|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thiếu lao động, áp lực lạm phát tăng cao, doanh nghiệp dệt may khó tứ bề

15:57 | 27/06/2022
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực vượt khó sau đại dịch, ổn định sản xuất nhưng lại gặp trở ngại lớn vì thiếu lao động cùng với việc giá cả hàng hóa và lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành dệt may.

Doanh nghiệp tìm đủ mọi cách hút lao động vẫn không đủ

Từ đầu năm, ngành dệt may được dự báo sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các yếu tố phục hồi từ các thị trường xuất khẩu. Điều này phần nào được chứng minh ở con số tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái khi ngành hàng mang về khoảng 22 tỷ USD trị giá xuất khẩu trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn không mang lại nhiều tín hiệu lạc quan cho các tháng tiếp theo bởi doanh nghiệp dệt may đang lo ngại diễn biến thị trường khó lường và những thách thức hậu COVID-19 vẫn còn đó, đặc biệt là về nguồn lao động.

Chia sẻ với người viết, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cho biết: "Số lượng lao động tại nhà máy Vĩnh Long đang biến động nhiều, trong khoảng 2.000 lao động vốn có thì hiện có khoảng 20% trong số đó dịch chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác".

Đánh giá về nguyên nhân của sự dịch chuyển, theo ông Tùng, sau thời gian dịch COVID-19 hoành hành, người lao động có tâm lý định hình lại cuộc sống và muốn tìm một môi trường làm việc thoải mái, ít tăng ca và lương cao hơn so với ngành dệt may, suy nghĩ này khiến người lao động không còn mặn mà với công việc trước đây dù rằng các doanh nghiệp dùng nhiều chính sách giữ chân người lao động.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cũng cho biết lượng lao động tại nhà máy Bình Dương và Tây Ninh cũng biến động khoảng 15-20%, trong tổng số khoảng 2.500 lao động của công ty.

Đây là thực tế khó khăn của của nhiều nghiệp trong ngành dệt may khiến các đơn vị liên tục đăng tin tuyển dụng lao động với lương và phụ cấp cao cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác nhằm thu hút công nhân về làm việc. 

Có thể kể đến như Công ty Cổ phần dệt may Gia Định đang tuyển dụng 300 lao động phổ thông, thợ may với mức lương 5,5 - 15 triệu đồng/tháng.

Ngoài lương, doanh nghiệp còn hỗ trợ các khoản phúc lợi khác như tiền xăng xe, thưởng chuyên cần, thuê phòng trọ, tiền gửi trẻ. Mức hỗ trợ tăng gần 200.000 đồng/tháng so với những lần thông báo tuyển dụng trước dịch.

Công ty Cổ phần dệt may Gia Định luôn đặt thông tin tuyển dụng trong trạng thái thường xuyên. (Ảnh chụp màn hình)

Cùng trong tình cảnh thiếu thốn nhân lực, để tuyển dụng đủ 2.000 công nhân may lấp đầy các chuyền sản xuất, Công ty TNHH Elite Long Thành (Đồng Nai) cũng đưa ra mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng, tăng gần 2 triệu đồng so với lần tuyển dụng trước cùng các khoản phụ cấp chuyên cần, hỗ trợ tiền thuê trọ, đưa đón từ tỉnh lên, hỗ trợ tìm phòng trọ…nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu.

 Thông tin tuyển dụng lao động cập nhật trong tháng 10 năm ngoái của  Công ty TNHH Elite Long Thành. (Ảnh chụp màn hình)

Đại diện Công đoàn công ty cho hay, sau giai đoạn dịch bệnh, hầu như doanh nghiệp có chung tình trạng thiếu lao động phổ thông. Ngoài ra, tỷ lệ lao động nghỉ việc tại doanh nghiệp nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu qua các nước châu Âu. 

"Công ty phải tổ chức đoàn đến các tỉnh Gia Lai, Đồng Tháp để tuyển lao động. Từ sau Tết đến nay, công ty đã tuyển dụng được khoảng 600 lao động nhưng vẫn thiếu công nhân may mặc để lấp đầy các chuyền sản xuất", đại diện Công ty TNHH Elite Long Thành chia sẻ với báo Đồng Nai.

Lạm phát tăng cao khiến nhu cầu thị trường kém sắc

Với tình hình xuất khẩu khởi sắc trong những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng sản xuất đến hết năm nay, song áp lực lạm phát lại đang trở thành lực cản cho nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tại các nước.

