Đất vàng về tay tư nhân: Chính thức đổ vỡ khi những sai phạm được bóc tách
Ngày 11/2/2015, Sebeco cùng nhóm CTCP Attland, CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An và CTCP Đầu tư Mê Linh kí hợp đồng hợp tác đầu tư, thành lập CTCP Đầu tư Sabeco Pearl để triển khai dự án trên khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Theo đó, Sebeco Pearl có vốn điều lệ 484,7 tỉ đồng, Sabeco sở hữu 26%, Attland sở hữu 23%, Hà An và Mê Linh mỗi bên nắm 25,5%. Công ty do ông Phan Đăng Tuất làm Chủ tịch HĐQT và bà Lê Thúy Hương giữ vai trò Tổng Giám đốc.
Sabeco Pearl đứng ra nộp tiền sử dụng đất và tiền phạt gần 1.000 tỉ đồng
Theo thỏa thuận hợp tác giữa các bên, Attland, Hà An và Mê Linh sẽ thực hiện nộp tiền sử dụng đất 1.326 tỉ đồng và tiền phạt trả chậm 303 tỉ đồng tại khu đất làm dự án cho Nhà nước để Sabeco Pearl có được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong công văn gửi UBND TP HCM vào ngày 3/4/2015, ông Phan Đăng Tuất viện dẫn, gửi kèm các công văn của Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương cho Sabeco liên doanh thành lập pháp nhân mới và chuyển giao quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho pháp nhân mới được thành lập, tức Sabeco Pearl.
Trên cơ sở tờ trình của Hội đồng thẩm định giá TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín khi đó đã kí quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất mà Sabeco phải nộp trên 997 tỉ đồng, thấp hơn con số trước đó gần 330 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Tín sau đó đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc tham mưu và Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư và được thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Trong hai ngày 10 và 11/6/2015, Sebeco Pearl đã nộp trên 999 tỉ đồng, bao gồm tiền sử dụng đất, tiền lệ phí trước bạ và tiền chậm nộp.
Trước đề xuất và tham mưu của Sở Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Hữu Tín tiếp tục kí quyết định chấp thuận cho Sabeco Pearl thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá hơn 997 tỉ đồng, theo hình thức thuê trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê 50 năm.
Và như vậy, Sabeco Pearl có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng vào ngày 6/7/2015.
Xin bổ sung căn hộ ở tại đất vàng
Ngày 11/9/2015, ông Trần Chí Dũng, khi đó là Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản đề nghị UBND TP HCM xem xét, chấp thuận điều chỉnh, bổ sung chức năng căn hộ ở và officetel đối với công trình tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Đề nghị này đã được ông Nguyễn Hữu Tín chấp thuận sau 11 ngày nhận được văn bản của Sở Quy hoạch Kiến trúc tại Công văn số 5720/UBND-ĐTMT.
Nhớ lại hồi cuối năm 2010, trong công văn gửi UBND TP HCM để xin ý kiến về chỉ tiêu qui hoạch, kiến trúc công trình dự án, ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc có đề nghị: Riêng chức năng ở với hình thức căn hộ cho thuê cần hạn chế, không bố trí hoặc bố trí với tỉ lệ thấp để phục vụ đối tượng thuê văn phòng trong cùng công trình (chiếm 5-7% diện tích sàn xây dựng trên mặt đất).
Theo đó, quyết định phê duyệt ngày 25/12/2010 của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài nêu rõ công trình không có chức năng căn hộ ở cho thuê.
Nước cờ thâu tóm đất vàng của nhóm nắm giữ 74% vốn Sabeco Pearl
Tiếp sau đó, nhóm nhà đầu tư nắm 74% vốn tại Sabeco Pearl đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl với lí do: "Việc tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành của Sabeco không phù hợp với qui định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12/2015.
Không lâu sau đó vào tháng 1/2016, nhóm nhà đầu tư này tiếp tục có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị được mua lại toàn bộ phần vốn góp 26% của Sabeco tại Sabeco Pearl.
Trước khi Sabeco hoàn tất thủ tục thoái vốn, Vụ trưởng Bộ Công Thương Phan Chí Dũng từng có văn bản yêu cầu Bộ phận Quản lí vốn Nhà nước tại Sabeco báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và nhưng vấn đề liên quan đến đề nghị của nhóm cổ đông tại Sabeco Pearl.
Để thực hiện thủ tục thoái vốn, đại diện Tổ thoái vốn đã kí hợp đồng thẩm định giá với ba đơn vị, trong đó chỉ có CTCP Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam có chức năng thẩm định giá theo qui định của Bộ Tài chính.
Theo kết quả thẩm định giá do ông Vũ Huy Hoàng phê duyệt, giá trị cao nhất của một cổ phần Sabeco là 13.247 đồng/cp và đây cũng là mức giá khởi điểm để đấu giá.
Với mức giá bỏ ra 13.347 đồng/cp, Attland là đơn vị đã trúng giá hơn 14,7 triệu cp tại Sabeco Pearl, tương ứng Sabeco thu về gần 197 tỉ đồng.
Liên quan đến trình tự, thủ tục thoái vốn của Sabeco, văn bản phúc đáp của Bộ Tài chính khẳng định: "Việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl không phải là chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp Nhà nước. Việc thoái vốn được thực hiện theo qui định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty cổ phần".
Đến ngày 19/10/2016, Sabeco Pearl chính thức đổi tên thành CTCP Đầu tư Quảng trường Mê Linh.
Đất vàng thêm lần lở dở…
Những tưởng sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, nhóm tư nhân sẽ xây dựng một dự án đồ sồ tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng. Thế nhưng nước cờ này đã bị lật tẩy khi ông Nguyễn Hữu Tín cùng bốn bị can đã bị khởi tố vào tháng 11/2018.
Tháng 11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị UBND TP HCM tạm ngừng mọi giao dịch chuyển nhượng, mua bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM.
Đồng thời, tạm ngừng việc thay đổi đăng kí kinh doanh, chuyển nhượng cổ phần, thay đổi người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Quảng trường Mê Linh (trước đây là Sabeco Pearl), pháp nhân đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Theo Công văn số 22/STNMT-QLĐ-M gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 17/2 vừa qua, đáng lí ra khi nhận được Công văn 5720 của UBND TP HCM về việc chấp thuận bổ sung căn hộ ở, Sabeco Pearl phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của UBND TP HCM và chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất có bổ sung thêm chức năng căn hộ.
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (6.080 m2) được sắp xếp cho Sabeco quản lí, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo, văn phòng cho thuê.
Khu đất này không thuộc diện cơ sở ô nhiễm phải di dời nên không áp dụng viên liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới.