|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2022: Viettel dẫn đầu 7 năm liên tiếp, Bách Hóa Xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất

15:00 | 22/09/2022
Chia sẻ
Theo bảng xếp hạng của Brand Finance, thương hiệu Viettel đạt giá trị lên tới 8,8 tỷ USD trong năm 2022, gấp hơn 3 lần thương hiệu xếp thứ hai là VNPT.

Mới đây, công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance đã công bố bảng xếp hạng những công ty được định giá cao nhất Việt Nam năm 2022.

Theo đó, trong bảng xếp hạng năm nay, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục nắm giữ vị trí số một với mức định giá 8,8 tỷ USD, tăng thêm gần 3 tỷ USD với năm 2021.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp Viettel nắm giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng của Brand Finance. Lần gần nhất một doanh nghiệp không phải Viettel nắm giữ vị trí số một là Vinamilk vào năm 2015.

Cũng theo bảng xếp hạng của Brand Finance, thương hiệu của Viettel có giá trị nhiều gấp hơn 3 lần đơn vị xếp thứ hai là VNPT (2,9 tỷ USD). Đồng thời, bảng xếp hạng của Brand Finance chỉ ra giá trị thương hiệu của Viettel chiếm khoảng 36% tổng giá trị của 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2021.

Đáng chú ý, đầu năm nay, trong bảng xếp hạng 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2022 của Brand Finance, Viettel đã lọt vào top 300 khi xếp ở vị trí thứ 227, đồng thời tiếp tục là thương hiệu viễn thông duy nhất của khu vực Đông Nam Á lọt vào bảng xếp hạng này. Trước đó, năm 2021, vị trí của Viettel trên bảng xếp hạng là 326.

Ngoài Viettel và VNPT, những thương hiệu được Brand Finance định giá cao nhất Việt Nam năm 2022 còn có Vinamilk (2,8 tỷ USD), Vinhomes (2,4 tỷ USD), Sabeco (1,5 tỷ USD), Agribank (1,4 tỷ USD), Vietcombank (1,3 tỷ USD), Petrovietnam (1,3 tỷ USD), VietinBank (1,1 tỷ USD) và Techcombank (0,9 tỷ USD).

Top 10 thương hiệu được định giá cao nhất Việt Nam năm nay. (Nguồn: Brand Finance).

Đa số các thương hiệu trong top 10 đều giữ nguyên hạng hoặc tăng lên so với năm 2021, chỉ có duy nhất Agribank và Vietcombank chứng kiến sự tụt hạng so với bảng xếp hạng được Brand Finance công bố năm ngoái.

Theo Brand Finance, top 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đã chứng kiến mức định giá thương hiệu tăng khoảng 36% so với năm 2021. Bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, các thương hiệu lớn nhất Việt Nam vẫn có thể mang lại kết quả đáng khen ngợi và tăng trưởng giá trị thương hiệu. Do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của các thương hiệu trong nước.

Ngoài những cái tên trong top 10 kể trên, bảng xếp hạng 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2022 còn có sự xuất hiện của 4 thương hiệu mới, bao gồm Nam Long (164 triệu USD), Vinacomin (83 triệu USD), Chin-Su (68 triệu USD) và Masan Consumer (66 triệu USD).

Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận xét: “Bất chấp đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế và đang phát triển nhanh chóng với sự trợ giúp của công nghệ. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển về giá trị thương hiệu và giúp đất nước chuyển từ định hướng sản phẩm sang tiếp thị và định hướng thương hiệu, các thương hiệu Việt Nam cần cởi mở để thay đổi, phản ứng nhanh, đa dạng hóa. Bằng cách này, họ sẽ được định vị tốt hơn đối với tất cả các bên liên quan”.

Trong khi đó, ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance Việt Nam cho biết: “Đại dịch mang tới nhiều thách thức cho các thương hiệu Việt Nam, nhưng đồng thời cũng mang lại cơ hội và ý thức đổi mới về mục đích thương hiệu. Chúng tôi đã quan sát hành động của nhiều thương hiệu trong nước khi họ tăng cường hỗ trợ Chính phủ trong thời điểm khủng hoảng này”.

MBBank là thương hiệu mạnh nhất, Bách Hóa Xanh tăng trưởng nhanh nhất năm 2022

Hàng năm, đơn vị tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance sẽ công bố báo cáo thường niên về những thương hiệu có giá trị nhất ở từng quốc gia. Bên cạnh đó, Brand Finance cũng công bố thêm danh sách về các thương hiệu mạnh nhất ở từng thị trường.

Ngoài việc tính toán giá trị thương hiệu, Brand Finance cũng xác định sức mạnh tương đối của thương hiệu thông qua thẻ điểm cân bằng các chỉ số đánh giá đầu tư tiếp thị, vốn chủ sở hữu của các bên liên quan và hiệu quả kinh doanh. Tuân theo ISO 20671, đánh giá của Brand Finance về vốn chủ sở hữu của các bên liên quan kết hợp dữ liệu nghiên cứu thị trường gốc từ hơn 100.000 người trả lời ở hơn 35 quốc gia và trên gần 30 lĩnh vực.

 Top 10 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam năm 2022. (Nguồn: Brand Finance).

Dựa trên những tiêu chí này, MBBank (có giá trị thương hiệu tăng hơn gấp đôi sau một năm lên mức 642 triệu USD) là thương hiệu mạnh nhất Việt Nam trong năm 2022 với chỉ số Sức mạnh Thương hiệu (BSI) đạt 87,1/100, tương đương mức xếp hạng AAA.

Đứng sau MBBank trong top 10 thương hiệu mạnh nhanh nhất năm 2022 lần lượt là Vinamilk (86,9/100, AAA), Vietcombank (86,2/100, AAA), Viettel (85,9/100, AAA), VietinBank (83,7/100, AAA-), Bảo Việt (83,1/100, AAA-), Hòa Phát (82,3/100, AAA-), Sabeco (81/100, AAA-), Bách Hóa Xanh (78,9/100, AA+) và Techcombank (78,5/100, AA+).

Top 10 thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022. (Nguồn: Brand Finance).

Cuối cùng, với mức tăng trưởng 177%, Bách Hóa Xanh chính là thương hiệu được Brand Finance đánh giá có mức tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022. Đứng sau Bách Hóa Xanh lần lượt là Novaland (132%), Kokomi (121%), Bảo Việt (116%), MBBank (113%), Omachi (109%), Vinhomes (99%), Chin-Su (97%), Vinacomin (97%) và Masan Consumer (84%).

Doanh Chính

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.