|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngành điện niêm yết, chờ 'gió đủ mạnh để ra khơi'?

07:30 | 04/08/2018
Chia sẻ
Các doanh nghiệp điện gồm cả thủy điện, nhiệt điện đều báo kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm nay nhờ vào giá điện tăng. Nhu cầu điện ngày một tăng trong khi quy hoạch điện VII đang có nguy cơ chậm nhịp, các doanh nghiệp phát điện đang chờ cơn gió thúc đẩy cạnh tranh thị trường để có thể ra khơi...

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất cả nước đạt 99.684 triệu kWh, điện thương phẩm đạt 91.487 triệu kWh, đều tăng 10,3% so với cùng kỳ. Các nhà máy thủy điện vượt kế hoạch nhờ thủy văn thuận lợi, nhà máy nhiệt điện than và tua bin khí huy động cao để giữ mực nước các hồ thuỷ điện, đồng thời đảm bảo vận hành xả nước tại các đập để phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân.

Theo kế hoạch, điện EVN sản xuất và mua năm 2018 ước đạt 211,16 kWh, tăng 9,46% so với 2017 (lớn hơn dự kiến ban đầu 9,1%); điện thương phẩm 2018 ước 191,21 triệu kWh, tăng 9,48%.

nganh dien niem yet cho gio du manh de ra khoi
Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 2 về đêm

Doanh nghiệp niêm yết ngành điện "rủng rỉnh" 6 tháng đầu năm

Sau nhiều năm tự do hóa ngành điện, đa số doanh nghiệp điện niêm yết thuộc nhóm phát điện gồm thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí.

Trong đó, PV Power là doanh nghiệp phát điện lớn nhất đang niêm yết với vốn hóa gần 30.000 tỷ đồng, chiếm 10% công suất phát điện Việt Nam với 8 nhà máy điện. Tiếp theo là Genco3 (PGV) công suất chiếm 15%. Tổng công ty Phát điện Genco 1 và 2 dự kiến cổ phần hóa trong năm 2019. Nhóm còn lại là các công ty sở hữu từ 1 đến 3 nhà máy điện như NT2, PPC, VSH.

nganh dien niem yet cho gio du manh de ra khoi
Tổng hợp một số doanh nghiệp phát điện tại Việt Nam (Báo cáo KIS)

Quý I/2018, nhu cầu điện tăng 10,5% so cùng kỳ mặc dù chưa bước vào mùa khô, tình trạng thiếu hụt điện tại miền Nam khiến sản lượng huy động tại các nhà máy nhiệt điện tăng như PV Power (Mã: POW) tăng 5%, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) tăng 9% và PPC tăng 22%.

Các nhà máy thủy điện sản lượng gần như không tăng do EVN tăng cường tích nước, dự phòng nước để thực hiện phát điện mùa khô. Thủy điện miền Trung (Mã: CHP) đại tu đường hầm dẫn nước nên không tham gia phát điện trong quý I, ảnh hưởng mạnh đến doanh thu, lợi nhuận.

Kể từ đầu năm, giá khí tăng được chuyển vào giá bán điện khiến doanh thu các công ty nhiệt điện khí tăng như POW, PGV và NT2. Giá điện thị trường tăng trên 40% cũng tác động tích cực đến giá bán điện bình quân của các nhà máy, đặc biệt là thủy điện.

Quý II, PV Power đạt tổng sản lượng điện 11,8 tỷ kWh (vượt 5% kế hoạch 6 tháng), doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 17.840 tỷ (vượt 12% kế hoạch) và 1.439 tỷ đồng (vượt 83% kế hoạch)

Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 đạt sản lượng điện 1.264 triệu kWh, tăng 13% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần 2.110 tỷ đồng, tăng 17,5% nhờ giá nguyên liệu khí tăng. Doanh thu tài chính tăng do lãi chênh lệch tỷ giá, lợi nhuận gộp trong quý sụt giảm do doanh thu phí cố định giảm, ngoài ra tỷ lệ tăng giá điện thấp hơn tăng giá khí nên lợi nhuận từ chi phí nhiên liệu giảm.

EVNGenco 3 (PGV) chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng. Cập nhật 5 tháng cho thấy tổng sản lượng đạt 14,82 tỷ kWh, thực hiện 41% kế hoạch năm, trong đó nhà máy Vĩnh Tân 2 và Buôn Kuốp vượt kế hoạch.

Doanh thu công ty mẹ gần 16.000 tỷ đồng (43% kế hoạch) và lãi trước thuế 1.700 tỷ, vượt 17% kế hoạch năm (do các công trình sửa chữa lớn của Genco 3 đều tập trung vào các tháng cuối năm).

nganh dien niem yet cho gio du manh de ra khoi
Các công ty Nhiệt điện 6 tháng đầu năm 2018

Sản lượng điện sản xuất của nhà máy Phả Lại trong quý II đạt 1,75 tỷ kWh tăng 23%, cùng với đó Công ty có giá bán điện bình quân cao hơn. NDoanh thu 6 tháng đạt 4.017 tỷ đồng, tăng 27%; lợi nhuận sau thuế 715 tỷ đồng, tăng 21%, một phần nhờ hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư 205 tỷ đồng.