Chia sẻ với người viết, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay các đơn hàng của doanh nghiệp đã kín đến hết quý III, thậm chí phủ đến quý IV và quý I năm sau đối với sản phẩm veston.

Tuy nhiên, ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng khiến chi phí logistics vẫn ở mức cao, tắc nghẽn và thiếu hụt container vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt cuộc xung đột Nga - Ukraine đang đẩy giá cả năng lượng, lương thực và chi phí khác giá tăng, dẫn đến lạm phát tại nhiều nước tăng cao.

Ông dẫn chứng ở Mỹ lạm phát tăng cao nhất 40 năm qua, ở Pháp liên tục tăng lãi suất, ở châu Âu cũng đang đối mặt tình hình lạm phát tăng cao. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu của Tổng công ty May 10 là ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản nên khi lạm phát tăng, giá cả hàng hóa tăng cao, khiến người tiêu dùng chỉ tập trung vào mặt hàng thiết yếu, còn các mặt hàng khác như thời trang đều bị hạn chế hầu bao mua sắm.

Tình trạng này có thể kéo dài trong vài quý tới khiến lượng tiêu thụ sẽ giảm, tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên và họ có thể điều chỉnh giảm hoặc huỷ đơn đột ngột.

"Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như xăng dầu, nhiên liệu tăng cao và chưa có dấu hiệu bình ổn, điều này khiến giá thành sản xuất và biên lợi nhuận công ty có thể bị thu hẹp", ông Việt cho hay.

Đây cũng là lo ngại của dệt may Thành Công khi cho rằng nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may trong quý IV có thể chậm lại do Mỹ bắt đầu áp dụng Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ (UFLPA) từ ngày 21/6, khiến các nhãn hàng chững lại trong việc đặt hàng.

"Họ không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nên tình hình đơn đặt hàng cũng bị giảm lại. Ví dụ trước kia họ có thể đặt 100.000 sản phẩm thì bây giờ chỉ đặt khoảng 70.000 sản phẩm vì sợ không bán được", ông Trần Như Tùng cho hay.

  Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

Điều này cũng vừa được Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) xác nhận, các nhãn hàng sẽ phải dừng các đơn hàng có nguồn gốc vải từ bông Tân Cương (Trung Quốc) vì các dòng vải, sợi có xuất xứ từ nơi đây sẽ không thể được mua bán vào thị trường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Và hiện tại đã có một số doanh nghiệp Việt Nam bị dừng đơn hàng.

Vì vậy, những ảnh hưởng của Đạo luật UFLPA có thể sẽ là một thách thức mới của các doanh nghiệp khẩu dệt may trong những tháng cuối năm. 

Chuyên gia CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá trong bối cảnh hiện nay ngành dệt may vẫn có sự tăng trưởng tuy nhiên, nguồn nguyên liệu dệt may vẫn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc nên chính sách đóng cửa của nước này sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến các doanh nghiệp dệt may, cũng như biên lợi nhuận của ngành. 

Bên cạnh đó, việc thắt chặt chi tiêu ở Mỹ và EU cũng là một mối lo lớn. Thống kê của VDSC cho thấy lạm phát cả Mỹ ở ngành may mặc tăng khoảng 5% so với cùng kỳ, tồn kho hàng hóa của các nhà bán lẻ Mỹ đang ở mức cao, dẫn đến đơn hàng mua hàng của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới.  

"Tuy nhiên, trong xu hướng chung, doanh nghiệp nào kiểm soát tốt chi phí có thể có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc", chuyên gia VDSC đánh giá.    

Và để chống chọi với những khó khăn này, các doanh nghiệp cho biết mỗi đơn vị đều đang tích cực theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp thực tế. 

Đơn cử như Tổng công ty May 10, doanh nghiệp này đang tập trung việc quản trị đơn hàng, kế hoạch sản xuất phù hợp với biến động thị trường.

"Trước kia chúng tôi thường làm theo quý, theo tháng, còn giờ phải làm theo ngày theo tuần. Đây là điều bắt buộc doanh nghiệp phải linh hoạt bởi quý IV năm ngoái chúng tôi xây dựng kế hoạch 2022 với nhiều tín hiệu tích cực nhưng không ai nghĩ tháng 2, tháng 3 năm nay cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra đã làm đảo lộn tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là giá cả hàng hóa và giá nguyên liệu đầu vào tăng", ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng phải luôn chuyển đổi, đa dạng hoá nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động. 

"Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm ra đơn hàng tại các thị trường khác để bù đắp vào khoảng trống do các nhãn hàng Mỹ để lại",  Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang khuyến nghị.

Như Huỳnh

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.