|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dấu ấn thoái vốn Nhà nước năm 2017: 'Việt Nam chơi thật'

19:00 | 26/12/2017
Chia sẻ
Thương vụ thoái vốn hiệu quả nhất Vinamilk, "kỷ lục gia" Sabeco đem về cho Nhà nước gần 5 tỷ USD... là những màn thoái vốn ấn tượng nhất năm 2017. Lùi lại hậu trường để thể hiện đúng vai trò của mình, Nhà nước đang dần tạo sân chơi rộng hơn cho các doanh nghiệp cả nội cả ngoại nhìn thấy cơ hội, mà theo quan điểm của Ts. Võ Trí Thành: Chính phủ đang muốn cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước thực sự...
dau an thoai von nha nuoc nam 2017 Thoái vốn tại GAS 2018: Kịch bản Sabeco có lặp lại?
dau an thoai von nha nuoc nam 2017 Thoái vốn nhà nước: Tiền hay thương hiệu?

Chứng khoán năm 2017 với điểm nhấn là câu chuyện thoái vốn Nhà nước tại một loạt các doanh nghiệp lớn, điều này góp phần tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư ngoại có cơ hội tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là năm đánh dấu điểm khởi đầu cho quyết tâm tư nhân hóa kéo dài 4 năm từ năm 2017 – 2020 của Chính phủ.

Vạn sự thì khởi đầu nan, có những khó khăn nhất định, tuy nhiên với sự nỗ lực của Chính phủ, câu chuyện thoái vốn Nhà nước đủ sức để trở thành một trong những dấu ấn đậm nét nhất của thị trường chứng khoán trong năm nay.

Báo cáo tình hình thoái vốn Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến – cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn, trong đó 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017, và 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.

Việc thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN ghi nhận thu về 292 tỷ đồng so với giá vốn 182 tỷ đồng từ 5 lĩnh vực nhạy cảm; thu về 2.953 tỷ đồng so với giá vốn 1.803 tỷ đồng từ các lĩnh vực khác.

Với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) năm 2017 thoái vốn tại 40 doanh nghiệp thu về 21.639 tỷ đồng trên giá vốn 1.903 tỷ đồng. Phần lớn nguồn tiền thoái vốn thu về lại đến từ “gà đẻ trứng vàng” Vinamilk, riêng doanh nghiệp này đã góp tới 20.276 tỷ đồng (năm 2016 và 2017) tiền thoái vốn của SCIC . 39 doanh nghiệp Nhà nước còn lại chỉ đóng góp vào khoảng 1.363 tỷ đồng về cho Ngân sách Nhà nước.

Câu chuyện thoái vốn Nhà nước chỉ thực sự bùng nổ vào giai đoạn cuối năm khi những thời hạn cận kề. Gần 80 doanh nghiệp cần thoái vốn trong 2 tháng cuối cùng là một con số áp lực đối với Nhà nước.

Chủ trương hàng đầu được đặt ra là thoái vốn hiệu quả, không làm thất thoát Ngân sách Nhà nước, tuy nhiên thời gian thì không chờ đợi. Nhà nước buộc phải cân nhắc, tập trung cho những thương vụ quan trọng.

Điểm bùng phát Vinamilk

Điểm bùng phát của câu chuyện thoái vốn cuối năm đến từ thương vụ vừa hiệu quả, lại đầy bất ngờ, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM).

Trong phiên đấu giá cổ phần Vinamilk, Platinum Victory PTE Ltd – công ty “cháu chắt” của đại gia châu Á Jadine Matheson, bất ngờ xuất hiện và nẫng tay trên 3,33% vốn VNM mà F&N thèm muốn với mức giá chấp thuận 186.000 đồng/cp, cao hơn tới 24% so với mức giá khởi điểm 150.000 đồng/cp.

dau an thoai von nha nuoc nam 2017
Thương vụ thoái vốn Nhà nước hiệu quả nhất năm 2017

Trước đó, F&N có đăng ký mua cổ phần VNM tới 5 lần nhưng không thể giao dịch thành công do chê giá cổ phiếu này quá đắt.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, Platinum Victory liên tục rót tới 1,15 tỷ USD gom hơn 10% cổ phiếu Vinamilk trong vòng chưa đầy 1 tuần, phả hơi nóng ngay sau gáy F&N cho ngôi vị cổ đông ngoại lớn nhất.

Nhà nước thu về 8.990 tỷ đồng, trở thành thương vụ thoái vốn hiệu quả nhất của Nhà nước trong năm 2017.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/12, cổ phiếu VNM đạt mức 200.000 đồng/cp, tăng 61% so với hồi đầu năm.

