|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Gemadept: Cảng nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải sẽ hoạt động hết công suất từ quý III, nhiều hãng tàu muốn đầu tư vào Gemalink

07:16 | 01/07/2021
Chia sẻ
Cảng Gemalink hiện đã hoạt động 90% công suất và sẽ bắt đầu hoạt động tối đa công suất vào quý III/2021. Dự kiến năm nay, Gemalink sẽ có doanh thu 40 triệu USD và lợi nhuận 1,7 triệu - 1,8 triệu USD, tương ứng sản lượng 950.000 - 1.100.000 TEUS.

Sáng 30/6, CTCP Gemadept (Mã: GMD) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 trực tiếp tại quận 1, TP HCM với 53 cổ đông tham dự, đại diện 211,7 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 70,27% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua tất cả tờ trình.

Năm 2021, Gemadept đưa ra hai kịch bản và cả hai đều dự kiến tăng trưởng so với kết quả năm 2020.

Trường hợp lạc quan, doanh thu hợp nhất mục tiêu đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 700 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm 2020.

Với kịch bản trung bình, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 2.700 tỷ đồng và 630 tỷ đồng, tăng 23%.

ĐHĐCĐ Gemadept:  - Ảnh 1.

Nguồn: MH tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất năm của Gemadept.

Cho năm 2020, Gemadept dự kiến chia cổ tức với 1.200 đồng/cp. Ước tính công ty sẽ chi gần 362 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Phướng án cổ tức năm 2021 chưa được công ty đề cập tới.

Bên cạnh đó, đại hội đã trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động theo chương trình ESOP (là chương trình trả lương bằng cổ phiếu cho người lao động) giai đoạn 2021 - 2025 với mức giá phát hành dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Chốt phiên 30/6, Gemadept tạm dừng ở 43.100 đồng/cp.

Theo công ty, số lượng cổ phiếu phát hành trong 5 năm cho giai đoạn 2021 – 2025 tối đa 7,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

ĐHĐCĐ Gemadept:  - Ảnh 2.

Điều kiện phát hành cổ phần là công ty phải hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đã được đại hội giao. (Nguồn: Gemadept).

Ngoài ra, tại đại hội, cổ đông đã tiến hành miễn nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Đỗ Văn Minh. Thay vào đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc công ty đã trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023.

*Thảo luận:

Cổ đông hỏi: Gemadept làm gì để giảm thiểu rủi ro khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành?

Trả lời: Giám đốc Tài chính Gemadept cho biết, dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến các công ty thuộc mảng logistics, vận tải biển. Do đó từ đầu năm, Gemadept xác định dòng tiền là máu và phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền. 

Để làm được điều đó, thời gian qua Gemadept đã làm việc với các nhà thầu, nhà cung cấp, ngân hàng,... để đàm phán lại giá cũng như kiểm soát công tác thu hồi công nợ. Cụ thể "kết quả năm 2020 vừa qua, Gemadept không để xảy ra một khoản nợ xấu nào", đại diện Gemadept thông tin.

Kế hoạch huy động vốn của Gemadept để triển khai các dự án trọng điểm? Kết quả kinh doanh sau 6 tháng của công ty ra sao?

Lãnh đạo Gemadept cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh thu của Gemadept ước đạt 1.439 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 388 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tình hình huy động vốn, dự án Gemalink với tổng đầu tư 330 triệu USD cho giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động song công ty chưa giải ngân hoàn toàn và đầu tư theo hình thức cuốn chiếu.

Với các dự án khác (Cảng Gemalink giai đoạn 2 và Cảng Nam Hải Đình Vũ giai đoạn 2), công ty sẽ tìm các đối tác chiến lược vừa gia tăng khách hàng và vừa đảm bảo chi phí sử dụng vốn của công ty. Nếu việc hợp tác không đạt điều kiện thuận lợi nhất thì công ty sẽ huy động vốn từ ngân hàng hoặc thông qua trái phiếu.

ĐHĐCĐ Gemadept: Cảng nước sâu Gemalink sẽ hoạt động hết công suất từ quý III, đem về doanh thu 40 triệu USD năm nay - Ảnh 4.

Cảng Gemalink tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. (Ảnh minh họa: Gemalink).

Tình hình hoạt động của Cảng Gemalink năm 2021? Gemalink có thể đạt hòa vốn không?

Đại diện Gemadept cho biết, trong quý I, sản lượng của Gemalink hơn 100.000 TEUS. Trong quý II, dự kiến sản lượng của Gemalink hơn 200.000 TEUS, lũy kế hai quý đầu năm ở mức 330.000 - 350.000 TEUS. Tổng sản lượng dự kiến 6 tháng cuối năm 600.000 - 650.000 TEUS.