Nhiệt điện Bà Rịa kết quả quý II giảm đáng kể, doanh thu thuần gần 160 tỷ đồng, giảm 27%. Hoạt động kinh doanh chính lỗ gộp, tuy nhiên hoạt động tài chính "cứu thua". Công ty đang đàm phán giá điện với EVN, do đó khoản doanh thu quý II tạm tính theo giá điện cố định, có thể thay đổi nếu đàm phán thành công.

nganh dien niem yet cho gio du manh de ra khoi
Các công ty Thủy điện 6 tháng đầu năm 2018

Giống như nhiệt điện, doanh nghiệp thủy điện cũng có nửa đầu năm kinh doanh thành công. Như Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Mã: VSH), dù sản lượng quý II giảm 4% nhưng nhờ giá bán điện bình quân khi tham gia thị trường tăng (850,3 đồng/kWh trong quý II, tăng 44%) đưa doanh thu sản xuất điện tăng tăng 38%. Lợi nhuận sau thuế gần 107 tỷ đồng, tăng 50%.

Thủy điện Miền Trung đại tu tổ máy H1 và bảo trì đường hầm dẫn nước định kỳ đến ngày 25/4 mới có thể phát điện lại; điều này có nghĩa trong quý II Công ty gần như chỉ hoạt động trong tháng 5 và 6. Công ty cho biết điều kiện thủy văn không thuận lợi, lượng nước về hồ thấp hơn cùng kỳ do đó sản lượng điện thương phẩm chỉ đạt 120 triệu kWh, giảm gần 20%.

Đa Nhim - Hàm Thuận là công ty thủy điện duy nhất đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, tăng 27%; lợi nhuận sau thuế đạt 555 tỷ đồng, tăng 71% và chủ yếu đến từ quý I.

Các doanh nghiệp thủy điện đạt tỷ lệ lợi nhuận cao gồm có Thác Mơ, doanh thu 406 tỷ đồng, lãi 210 tỷ trong 6 tháng, tỷ lệ lãi sau thuế/doanh thu 52%. Thủy điện Thác Bà doanh thu 185 tỷ, lãi sau thuế 101 tỷ đồng, tỷ lệ 55%...

Ngóng chờ thị trường bán buôn cạnh tranh

Theo lộ trình phát triển thị trường điện, cấp độ 2 thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM) sẽ chính thức được đưa vào vận hành từ năm 2019 - 2021, qua đó các đơn vị phát điện bán trực tiếp cho 6 đơn vị mua buôn, cổ phần hóa 6 đơn vị mua buôn này và các khu công nghiệp được quyền mua trực tiếp từ nhà máy điện, thị trường nhờ đó mà trở nên cạnh tranh hơn.

nganh dien niem yet cho gio du manh de ra khoi
Các cấp độ thị trường điện theo kế hoạch

nganh dien niem yet cho gio du manh de ra khoi

Quy hoạch điện VII giai đoạn 2018 - 2020 khả năng chỉ hoàn thành 60%

Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trong quy hoạch điện VII của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả chỉ đáp ứng được 60% khối lượng theo quy hoạch điện VII điều chỉnh (15.140 MW).

Mặt khác, các dự án thủy điện nhỏ và dự án năng lượng tái tạo dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn này chiếm tỷ trọng tăng lên 37,7% (trong 2016 – 2017 là khoảng 10%).

Nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ như của EVN hay PVN do nguồn vốn, với các dự án điện mặt trời cũng không mấy khả quan.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, tiềm ẩn nguy cơ mất điện tại khu vực miền Nam giai đoạn 2020 – 2023, các nhà máy điện cùng với đó phải vận hành với cường độ cao từ 6.500 đến 7.000 giờ. Xác suất mất tải cao khiến nguy cơ thiếu điện ở khu vực lớn.

Bộ cũng cho biết, nguồn điện mới tại miền Nam chủ yếu là các dự án nhiệt điện than, đầu tư theo hình thức BOT chưa được khởi công xây dựng nên không thể đáp ứng tiến độ như: Duyên Hải 2 (2021 có thể chậm sang 2023), NĐ Long Phú 2 (2021 – 2022), Sông Hậu 2 (2021 – 2022), Vĩnh Tân 3 (2021 – 2023), Vân Phong (2022)…bCác nhà máy này có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, do liên quan đến nhiều bộ ngành và điều khoản hợp đồng phức tạp.

Do vậy, cơ hội đối với các doanh nghiệp thủy, nhiệt điện đang chạy là khá rộng mở, khi mà cầu ngày một tăng, thị trường mua bán cạnh tranh mà quy hoạch điện VII có nguy cơ chậm nhịp.

Xem thêm

Bạch Mộc