Đặt cược vào điện mặt trời, sau hơn hai năm Thành Thành Công làm được những gì?
Điện mặt trời đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của Tập đoàn
Tại một hội nghị khách hàng của Tập đoàn Thành Thành Công vào cuối tháng 6/2017, với nhận định năng lượng sẽ trở thành ngành đầu tư mũi nhọn, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn vào năm 2020, Thành Thành Công đã quyết đầu hơn 22.000 tỉ đồng vào "canh bạc" mang tên điện mặt trời.
Lúc đó, ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc Thành Thành Công còn cho biết, 20 nhà máy điện mặt trời sẽ là 20 "nhà máy in tiền" trong 20 năm tới.
"Chúng tôi sẽ phát triển các dự án điện mặt trời theo vốn góp 30% và vốn vay 70%. Hiện, trong két sắt của Thành Thành Công, 300 triệu USD đã sẵn sàng", ông Chuyện cho biết.
Và vào ngày 12/10/2018, nhà máy điện mặt trời Phong Điền tại Thừa Thiên Huế của CTCP Điện Gia Lai (Công ty thành viên thuộc Thành Thành Công) đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia và đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên tại Việt Nam được đóng điện.
Sau hơn hai năm thực hiện, cho tới thời điểm này, ngoài nhà máy ở Phong Điền, Thành Thành Công đã đóng điện thêm 5 nhà máy điện mặt trời khác, nâng tổng công suất lên gần 350 MW. Tổng diện tích 6 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động khoảng 300ha. Trong đó, nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa tại Gia Lai khánh thành đầu tháng 12/2018, có công suất 69 MW; TTC Tây Ninh 68 MW hòa vào lưới điện đầu tháng 3/2019 hay TTC Đức Huệ Long An 49 MW hoạt động vào tháng 4....
Tình hình triển các dự án điện mặt trời của Tập đoàn Thành Thành Công.(Nguồn: Thành Thành Công).
Đồng thời, Tập đoàn cũng đang và sẽ triển khai một số dự án trong những năm tới như Cụm dự án điện mặt trời Tây Ninh (công suất 124 MW), Đắk Nông (44,4 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (200 MW), Long An (98 MW), Tây Sơn - Bình Định (98 MW), Bến Tre (98 MW)...
Dự kiến đến 2022, công suất của các dự án điện mặt trời này sẽ đạt 1.098 MW và chiếm 62% tổng năng lượng của Tập đoàn.
Nguồn: Tập đoàn Thành Thành Công.
Mảng năng lượng, Thành Thành Công hiện có 5 công ty thành viên bao gồm Điện Gia Lai, TTC Energy, TTC Solar Farm, TTC Wind Farm và TTC Hydropower Plant.
Trong đó, Điện Gia Lai với chủ lực mảng điện mặt trời, đóng góp phần lớn doanh thu, lợi nhuận cho Tập đoàn trong những năm gần đây. Kết thúc quý I/2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 174 tỉ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái do ghi nhận trọn vẹn doanh thu từ hai nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền và TTC Krông Pa.
Hiện hai nhà máy này đóng góp hơn 41 triệu kWh, chiếm 51% tổng sản lượng điện so với gần 40 triệu kWh được sản xuất ra 14 nhà máy thủy điện. Cơ cấu doanh thu của Điện Gia Lai cũng có sự dịch chuyển rõ rệt khi 51% đến từ điện mặt trời so với 47% của thủy điện trong khi cùng kỳ từ thủy điện là 87%.
Nguồn: Điện Gia Lai - Công ty thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán, việc giảm dần sự phụ thuộc vào một nguồn năng lượng của Thành Thành Công đã bước đầu đem lại hiệu quả khi trong quý I/2019 có tới 8/10 doanh nghiệp thủy điện trên sàn đồng loạt báo lãi sụt giảm mạnh, thậm chí có doanh nghiệp lỗ.
Cũng trong 4 năm trở lại đây, biên lợi nhuận gộp và ròng của các công ty thành viên mảng năng lượng lần lượt đạt lần lượt trên 50% và 30%, cao hơn trung bình của ngành (48% và 29%).
Nguồn: Điện Gia Lai - Công ty thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công.
Áp lực nợ vay ngày càng lớn
Tuy vậy, việc đầu tư để xây dựng một nhà máy điện mặt trời đòi hỏi nguồn vốn lớn, từ 50 đến 500 triệu USD tùy vào quy mô từng dự án, buộc không ít nhà đầu tư tìm đến khoản vay ngân hàng.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản của Điện Gia Lai tăng gần 23% lên 5.342 tỉ đồng, chiếm phần lớn từ chi phí xây dựng cơ bản dở dang của hai dự án điện mặt trời Đức Huệ 1 tại Long An và Hàm Phú 2 tại Bình Thuận.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I/2019 của Điện Gia Lai.
Với khoản vay được giải ngân để tài trợ cho hai dự án điện mặt trời nói trên, chỉ số Nợ vay/Vốn chủ sở hữu của Điện Gia Lai tăng lên mức 0,88 lần so với mức 0,63 lần của cuối năm 2018.
Đồng thời, chỉ số Nợ vay/Tổng tài sản tăng lên 0,42 lần, so với trung bình ngành khoảng 0,38 lần. Chi phí lãi vay trong quý I cũng tăng lên hơn 33 tỉ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ.
Nguồn: Báo cáo tài chính quý I/2019 của Điện Gia Lai.
Mặt khác, sau ngày 30/6 tới, giá mua điện nhiều khả năng được điều chỉnh thấp hơn nhiều, dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp không có tỉ suất sinh lợi tốt để trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng, gây ra rủi ro tài chính.
Theo kế hoạch 2019, Tập đoàn Thành Thành Công vẫn còn một nhà máy điện mặt trời ở Trúc Sơn tại Đắc Nông đang triển khai và một dự án ở Nhị Hà tại Ninh Thuận đang xin bổ sung quy hoạch.
Ngoài vay ngân hàng, Điện Gia Lai còn tìm đến nguồn vốn từ phát hành trái phiếu với việc phát hành thành công gần 120 tỉ đồng trái phiếu lãi suất 11,5%/năm cho 107 cá nhân và 12 tổ chức.
Bên cạnh áp lực về nợ, các dự án điện mặt trời cũng gặp rủi ro bởi pin năng lượng. Theo Cục Năng lượng Mỹ, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao có thể khiến thời gian sử dụng ngắn hơn và yếu tố tiêu cực như tuyết, bụi sẽ gây tổn hại vật liệu bề mặt và mạch điện bên trong, làm giảm dần năng suất.
Việc phân loại và xử lý rác tốn chi phí lớn, chưa kể các hóa chất sinh ra trong quá trình tái chế gây hại cho môi trường. Hiện dự án điện mặt trời đầu tiên của Tập đoàn là TTC Phong Điền đang sử dụng gần 150.000 tấm pin năng lượng, TTC Krông Pa sử dụng hơn 200.000 tấm pin.
Điện mặt trời TTC Phong Điền. (Nguồn: nsn.vn)
Điện mặt trời TTC Krông Pa. (Nguồn: geccom.vn)