Giải thích về kết quả này, phía công ty cho biết giai đoạn 6 tháng đầu năm các hãng tàu xảy ra nhiều sự cố (thiếu container, vụ nghẽn ở kênh đào Suez,...) nên tất cả các cảng đều bất ổn, các hãng tàu không duy trì được số lượng chuyến tàu như kế hoạch.

Hiện tại, Cảng Gemalink đã hoạt động 90% công suất và bắt đầu quý III/2021 sẽ hoạt động hết công suất. Dự kiến Gemalink sẽ có doanh thu 40 triệu USD và lợi nhuận 1,7 triệu - 1,8 triệu USD, tương ứng sản lượng 950.000 - 1.100.000 TEUS năm 2021.

Lãnh đạo của Gemadept cũng nhấn mạnh cảng Gemalink là cảng duy nhất trong khu vực đưa vào khai thác bến xà lan, nhầm giải tỏa tắc nghẽn tại khu vực Cái Mép.

Tổng sản lượng container qua cụm cảng Hải Phòng tăng trưởng bao nhiêu %?

Qua 6 tháng, sản lượng thông quan cụm cảng của Gemadept tại Hải Phòng đạt xấp xỉ 500.000 TEUS, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng sản lượng này bắt đầu từ nửa quý II trở lại đây. Trong nửa cuối năm, với các hợp đồng đã ghi nhận và đối tác hãng tàu, sản lượng dự kiến tăng mạnh.

Kế hoạch mở rộng cảng Lạch Huyện tác động gì tới Cảng Đình Vũ của Gemadept? 

Đại diện Gemadept cho biết, cảng Lạch Huyện và khu vực Cảng Đình Vũ thuộc hai phân khúc khai thác cảng khác nhau. 

Với Lạch Huyện, chiếm khoảng 5% - 10% với hai đến ba tàu đi tuyến xa (Mỹ, châu Âu). Trong khi đó, Cảng Đình Vũ chiếm hơn 75% sản lượng, phục vụ cho hàng nội Á và tàu feeder từ 1.000 - 2.000 TEUS.

Với các size tàu phổ biến trên thì khu vực Đình Vũ vẫn là lựa chọn tốt nhất cho các hãng tàu. Nguyên nhân thứ hai, cảng Đình Vũ nằm sâu bên trong và các khu công nghiệp cũng nằm gần khu vực Đình Vũ nên các phí dịch vụ liên quan đến cảng biển tiết kiệm hơn 30% so với khu vực Lạch Huyện. Và điểm thứ ba, độ sâu của Lạch Huyện đã giảm 40%, tương đương giảm 3 - 4 mét khiến tàu mẹ vào khu vực này sẽ khó khăn hơn.

Với những hạn chế của Lạch Huyện trước mắt, lãnh đạo cho rằng việc triển khai giai đoạn 2 của cảng Đình Vũ sẽ rất khả thi và dự kiến trở thành doanh nghiệp top đầu khai thác cảng trong 2 - 3 năm tới.

Phía Gemadept cho biết việc khai thác Nam Đình Vũ sẽ khai thác tối đa vào quý III, quý IV. Do đó để nắm bắt phát triển của khu vực Hải Phòng, việc phát triển Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và 3 là cũng là điều cấp bách.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc nhận định các cảng khu vực Hải Phòng khá manh mún và phân mảnh, theo đó các cảng khu vực hạ lưu, càng gần cửa sông chiếm tỷ trọng hàng hoá nhiều hơn trong khi các cảng khu vực thượng lưu đang dần chuyển đổi công năng, không còn phù hợp với hàng container. 

Dự kiến cảng Nam Đình Vũ sẽ có cầu tàu dài nhất khu vực nếu xây dựng xong, từ đó có cơ sở đón được nhiều hãng tàu có trọng tải lớn hơn.

Tiến trình giảm tỷ lệ sở hữu của Gemadept tại Gemalink từ 65% xuống 51%?

Hiện tại, Gemadept đang sở hữu 75% tại Gemalink (ban đầu là 50%). Hiện giá trị của Gemalink đã thay đổi rất nhiều so với cách đây 10 năm. Rất nhiều hãng tàu muốn hợp tác với Gemalink để sở hữu một cảng homeport. Nếu việc hợp tác được thuận lợi, công ty sẽ công bố thông tin. 

Đại diện Gemadept khẳng định với vị trí đắc địa và tiềm năng thì Gemalink sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho các cổ đông.

Kế hoạch của công ty với các dự án cao su ra sao?

Đại diện Gemadept khẳng định công ty vẫn sẽ tập trung chính vào hoạt động cảng, logistisc. Về dự án cao su, dự án này vẫn đang duy trì chế độ chăm sóc tối thiểu để đảm bảo chất lượng vườn cây và sản lượng mủ tốt nhất. Trong tương lai, Gemadept sẽ tìm kiếm các đối tác để thoái vốn, chuyển nhượng,...

Minh Hằng