|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm để 'bịt kẽ hở'

10:07 | 02/10/2017
Chia sẻ
Doanh nghiệp đi vay ngân hàng tiền lãi được khấu trừ vào thuế, vậy là nhà đầu tư có thể lách kẽ hở đó bằng cách huy động góp vốn rồi đem gửi ngân hàng để tiền đẻ ra tiền. Họ đã làm ngân sách thất thu như thế nào?
danh thue tien lai tiet kiem de bit ke ho
Đánh thuế tiền lãi tiết kiệm để 'bịt kẽ hở' (Ảnh minh hoạ)

Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành loại trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ra khỏi thu nhập từ đầu tư vốn của cá nhân.

Điều này tạo ra "kẽ hở" cho nhà đầu tư: càng vay nhiều càng lời nhiều, đồng thời cũng thể hiện thiếu công bằng cho khoản nhận lãi từ trái phiếu phải chịu thuế.

Lấy thí dụ khi nhà đầu tư vay ngân hàng 100 triệu đồng với lãi suất 7%/năm thì khoản lãi tiền vay phải trả là 7 triệu đồng.

Toàn bộ phần lãi vay này sẽ được giảm trừ vào chi phí tính thuế của doanh nghiệp và điều đó dẫn đến làm giảm thu nhập tính thuế của doanh nghiệp.

Giả sử nhà đầu tư không đi vay mà thay vào đó chấp nhận góp vốn 100 triệu đồng.

Lúc này, thu nhập tính thuế của doanh nghiệp sẽ tăng thêm 7 triệu đồng do không phải trả lãi, không được hạch toán giảm trừ.

Vậy là, với khoản 7 triệu đồng tăng thêm này, nhà đầu tư sẽ phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, và số tiền còn lại sẽ là lại 5,6 triệu đồng thu nhập sau thuế.

Ngược lại, nếu nhà đầu tư sử dụng 100 triệu đồng để cá nhân gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất hiện nay là 6,5%/năm thì họ sẽ nhận được khoản tiền lãi là 6,5 triệu đồng.

Số tiền 6,5 triệu gửi tiết kiệm rõ ràng nhiều hơn 5,6 triệu đồng của trường hợp bỏ vốn ra kinh doanh mà lý do chỉ vì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Vậy là nhà đầu tư có thể sử dụng phương thức đi vay ngân hàng nói trên để được hạch toán vào chi phí kinh doanh.

Lỗ hổng này dẫn đến chuyện các nhà đầu tư càng vay vốn lớn hàng trăm tỉ, nghìn tỉ chẳng hạn, thì tiền lời càng nhiều.

Lý do là tỉ suất thuế thu nhập doanh nghiệp (20% hiện hành, dù có sửa đổi từ 15% theo dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp) lớn hơn tỉ lệ chênh lệch lãi suất miễn thuế của tiền gửi tiết kiệm cá nhân và lãi suất tiền vay là 7,14%, dựa trên công thức tính: 100%-(6,5%/7%).

Như vậy, nếu chúng ta không khắc phục lỗ hổng này thì doanh nghiệp sẽ lợi dụng việc vay vốn này để gửi tiền tiết kiệm không những làm giảm nguồn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay trong doanh nghiệp.

Thêm một điểm khác: Nên gộp lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Nếu như chưa thể sửa đổi toàn diện các khoản mục tính thuế thu nhập cá nhân chuyển từ tính thuế từng lần phát sinh sang theo biểu thuế chung lũy tiến từng phần như các nước Úc, New Zealand… thì cần đề ra lộ trình để thực hiện mục tiêu cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế.

Trước mắt, cần gộp lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân vào thu nhập từ tiền lương, tiền công để tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế giữa thể nhân và pháp nhân cũng như đảm bảo giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập của người gửi tiết kiệm là nguồn thu nhập chính.

Sau bài viết Có nên đánh thuế đối với tiền lãi tiết kiệm, Tuổi Trẻ Online nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi trong đó đa số đều không đồng tình với điều này.

Tuy nhiên, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng một ý kiến của "phe thiểu số" tức là những người ủng hộ việc đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm, ngõ hầu để bạn đọc có thêm một góc nhìn và tiếp tục tranh luận về chủ đề này.

danh thue tien lai tiet kiem de bit ke ho Lại đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thu nhập từ tiết kiệm mà tới vài trăm triệu đồng nên gọi là đầu tư và phải ...

PHẠM THẾ VINH - Công ty Tư vấn Luật & Kiểm toán Hoàng Gia