 – 4.300 tỷ, VHKT nước ngoài đạt 1.100 tỷ.
Tại thị trường Myanmar có rất nhiều TowerCo đã thuê Viettel Construction VHKT như: NTD, MNTI, TIM, HYE. Đối với thị trường Cambodia, Viettel Construction đang là đơn vị vận hành toàn trình cho MetFone. Viettel Construction cũng có kế hoạch mở rộng mô hình kinh doanh tại Cambodia và Myanmar giống như trong nước đối với mảng xây dựng dân dụng và giải pháp tích hợp.
Đối với lĩnh vực Xây lắp, biên lợi nhuận xây lắp viễn thông hiện nay cao trên 10%, xây dựng dân dụng ở mức trên 5% (có những dự án không đạt 5% do Viettel Construction chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn để phủ các xã chưa có công trình xây dựng với mục tiêu quảng bá).
Kế hoạch đến năm 2025, Tập đoàn Viettel chủ trương dùng nguồn vốn xã hội hóa, năm 2023 xây dựng 2.500 trạm và 4.000 trạm trong giai đoạn 2024-2025. Các trạm này đều là trạm macro, sau khi có tần số 5G thì Tập đoàn sẽ xây nhiều trạm small cell hơn, dự kiến đến năm 2030 xây thêm mới khoảng 50.000 trạm small cell. Dự kiến doanh thu năm 2023 của mảng xây lắp viễn thông ở khoảng 400 – 500 tỷ đồng.
Với mảng xây dựng dân dụng (XDDD), Viettel Construction hiện xây dựng đa dạng phân khúc từ B2C, SME và B2B. Đáp ứng tất cả nhu cầu người dân và các hộ kinh doanh, nhà xưởng, Chủ đầu tư tại 63 Tỉnh/TP.
Đối với các dự án XDDD B2B, Viettel Construction đã ký kết và xây dựng với các dự án nổi bật như Louis City – Hà Nội (1000 tỷ đồng), Aqua City – Đồng Nai (700 tỷ đồng), Đất Xanh (300 tỷ),… Dự kiến năm 2023, doanh thu XDDD B2B đạt từ 1.500 – 1.800 tỷ đồng. Các dự án Viettel Construction ký kết đều yêu cầu Chủ đầu tư tạm ứng và thanh toán khối lượng theo các giai đoạn. Một số dự án khác Tổng Công ty đòi hỏi dự án có sự bảo trợ từ các ngân hàng để giảm thiểu rủi ro.
Đối với mảng XDDD B2C, Viettel Construction hiện nay là đơn vị số 1 Việt Nam về năng lực thi công và số công trình phủ cả nước. Tính đến hết tháng 7/2023, các công trình của Tổng Công ty phủ 653/701 số huyện cả nước (tương đương 93%), 2.271/10.609 số xã cả nước (tương đương 21,4%).
Dự kiến năm 2023, Tổng Công ty sẽ xây dựng 2.000 – 3.000 ngôi nhà với các giá trị từ 700 triệu đồng trở lên, doanh thu dự kiến đạt từ 1.200 – 1.500 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ chọn lọc nhận các công trình có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.
Lợi thế cạnh tranh lĩnh vực XDDD của Viettel Construction đến từ giải pháp trọn gói từ: tư vấn, thiết kế, xây dựng, cung cấp giải pháp smarthome, nội thất, vận hành,… Ngoài ra, còn hỗ trợ các gia đình trong việc xin cấp phép xây dựng, làm việc với ngân hàng hưởng ưu đãi vay khi xây nhà. Do đó, giúp khách hàng tin tưởng lựa chọn, ký kết hợp đồng với Tổng Công ty.
Bản chất lợi nhuận và lợi thế lĩnh vực XDDD của Viettel Construction cao hơn so với thị trường bởi sử dụng chung bộ máy quản lý tại các tỉnh, Tổng Công ty chỉ tuyển thêm kỹ sư để triển khai tại các dự án. Kết hợp bộ tiêu chuẩn mà Viettel Construction đang áp dụng toàn Tổng Công ty theo: Con người – Quy trình – Công nghệ – Quản trị.
Về lĩnh vực Giải pháp tích hợp (GPTH), Viettel Construction là đơn vị thuộc Top 5 các nhà thầu cơ điện tại Việt Nam. Doanh thu mảng cơ điện dự kiến năm 2023 đạt từ 500 – 1.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận trên 10%.
Hiện nay Chính phủ đã ban hành Quy hoạch điện VIII, khi có hướng dẫn chi tiết từ Bộ Công thương thì nhu cầu đầu tư tăng lên, dự kiến nguồn việc mảng này đạt 500 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, Viettel Construction thi công lắp đặt khoảng 3MWp, giá trị khoảng 50 tỷ đồng.
Lĩnh vực Dịch vụ Kỹ thuật của Viettel Construction định kỳ bảo trì bảo dưỡng hơn 50.000 trạm, 300.000 km cáp quang của Tập đoàn Viettel. Ngoài ra, các công trình nhà ở do Tổng Công ty xây dựng trong 3 năm vừa qua tin tưởng lựa chọn Viettel Construction vệ sinh điều hòa, máy giặt, hệ thống pin năng lượng mặt trời,…
Tại buổi làm việc, ông Bùi Duy Bảo, Kế toán trưởng Viettel Construction cho biết, hoạt động tài chính của Viettel Construction hiện nay là tối ưu dòng tiền, chúng tôi thường xuyên tận dụng dòng tiền nhàn rỗi để đem đi gửi tiết kiệm có kỳ hạn dài và lãi suất cao, dòng vốn lưu động thiếu hụt ngắn hạn sẽ đi vay ngân hàng để bù đắp.
Hoạt động tối ưu này có thể mang lại lợi nhuận từ 1-2%. Đến 30/6, Viettel Construction có khoản vay và tiền gửi tương đương nhau khoảng 1.200 tỷ. Đối với các dự án đầu tư dài hạn, hiện nay Viettel Construction sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng, không dùng vốn ngắn hạn để tài trợ dài hạn.