|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô lên 90 USD/thùng chỉ là điểm khởi đầu của kịch bản tồi tệ?

21:42 | 31/01/2022
Chia sẻ
Bước nhảy vọt của giá dầu thô hồi đầu tuần này được cho là bắt nguồn từ rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên, đó có thể còn là biểu hiện cho đợt tăng tiếp theo của dầu thô.

Đầu tuần này, giá dầu Brent đã có lúc leo lên mốc 90 USD/thùng, lần đầu tiên trong nhiều năm qua. Giới chuyên gia nhận định nguyên nhân giúp giá dầu thô nhảy vọt là nguy cơ chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, còn một số lý do chủ chốt hơn, liên quan đến các động lực cung - cầu, đã giúp cho dầu Brent đạt mức cao như thế. Hơn nữa, một số người còn nhận định, việc giá dầu leo lên 90 USD/thùng chỉ mới là khởi đầu cho một đợt tăng mới.

Công suất dự phòng của OPEC rất hạn chế

Gần đây các chuyên gia đã có rất nhiều bài viết về công suất dự phòng của liên minh dầu mỏ OPEC và triển vọng không thực sự khả quan. Công suất dự phòng của OPEC đang trên đà suy giảm vì một số nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do đầu tư trong lĩnh vực khai thác dầu khí đã đi xuống.

Hệ quả là, đầu tháng 1, JPMorgan đã cảnh báo rằng giá dầu Brent có thể tăng lên 125 USD/thùng do công suất dự phòng của OPEC giảm xuống còn khoảng 4% tổng công suất vào quý IV năm nay.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thậm chí còn bi quan hơn. IEA dự đoán công suất dự phòng của liên minh dầu mỏ có thể mất một nửa xuống chỉ còn 2,6 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022.

Theo oilprice.com, IEA nhấn mạnh: "Nếu nhu cầu tiếp tục bật tăng hoặc nguồn cung hụt hơi, lượng dự trữ dầu thô thấp và công suất dự phòng eo hẹp sẽ báo hiệu một năm biến động nữa cho thị trường năng lượng toàn cầu".

Đáng ngại hơn, không chỉ OPEC gặp vấn đề về nguồn cung. Mỹ - nhà sản xuất dầu thô lớn nhất bên ngoài liên minh OPEC, đang bơm dầu ít hơn năng lực thực tế do sức ép từ cổ đông.

Trong vài năm qua, cổ đông không ngừng gây áp lực buộc các công ty dầu mỏ đại chúng của Mỹ phải tăng cường "xanh hóa" hoạt động thay vì tìm kiếm thêm các mỏ dầu khí để khai thác. Càng ngày áp lực càng lớn hơn. Hậu quả là, Mỹ đang cung ứng ra thị trường ít dầu đá phiến hơn công suất thực sự của họ.

Giá dầu thô lên 90 USD/thùng chỉ là điểm khởi đầu của kịch bản tồi tệ? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Nhu cầu dự kiến vượt mức trước đại dịch

Ở diễn biến khác, IEA cho rằng nhu cầu dầu thô hiện giờ có thể cao hơn hơn dự đoán trước đó. Gần đây, cơ quan này đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu dầu thô năm 2022 lên 200.000 thùng/ngày.

Nhu cầu dầu thô không chỉ trở lại mức trước đại dịch mà còn vượt xa con số đó, đạt khoảng 99,7 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, IEA nhấn mạnh. Ở kịch bản đó, giá dầu chắc chắn sẽ tăng lên.

Trong một ghi chú được Wall Street Journal trích dẫn, các nhà phân tích của Morgan Stanley cũng cho hay: "Thị trường năng lượng đang cùng lúc rơi vào kịch bản tồn kho dầu thô thấp, công suất dự phòng eo hẹp và vốn đầu tư hạn chế".

Cho nên, Phố Wall dường như đồng thuận rằng giá dầu Brent sẽ đạt mức 100 USD/thùng vào mùa hè năm nay vì các lý do mà Morgan Stanley nêu ra cũng như do chi phí hòa vốn của các nhà sản xuất dầu thô tăng lên. Và trong nửa cuối năm còn lại, giá có thể còn cao hơn.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là giá dầu có thể leo lên mức nào trước khi bắt đầu hạ nhiệt? Oilprice.com cho rằng rất khó để tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Các công ty dầu mỏ đại chúng tại Mỹ vẫn phải tuân theo ý muốn của cổ đông, những người có vẻ đang tin tưởng rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ không có một tương lai tốt đẹp. Nhìn chung, các công ty này không thể làm điều mà họ muốn.

Trong khi đó, OPEC có thể sẽ bơm thêm dầu ra thị trường. Song, liên minh này cũng có thể tiếp tục kiểm soát sản lượng thay vì cho phép các nước thành tự ý bơm dầu. Nguyên nhân là chỉ một số thành viên thực sự có đủ công suất để khai thác dầu thô theo ý muốn của chính họ và Arab Saudi - một trong các thủ lĩnh của OPEC, vẫn rất thận trọng trong chính sách sản lượng.

Khả Nhân