Đất đang sốt, 'bom' đang chờ?
Người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND quận 9, TP.HCM chiều 18-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Bong bóng bất động sản đang tạo ra sự mua bán lòng vòng, khiến dòng vốn không chảy mạnh vào sản xuất, kinh doanh... Điều gì xảy ra khi "bom" nổ?
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright Việt Nam - cho biết như thế khi trao đổi với Tuổi Trẻ trước những đợt sốt đất hiện nay ở Việt Nam.
Ông Du nói:
- Giá đất tăng nóng thời gian qua một phần đến từ tâm lý kỳ vọng về nền kinh tế khởi sắc, tăng trưởng tốt hơn trong tương lai, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ tâm lý đám đông, nhiều người thấy thị trường lên thì đổ xô đi mua tiếp.
* Hiện tượng "tâm lý đám đông" trong các cơn sốt được giải thích như thế nào, thưa ông?
- Sốt đất hay sốt chứng khoán cũng như nhau, đều xuất phát chung từ tâm lý "nghĩ". Khi thị trường đón những tin đồn về quy hoạch, họ cùng nghĩ giá đất sẽ lên nên đổ xô đi mua, nhu cầu tăng vọt dẫn đến giá đất lên thật.
Lúc này, họ lại thấy mình nhận định thị trường đúng nên tiếp tục đổ tiền đi mua nữa, người chưa mua được cũng tìm cách để mua vì cho rằng đất sẽ còn lên cao. Tâm lý dồn sóng này đến một lúc sẽ tạo ra bong bóng thị trường bất động sản, trong khi nhu cầu để ở lại không có.
TS Huỳnh Thế Du - Ảnh: TỰ TRUNG.
Khi thị trường đạt đến mức giá nào đó, lúc này xuất hiện một tâm lý ngược lại, đổi chiều: giá cao quá, cần phải giảm. Cả thị trường hè nhau giảm thì đúng là giảm thật nhưng bán ra lại không có ai dám nhảy vào, vì còn kỳ vọng sẽ giảm thêm. Hệ lụy lớn nhất của các đợt sốt đất là sự chuyển đổi kỳ vọng.
Những cơn sốt đất đem đến những suất sinh lời rất lớn, có thể lên đến vài trăm phần trăm, trong khi kinh doanh buôn bán thông thường, mức sinh lời có được 20% đã là rất cao và đáng mơ ước.
Nhiều người bắt đầu lung lay với công việc hằng ngày của mình, nảy sinh tâm lý nếu tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh hiện tại, cứ cặm cụi may giày, nuôi cá hay lái taxi thì không biết khi nào đổi đời. Trong khi đó, nếu đầu tư mà thực ra là đầu cơ vào các tài sản như bất động sản thì lợi nhuận có được có thể là hàng trăm phần trăm.
Tâm lý nhìn người bên cạnh bỗng dưng giàu lên, buôn bán lời đến vài trăm phần trăm cũng khiến nhiều người sốt ruột. Thay vì tiếp tục tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội, họ lại đi đầu cơ tài sản. Lúc này mọi người chỉ tập trung vào việc mua mua - bán bán, chứ không còn "chí thú làm ăn" như trước đây.
Trong các đợt sốt đất, hệ lụy lớn nhất là làm cho nền kinh tế bị trì trệ, sản xuất đình đốn vì con người bỏ bê hoạt động kinh doanh của mình, nảy sinh tâm lý ngôi mát ăn bát vàng.
Hàng ngàn người chọn mua và đặt tiền cọc dự án đất nền ở Đồng Nai ngày 14-4 - Ảnh: Kim Oanh.
* Nhà nước có được gì trong những cơn sốt đất như vậy?
- Có thể trong các đợt sốt đất Nhà nước sẽ thu được một vài khoản thuế qua các giao dịch buôn bán bất động sản, nhưng khoản thu này không đủ để bù đắp những mất mát mà cơn sốt bất động sản gây ra cho bất ổn kinh tế vĩ mô.
Bong bóng bất động sản không chỉ đẩy giá đất lên mà còn cản trở hoạt động sản xuất kin+h doanh, vì giá cả mọi thứ đều trở nên đắt đỏ, lạm phát tăng, các chính sách an sinh xã hội bị ảnh hưởng... Đó là những hệ lụy mà không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Thuế bất động sản hiện nay của Việt Nam cũng chưa theo kịp với những đợt tăng nóng của thị trường. Thuế bất động sản ở các nước có những hệ số, điều chỉnh đánh giá nhiều yếu tố... trong khi thuế đất ở Việt Nam được xem là khá lạc hậu.
Với những gì đang xảy ra, chúng ta có thể nghĩ đến một chu kỳ 10 năm bất ổn, từ năm 1979 đến nay của bong bóng bất động sản, ngân hàng.
Nhưng chung quy lại tất cả xuất phát từ lòng tham, hiệu ứng tâm lý đám đông mà điển hình nhất là vụ vỡ lở tiền ảo lừa 15.000 tỉ gần đây, thị trường đang bất chấp những lời cảnh báo, bỏ qua những nguyên tắc kinh doanh, lợi nhuận thông thường.
* Tại sao trong các cơn sốt đất, nhiều người vẫn lao vào dù đã có cảnh báo?
- Nhiều người thấy cơn sốt đất và hiểu hệ lụy của nó nhưng ai cũng nghĩ mình thông minh hơn, cơ hội luôn có miễn sao trước khi bong bóng thị trường nổ ra mà mình bán được thì vẫn có lời. Nhưng họ quên rằng mình đang ôm "bom", để nó nổ là chết và không ai đoán được khi nào bong bóng sẽ nổ.
Và mọi người cũng quên rằng thời điểm mình muốn đẩy "quả bom" đó đi thì cả thị trường ai cũng đang có "quả bom" này. Rất ít người thoát ra được.
* Theo ông, Nhà nước cần làm gì trước các cơn sốt đất?
- Từ phía cơ quan quản lý, công cụ về thuế là một trong những biện pháp để hạ nhiệt thị trường. Ngoài ra, từ các cơn sốt đất cũng cho thấy thị trường cần được cung cấp thông tin nhiều hơn.
Giá đất tăng cao một phần do chính quyền các địa phương và Nhà nước chưa làm tốt công tác quản lý và quy hoạch đô thị, người dân tiếp cận thông tin chưa đầy đủ.
Người dân cần được tiếp cận thông tin một cách minh bạch hơn, dễ dàng hơn để họ hiểu điều gì đang xảy ra, bình tâm trước các tin đồn.
Cuối cùng, cần phải kiểm soát dòng tiền, tín dụng chảy vào bất động sản, phần lớn khoản tiền đổ vào đây đều được đi vay.
Chúng ta đã có hành động nhưng cần quyết liệt hơn nữa, nếu không nợ xấu ở các ngân hàng khó mà giải quyết và nguồn lực không được dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự.