ĐHĐCĐ PV Oil: Sản lượng tháng 4 giảm khủng khiếp, hai quí cuối năm vẫn là dấu hỏi
Sáng ngày 8/6, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil, Mã: OIL) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 52.200 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 376 tỉ đồng.
Kế hoạch này giảm 35% về doanh thu nhưng vẫn tăng 8% về lợi nhuận so với kết quả đạt được ở năm 2019.
Bán công nghiệp bù đắp bán buôn, sản lượng quí I giảm 4%
Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương cho biết, trong quí I/2020, sản lượng của công ty giảm 4% so với cùng kì và giảm 10% so với kế hoạch đặt ra ban đầu.
Theo đánh giá của lãnh đạo PV Oil, nhìn chung sản lượng quí I/2019 giảm mạnh hơn so với mức bình thường dù giá dầu thế giới tăng rất mạnh.
Nguyên nhân được đưa ra do quí I rơi vào dịp Tết Nguyên Đán, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã can thiệp và điều hành để giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng tăng nhưng không tăng quá nhanh.
Theo đó, "chiết khấu thị trường rất thấp do sử dụng quĩ rất lớn, dẫn đến sản lượng tiêu thụ giảm, ngay cả các chủ cây xăng cũng không mặn mà trong việc bán", Tổng Giám đốc PV Oil cho hay.
Còn sang quí I/2020, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến nền kinh tế rất lớn, trong đó có thị trường xăng dầu, đặc biệt từ nửa cuối tháng 2.
"Trong tháng 3, đường phố rất vắng, không có các phương tiện cá nhân hoạt động. Thậm chí, các phương tiện vận tải cũng giảm năng suất rất nhiều nên sản lượng chung giảm. Kế hoạch đặt ra chưa tính đến COVID-19 nên sản lượng thực tế của PV Oil giảm 4% so với quí I/2019.
Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác, mức giảm 4% của PV Oil khá thấp bởi lẽ hệ thống 600 cây xăng của PV Oil chủ yếu nằm ở các tỉnh.
Khi dịch bệnh xảy ra, sinh viên, học sinh, người lao động nghỉ, sản lượng ở cây xăng có giảm nhưng không đến nổi.
Còn những cây xăng ở thành phố giảm 40-50% sản lượng, cá biệt có những cây xăng giảm đến 60%.
Thêm vào đó, công việc bán hàng, nhà máy điện của công ty rất tốt nên sản lượng bán công nghiệp tăng gấp rưỡi so với cùng kì, bù đắp lại sự giảm sút ở kênh bán buôn", Tổng Giám đốc thông tin chi tiết đến cổ đông.
Tình hình kinh doanh hai quí cuối năm vẫn là dấu hỏi
Khi được hỏi về triển vọng kinh doanh ở hai quí cuối năm, ông Dương ước tính sản lượng tháng 4 giảm khủng khiếp với mức giảm 12% do bước vào giai đoạn cách li xã hội, các phương tiện giao thông công cộng dừng hoạt động 100%.
Ông Dương ví dụ, nếu bình thường Vietnam Airlines có 450 chuyến bay mỗi ngày (nội địa và quốc tế) thì trong tháng 4 chỉ còn 8 chuyến mỗi ngày. Điều này cho thấy nhu cầu xăng dầu trong tháng 4 giảm mạnh.
Còn sang tháng 5, nhờ tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt nên công ty ghi nhận tín hiệu tăng trưởng tích cực về sản lượng.
"Tuy nhiên, vẫn chưa lấy lại phong độ như vốn có. Sản lượng trong tháng 5 vẫn giảm 7% so với kế hoạch đặt ra. Tổng lại, dự kiến sản lượng quí II giảm khoảng 12%", ông Dương cho biết.
Nhìn về hai quí cuối năm, Tổng Giám đốc PV Oil nhận định: "Thật sự vẫn là dấu hỏi. Trong khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt thì tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Hàng ngày, chúng ta vẫn nghe số lượng ca nhiễm trên thế giới tăng. Tất nhiên, tốc độ tăng có giảm.
Các chuyên gia vẫn đang đặt ra vấn đề khả năng bùng phát lần hai. Kể cả khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt nhưng nếu ở nước ngoài bùng phát đợt dịch thứ hai thì chắc chắn biên giới vẫn đóng cửa. Như thế, thật sự rất khó để biết trước được điều gì".
Trong bể khó này, PV Oil sẽ triển hai kịch bản kinh doanh. Ở kịch bản đầu tiên, nếu tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới diễn biến tích cực, dần dần PV Oil sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng và giá trị xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, khả năng sản lượng chung cả năm giảm khoảng 10%.
Còn ở kịch bản thứ hai, nếu xảy ra dịch bệnh lần thứ hai (có thể xảy ra ở nước ngoài), điều mà không ai mong muốn, PV Oil cho rằng sản lượng giảm khoảng 18%. Và theo đánh giá của lãnh đạo công ty "đây là con số rất khủng khiếp".
Liên quan đến sản lượng chung của ngành, nếu không có dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng được dự báo ở mức 4-5%.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ cá nhân của ông Dương, "sau những gì đã diễn ra vừa rồi, kể cả trong điều kiện tốt, sản lượng đến cuối năm vẫn không thể đạt được tăng trưởng như bình thường. Sản lượng chung của ngành xăng dầu sẽ giảm khoảng 5-7%".
PV GAS muốn mua cổ phần của PV Oil tại PETEC
Bên cạnh nhưng thông tin về tình hình kinh doanh, ban lãnh đạo PV Oil cho biết thêm về kế hoạch thoái vốn tại Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC, Mã: PEG), đơn vị thành viên do PV Oil sở hữu 90% vốn.
Theo kế hoạch tái cấu trúc đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt, PETEC cũng nằm trong kế hoạch thoái vốn.
Trước đây, PETEC chủ yếu hoạt động bán buôn xăng dầu với tỉ trọng doanh thu đến 90%, còn tỉ trọng doanh thu bán lẻ chỉ 10%.
Ông Cao Hoài Dương cho biết, "số lượng cây xăng của PETEC không nhiều, chỉ khoảng 25-26 cây nhưng số lượng kho, cơ sở vật chất kho cảng của đơn vị này khá phong phú. Đặc biệt, PETEC có một cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa -Vũng Tàu).
Chính vì vậy, khi có thông tin thoái vốn tại PETEC, chúng tôi nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả PV GAS muốn mua lại cổ phần của PV Oil tại PETEC.
Ở góc độ của PV Oil, chúng tôi cho rằng đây là điều rất tốt cho cả hai bên. Trong khi PV Oil khai thác tài sản của PETEC chưa hiệu quả (xét về góc độ kinh doanh xăng dầu), nếu chuyển nhượng lại đối tác mà người ta có thể phát triển thì rất tốt".
Thông tin từ lãnh đạo PV Oil, hai bên đang ở bước đang trao đổi, chưa đi đến kết luận cuối cùng.
Việc thoái vốn tại PETEC sẽ được thực hiện nghiêm ngặt theo qui định. Chắc chắn có hình thức đấu giá. Và nếu PV GAS trả giá cao nhất thì PV Oil sẽ chuyển nhượng. Theo kì vọng của PV Oil, giao dịch này sẽ mang lại khoản thu lớn cho công ty và cổ đông.
"Về tiến độ, mặc dù hai bên đang tích cực triển khai để hoàn tất thương vụ nhưng vì đây là tài sản rất lớn nên cố gắng sớm lắm kết thúc vào cuối năm nay", ông Dương kết luận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/