Hơn cả một cuộc thoái vốn hiệu quả, thương vụ Vinamilk còn tạo đà tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán, về kỳ vọng dòng vốn ngoại dường như đang đổ vào Việt Nam. Chưa hết, Vinamik tạo đà tự tin cho Nhà nước trong những thương vụ thoái vốn sắp tới.

Thoái vốn DIG, bùng nổ phiên khớp lệnh gần 2.500 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị giao dịch

Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – Mã: DIG) gây ấn tượng với phiên khớp lệnh gần 2.500 tỷ đồng. Trước đó, DIG bắt đầu bứt phá từ sau khi Bộ Xây dựng thông báo bán hết 118,3 triệu cổ phiếu DIG tương đương 49,65% vốn điều lệ tại mức giá tối thiểu 15.000 đồng.

Sau thoái vốn, Nhà nước không còn giữ cổ phần DIG, thu về khoảng 1.800 tỷ đồng cho Ngân sách. Thay vào đó, Bộ Xây dựng bị thế chỗ bởi các quỹ ngoại danh tiếng.

Cụ thể, các quỹ thuộc nhóm Dragon Capital gồm những cái tên: Amersham Industries Limited, Grinling International Ltd, Aquila SPC Ltd, DC Developing Markets Strategies PLC và Idris Ltd đã mua vào tổng cộng hơn 34 triệu cổ phiếu DIG.

Bên cạnh Dragon Capital, hai nhà đầu tư: Tae Kwang Vina Industrial đến từ Hàn Quốc và CTCP Đầu Tư Phát triển Thiên Tân cũng gom vào lần lượt 22,3 triệu và 3 triệu cổ phiếu DIG đồng thời đều trở thành cổ đông lớn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/12, DIG dừng ở mức 20.400 đồng/cp, tăng 2,72 lần so với hồi đầu năm.

Thoái vốn Sabeco, thương vụ “khủng” nhất lịch sử

Có lẽ không cần nói thêm quá nhiều về thương vụ thoái vốn của năm – Bộ Công Thương bán vốn Sabeco. Chưa một thương vụ thoái vốn nào tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông cũng như sự quan tâm đông đảo của giới đầu tư đến vậy.

Những hoài nghi về mức giá khởi điểm quá đắt 320.000 đồng/cp đã bị đập tan khi đại gia Thái Lan – Thai Beverage thể hiện độ chịu chi của mình, ôm toàn bộ lượng cổ phần tương ứng 53,59% vốn điều lệ Sabeco. Tổng giá trị 109.953 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD được thu về Ngân sách Nhà nước.

dau an thoai von nha nuoc nam 2017
Sabeco đem về gần 5 tỷ USD cho Ngân sách Nhà nước

Công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi vượt qua bài test room ngoại của Nhà nước bằng việc mua cổ phần thông qua một pháp nhân Việt Nam – Việt Nam Beverage, Thai Beverage nắm 49%. Chính điều này giúp Thai Beverage có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp ngoại khác.

Có vẻ như thất bại trong thương vụ Vinamilk trước đó, là bài học để Thai Beverage chuẩn bị kỹ càng trong đợt bán vốn lần này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/12, cổ phiếu SAB chỉ còn 265.000 đồng/cp, rơi tự do mất gần 60.000 đồng so với giá khởi điểm sau khi Nhà nước thoái vốn thành công. Khối tài sản của tỷ phú Thái Lan bay hơi gần 1 tỷ USD chỉ sau 1 tuần lễ.

Những sự thất vọng

Câu chuyện thoái vốn 2017 nhiều thành công nhưng cũng không ít sự thất vọng.

Thương vụ IPO “bom tấn” thành “bom xịt” của năm, chỉ hơn 6% cổ phần đấu giá thành công, Becamex IDCthu về 588 tỷ đồng so với giá trị 9.650 tỷ đồng kỳ vọng. Điều này trái ngược hoàn toàn với những thương vụ IPO “hàng khủng” trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp diễn ra rất thành công như IDICO hay Thanh Lễ.

