|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đến OPEC cũng nghĩ giá dầu đang quá cao

06:39 | 19/02/2022
Chia sẻ
Các quan chức thuộc liên minh dầu mỏ OPEC đã bày tỏ thái độ quan ngại về khả năng giá dầu Brent chạm mốc 100 USD/thùng trong thời gian tới. Một số nước không thuộc OPEC cũng có cùng quan điểm.

OPEC cũng sợ giá dầu đắt đỏ

Ngay phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu WTI đã lần đầu tiên chạm mức 95 USD/thùng trong nhiều năm và giá dầu Brent chuẩn quốc tế cũng giao dịch trên mức 96 USD/thùng trong nhiều giờ.

Dự đoán của giới chuyên gia về việc giá dầu Brent chạm mốc 100 USD/thùng giờ đây nghiêng về vế "khi nào" hơn là vế "nếu", chứng tỏ kịch bản này đang có xác suất xảy ra rất cao.

Ngay cả liên minh dầu mỏ OPEC cũng lo ngại về khả năng trên. Thật không may, dường như tổ chức này không có nhiều công cụ để ngăn chặn kịch bản thảm họa đó, oilprice.com nhận định.

Chia sẻ với CNBC hồi đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla cho hay: "Đối với một cá nhân làm việc trong lĩnh vực năng lượng như tôi, rõ ràng tôi nhận thấy giá dầu sắp chạm ngưỡng 100 USD nhưng tôi lại không muốn thế chút nào". Ai Cập là một trong các quan sát viên thường trực tại OPEC.

Ông El-Molla đưa ra bình luận trên tại một sự kiện công nghiệp ở Ai Cập. Tại đây, hai người đồng cấp của ông el Molla từ Cyprus và Israel cũng chia sẻ nhận định tương tự. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Cyprus thậm chí nói viễn cảnh giá dầu ở mức 100 USD/thùng "rất đáng sợ".

Đến OPEC cũng nghĩ giá dầu đang quá cao - Ảnh 1.

Đến OPEC cũng nghĩ giá dầu đang quá cao. (Ảnh minh họa: Reuters).

Tại cùng sự kiện, Tổng thư ký OPEC Mohamed Barkindo cho biết liên minh này đang dốc sức để đảm bảo nguồn cung dầu mỏ. "Chúng tôi đang cực kỳ quan tâm đến việc cung ứng đủ dầu thô cho thế giới", ông Barkindo nhấn mạnh.

Dù Tổng thư ký OPEC muốn xoa dịu các nhà đầu tư, bình luận của ông có khả năng lại khiến họ lo lắng hơn, cây bút Irina Slav của oilprice.com lưu ý.

Mặc dù động lực chính đằng sau đợt tăng đột biến gần đây của giá dầu là căng thẳng giữa Nga và Ukraine, thay vì các động lực cơ bản của thị trường. Tuy nhiên, căng thẳng sớm muộn cũng sẽ biến mất và các yếu tố cung - cầu sẽ dẫn dắt giá dầu thô.

Và nếu thông tin mới nhất từ Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol là một tín hiệu cho các nhà đầu tư, thì cung - cầu đang không thực sự ổn định như trong vài năm trước.

Lộ trình gây tranh cãi của IEA

Sau khi thúc giục các nhà sản xuất lớn ngừng khai thác thêm dầu thô trong lộ trình trung hòa carbon hồi tháng 5 năm ngoái, ông Birol đã "quay xe" và kêu gọi OPEC bơm thêm dầu.

Tháng 10 cùng năm, trong báo cáo về thị trường dầu mỏ toàn cầu, IEA cho rằng công suất dự phòng của OPEC đang thấp một cách nguy hiểm và liên minh này cần tăng cường đầu tư công suất mới.

"Khi OPEC nâng sản lượng, công suất dự phòng của họ sẽ giảm dần. So với mức 9 triệu thùng/ngày trong quý I/2021, công suất dự phòng của OPEC có thể tụt xuống dưới 4 triệu thùng/ngày vào quý II/2022", IEA cho hay.

"Công suất dự phòng toàn cầu thu hẹp chứng tỏ các nước sản xuất dầu thô cần phải tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", IEA nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, nhiều thành viên OPEC không đủ khả năng để đầu tư vào hoạt động thăm dò mới. Ngân hàng tư nhân đang rút chân khỏi lĩnh vực dầu khí, vì vậy nguồn tài chính cho ngành này sắp trở nên eo hẹp hơn. Hơn nữa, các đại gia dầu khí cũng đang cố gắng chuyển đổi xanh, dù đa phần đều đang hưởng lợi từ việc giá dầu tăng.

Dù vậy, ngay cả khi cung - cầu không bất ổn, một số thành viên OPEC, đặc biệt là các nước nghèo, có lẽ sẽ thích giá dầu Brent ở trên mức 100 USD/thùng hơn. Khi đó, nguồn thu ngân sách của các nước này sẽ tăng cao hơn và nền kinh tế có thêm bệ đỡ trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chững lại.

Khả Nhân