Khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng 6.080 m2 tại trung tâm TP HCM dự định xây siêu khách sạn 6 sao vẫn là bãi cỏ hoang sau nhiều năm được chuyển nhượng.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương về hành vi "Vi phạm qui định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Trong đó, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP HCM) liên quan đến vụ án.
Khu đất này nằm tại vòng xoay Công trường Mê Linh, là một trong những khu đất vàng có 4 mặt tiền hiếm hoi của thành phố vẫn chưa được triển khai dự án. Trước đó, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trực tiếp sử dụng diện tích này theo phương án sắp xếp lại nhà, đất công của Bộ Tài chính. Ban đầu, Bộ Tài chính cho phép Sabeco sử dụng khu đất để xây dựng trụ sở văn phòng tổng công ty và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng.
Khu đất nằm giữa 4 con đường trung tâm TP HCM là Hai Bà Trưng - Thi Sách - Đông Du - vòng xoay Công trường Mê Linh với tổng diện tích 6.080 m2. Dự án xây dựng trụ sở không triển khai, Sabeco góp vốn thành lập CTCP Đầu tư Sabeco Pearl với 3 cổ đông khác là CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hà An (sở hữu 25,5%) và CTCP Đầu tư Mê Linh (sở hữu 25,5%) và CTCP Attland (sở hữu 23%) vào tháng 2/2015. Ba tháng sau khi thành lập, Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Sài Gòn Mê Linh Tower gồm khách sạn 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Ngoài 4 mặt tiền đường chính, khu đất vàng còn tiếp giáp bờ sông Sài Gòn qua đường Tôn Đức Thắng và chỉ cách bến du thuyền Bạch Đằng chỉ vài bước chân tạo nên vị trí cực kì đắc địa hàng đầu thành phố. Tuy nhiên chỉ một năm sau khi góp vốn, tháng 6/2016, Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl và Công ty Attland là đơn vị trúng đấu giá với mức giá 13.347 đồng/cổ phần.
Nhìn từ trên cao, khu đất rộng gần gấp đôi so với diện tích của tòa nhà Vietcombank Tower. Đến tháng 8/2018, ba cổ đông trong liên danh gồm Mê Linh, Hà An và Sài Gòn Mê Linh Tower cũng thoái vốn tại Sabeco Pearl. Khu đất vàng này về tay một tư nhân là ông Ngô Văn An (nắm 98,53% vốn điều lệ), ông Trần Quang Huy (nắm 0,49%) và bà Nghiêm Thị Hương (0,98%).
Từ địa điểm 2-4-6 Hai Bà Trưng có thể dễ dàng đi quận 4 và 7 (qua cầu Khánh Hội), quận 5, 6, 8, 10 và huyện Bình Chánh bằng đại lộ Võ Văn Kiệt hoặc sang quận 2 theo hướng hầm vượt sông Sài Gòn.
Khu đất này cũng nhanh chóng kết nối với khu Đông của TP HCM thông qua tuyến metro số 1, đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm. Theo dự báo, khi cầu Thủ Thiêm 2 cách đó chỉ vài trăm mét hoàn thành thì giao thông qua khu vực này trở nên đồng bộ nhất thành phố với các trục đại lộ - metro - cầu - hầm.
Đối diện khu đất qua sông Sài Gòn là hàng loạt dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm mới của thành phố phía Đông trong tuong lai.
Tại khu vực vòng xoay Công trường Mê Linh có 6 khu đất vàng thì 5 khu đã được xây dựng gồm khách sạn siêu sang, văn phòng cao cấp như Renaissance Riverside Sài Gòn, Mê Linh Poin Tower, Hilton Sài Gòn, Vietcombank Tower, tòa nhà IBC thì 2-4-6 Hai Bà Trưng vẫn quay tôn kín mít sau nhiều năm.
Ngoài ra, bao quanh khu đất trong bán kính từ 1 đến 3 km có hàng loạt trung tâm thương mại sang trọng, khách sạn 5 sao, các địa điểm vui chơi giải trí, tiện ích công cộng...
Đến hiện nay, mọi dự án liên quan đến khu đất đều phải ngưng lại sau khi ông Nguyễn Hữu Tín cùng bốn bị can bị khởi tố liên quan đến quyết định giao đất. Bốn hàng rào tôn bao quanh khu vực bị vẽ bẩn gây mất mĩ quan đô thị.
Bên trong có một khu nhà có với vài người thường xuyên ra vào trông coi khu đất.
Cây hoang, cỏ dại mọc gần hết diện tích 6.080 m2 của khu đất vàng giữa trung tâm Sài Gòn.
Trường Nguyên
Link bài gốc
https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/can-canh-khu-dat-vang-2-4-6-hai-ba-trung-khien-mot-loat-quan-chuc-bi-khoi-to-4220200714225803217.htm