Dự án tham vọng 10 tỷ USD - Thành phố mới Bình Dương không biết bao giờ mới cho quả ngọt, Nhà nước nắm tỷ lệ vốn lớn trong thời gian quá dài, tình hình nợ vay có xu hướng ngày càng tiêu cực khi các khoản nợ lớn sẽ đến hạn trọng giai đoạn 2019 – 2020, không chỉ vậy câu chuyện đất đai phức tạp... là những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư dè dặt khi đặt mua cổ phiếu Becamex IDC.

dau an thoai von nha nuoc nam 2017
IPO nhiều ông lớn chỉ đem đến sự thất vọng

Một “ông lớn” khác của Nhà nước cũng gặp phải câu chuyện tương tự. Phiên đấu giá gần 220 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ - Tổng Công ty Sông Đà, chỉ có 790.900 cổ phần được bán thành công, tương đương 0,35% lượng chào bán, Nhà nước chỉ thu về gần 9 tỷ đồng.

Trước đó, phương án cổ phần hóa được Nhà nước phê duyệt, Tổng sông Đà kế hoạch bán đấu giá 219,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 48,82% vốn) với giá khởi điểm 11.000 đồng/cp. Sau IPO, vốn điều lệ của Tổng sông Đà sẽ đạt 4.500 tỷ đồng, Nhà nước sẽ nắm 51% vốn cổ phần đến năm 2019. Tuy nhiên câu chuyện này sẽ phải lùi thời hạn đến thì tương lai.

Nếu xét một cách công bằng, ngoài trường hợp của Vinamilk thì SCIC có một năm thoái vốn không quá ấn tượng. Không phải trường hợp nào SCIC cũng có thể tìm được giải pháp thoái vốn hợp lý để có thể bán được “hàng”, Vinaconex là một ví dụ.

Kế hoạch bán 96,25 triệu cổ phần VCG, tương ứng 21,79% vốn điều lệ chỉ thu được 137 tỷ đồng (tỷ lệ thành công 5,5% trên tổng lượng chào bán). Đương nhiên con số mục tiêu thu về 2.460 tỷ đồng cho Ngân sách cũng tạm thời bỏ ngỏ.

dau an thoai von nha nuoc nam 2017
SCIC không kịp bán vốn tại một loạt các doanh nghiệp trong tháng 12

Màn chạy roadshow rầm rộ của những BMP, NTP, FPT và DMC với khẳng định của SCIC sẽ hoàn thành bán vốn tại các doanh nghiệp này trong tháng 12/2017.

Thế nhưng quá hạn công bố thông tin, phía SCIC vẫn không cho thấy tín hiệu nào đáng kể. Dồn sự tập trung cho phiên bán vốn Sabeco là một nguyên nhân, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những câu chuyện khác.

Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định, SCIC nhiều khả năng bán NTP và BMP thông qua đàm phán do chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm.

Cổ đông lớn Sekisui và ban lãnh đạo NTP không thông qua phương án nới room lên 100% theo đề xuất của SCIC là một phần nguyên nhân gây cản trở tiến trình bán vốn, trong khi đó phía BMP thì NawaPlastic Industries đang được xem là nhà đầu tư khả dĩ nhất.

Ở trường hợp FPT, SCIC hoãn đấu giá có lẽ là mong giá cổ phiếu tiếp tục tăng. Hiện tại FPT đang dao động quanh mức 57.500 đồng/cp, tăng 55% so với hồi đầu năm.

Doanh nghiệp Nhà nước đang mong muốn cải tổ thực sự

Đánh giá về những thương vụ thoái vốn trong năm 2017, Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định: Bán vốn cổ phần Sabeco nằm trong ý đồ cải tổ DNNN, đặc biệt là quyết tâm cải cách DNNN đi vào thực chất hơn.

Kết quả của việc bán cổ phần Sabeco vừa qua khẳng định Việt Nam chơi thật, góp phần tạo thêm niềm tin cho thị trường vào câu chuyện cải cách ở Việt Nam. Đây là thương vụ rất lớn. Nó cũng thể hiện nâng cao được tính minh bạch cho sự lựa chọn của các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

dau an thoai von nha nuoc nam 2017
Tiến sĩ Võ Trí Thành

Tuy nhiên bên cạnh câu chuyện thu được nhiều tiền, Ts. Võ Trí Thành cũng lưu ý có hai vấn đề phải đặt lên hàng đầu hậu bán vốn.

"Thứ nhất là thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước ở những lĩnh vực thị trường. Theo đó, lĩnh vực nào tư nhân làm tốt thì để cho họ làm.

Thứ hai là câu chuyện hậu cổ phần hoá. Tức có tiền rồi thì sử dụng những đồng tiền đó như thế nào. Cách tồi nhất là dùng cho chi thường xuyên. Cách tốt nhất là phải đưa vào những lĩnh vực tạo được sự lan toả, không làm thoái lui đầu tư tư nhân, ví dụ như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào đào tạo nhân lực".

Bạch Mộc