|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đến năm 2030 Việt Nam cần 150 tỉ USD cho ngành điện

14:12 | 27/11/2018
Chia sẻ
Nếu như năm 2010 trở lại đây Việt Nam đầu tư hơn 80 tỉ USD vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến cần đến 150 tỉ USD cho ngành năng lượng này để đáp ứng nhu cầu điện của người dân. 
nam 2030 viet nam can 150 ti usd cho nganh dien 'Nóng' đầu tư vào ngành điện Đông Nam Á

Theo Báo Chính Phủ, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), cho biết nếu như năm 2010 trở lại đây Việt Nam đầu tư hơn 80 tỉ USD vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần đến 150 tỉ USD cho ngành năng lượng này để đáp ứng nhu cầu điện của người dân.

nam 2030 viet nam can 150 ti usd cho nganh dien
Đến năm 2030 Việt Nam cần 150 tỉ USD cho ngành điện

Hồi tháng 7, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết với mức tăng trưởng 11 - 12% nhu cầu điện, mỗi năm cần ít nhất 10 tỉ USD phát triển các dự án điện.

"Tuy nhiên với tỉ lệ nợ công như hiện nay, không có ngân sách nào chịu nổi thì lấy đâu cho phát triển các dự án điện?", ông Bình nêu ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, theo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2020 có xét đến 2030 thì nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 148 tỉ USD.

“Điện sản xuất tính trên đầu người năm 2018 là 2.000 kWh/người, con số này đến năm 2030 phải đạt 6.000 kWh/người, bằng với các nước phát triển hiện nay. Do đó cần thiết phải có nguồn vốn lớn cho việc phát triển dài hạn”, Thứ trưởng giải thích thêm.

Nói về giải pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, từ trước đến nay đầu tư vào ngành điện vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (EVN, TKV, PVN).

Tuy nhiên, Chính phủ ngày càng nhận thấy việc tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cho ngành điện là quan trọng. Do vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân, giảm bớt vốn đầu tư của Nhà nước vào ngành điện.

Đồng thời, Thứ trưởng cho rằng, ngoài việc “tăng cường đáp ứng cung thì cũng phải kiểm soát cầu” nên cần thiết ban hành Luật về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

“Hệ số đàn hồi trước đây của ngành điện là 1,8-2% nhưng Chính phủ kì vọng con số này sẽ giảm xuống 1% để đảm bảo tính cạnh tranh cho cả nền kinh tế. Do vậy, chúng tôi mong rằng sắp tới chính sách không chỉ dừng ở việc khuyến khích tiết kiệm nữa mà phải bắt buộc tiết kiệm điện và phải có chế tài”, Thứ trưởng nói.

Về giá điện, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Chính phủ luôn chỉ đạo thực hiện theo hướng thị trường, để ngành điện hạch toán đúng và đủ, đảm bảo có lợi nhuận tái đầu tư phát triển nhưng cũng phải đảm bảo kiểm soát chi phí với mức độ tối ưu.

Về phía World Bank, ông Ousmane Dione cũng đưa ra ba giải pháp cho Việt Nam để có thể thu hút được 150 tỉ USD đầu tư cho ngành điện vào năm 2030.

Một là, Việt Nam cần minh bạch trong việc đấu thầu các công nghệ mới và có khung pháp lý mạnh mẽ, tạo niềm tin để thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Hai là, cần đảm bảo các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng khi có thể tiếp cận vốn.

“Chúng tôi đã hỗ trợ EVN để được đánh giá tín dụng và kết quả của EVN ở mức B+ là rất cao. Với mức đánh giá tín dụng này, EVN có thể ra thị trường nước ngoài để phát hành trái phiếu quốc tế”, ông Ousmane Dione thông tin.

Ba là, giải quyết vấn đề về việc mua bán điện và giá điện.

“World Bank đang hợp tác với Bộ Công Thương về cơ chế đấu thầu điện mặt trời. Chúng tôi đã thảo luận nhiều về cơ chế mua điện và làm thế nào để thu hút đầu tư tư nhân. Nếu cơ chế đấu thầu thành công thì vấn đề mua bán điện và giá điện sẽ được giải quyết”, đại diện World Bank cho hay.

Xem thêm

H. Mĩ