Đằng sau sự hào nhoáng của thị trường xe điện: Nhà đầu tư lo lắng không dám rót vốn, doanh nghiệp vật lộn tìm cách sống sót
Đã đến lúc các nhà đầu tư cần có cái nhìn thực tế hơn về thị trường xe điện, theo Bloomberg. Tuy nhiên, những điều khiến giá cổ phiếu các công ty xe điện trước đây từng tạo ra những vụ gọi vốn lịch sử giảm sâu, có ý nghĩa như thế nào?
Áp lực với các doanh nghiệp
Phần lớn cổ phiếu của các công ty xe điện đang niêm yết trên sàn chứng khoán New York, từ những startup Trung Quốc như Xpeng, Nio, Li Auto cho đến những công ty xe điện mới nổi đầy tiềm năng của Mỹ như Rivian hay Lordstown Motor đều lao dốc trong thời gian gần đây.
Áp lực từ lạm phát, tăng lãi suất hay cuộc xung đột căng thẳng giữa Ukarine và Nga càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với các doanh nghiệp xe điện này, qua đó khiến nhà đầu tư có những con mắt không mấy thiện cảm. Giờ đây, người ta mới nhận ra rằng việc làm ra được một chiếc xe điện, được đông đảo mọi người công nhận như Tesla không hề đơn giản.
Hiện tại, các nhà sản xuất xe điện đang đối mặt thêm một vấn đề khác đó là chi phí sản xuất xe tăng lên. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc tìm kiếm linh kiện sản xuất ô tô điện, ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số bán hàng. Mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng tạo ra những áp lực vô hình đối với các công ty xe điện Trung Quốc đang niêm yết tại quốc gia châu Mỹ này.
Thực tế, việc gọi vốn vào thời điểm hiện tại tuy có những khó khăn nhất định, nhưng đa phần vẫn tương đối dễ dàng đối với các ocong ty xe điện. Ngày nay, các nhà đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt tới chỉ số ESG (môi trường – xã hội – quản trị doanh nghiệp). May mắn thay, đây lại là những thứ mà một startup hoặc một công ty xe điện có.
Dù vậy, các nhà đầu tư dường như đang bỏ qua những thứ căn bản nhất khi rót vốn vào một doanh nghiệp: Liệu các công ty xe điện có thể tạo ra sản phẩm hay không? Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp này lớn tới đâu? Tốc độ sản xuất và giao hàng có đáp ứng yêu cầu cũng như đúng theo kế hoạch đề ra?
Một số doanh nghiệp xe điện mới nổi tự tin về công nghệ mà họ sở hữu. Dù vậy, có những thứ mà họ vẫn phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất khác, đặc biệt là pin. Ngoài ra, họ còn rất nhiều vấn đề khác mà không thể tự mình giải quyết tất cả mọi khâu. Chính vì vậy, mô hình thuê đơn vị thứ ba thiết kế và sản xuất linh kiện xe ra đời, được nhiều công ty nhắm đến và áp dụng.
Thời gian gần đây, áp lực từ lạm phát và tăng lãi suất đang dần được cảm nhận một cách rõ ràng hơn. Đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực xe điện, họ không chỉ phải đối mặt với những vấn đề này, mà còn một vấn đề khác cũng cần được quan tâm, đó là sản xuất và sản lượng.
Để có thể tối ưu hóa và sử dụng nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả, các công ty xe điện phải làm được nhiều thứ hơn là tạo ra một chiếc xe đẹp với hệ thống phần mềm hiện đại. Theo Kelly Blue Book, giá trung bình cho một chiếc xe ô tô điện tại Mỹ rơi vào khoảng 65.000 USD. Đây là một mức giá tương đối cao cho một sản phẩm chưa thực sự quá phổ biến. Chính vấn đề về giá cả có thể trở thành rào cản với sản xuất và sản lượng.
Nhiều công ty vật lộn để tồn tại
Gần đây, hàng loạt công ty từng tạo ra những đợt IPO bom tấn hay những màn gọi vốn ấn tượng đang tìm mọi cách để có thể “sống sót” trên thị trường mới, tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro này.
Mới nhất, startup nổi tiếng Lordstown đã phải bán nhà máy của doanh nghiệp cho Foxconn với giá 230 triệu USD để huy động tiền mặt. Theo người đại diện doanh nghiệp, khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của công ty hiện phụ thuộc nhiều vào việc có thể huy động vốn tiếp hay không.
Hai năm trước, thời điểm startup này tạo ra đợt IPO gây tiếng vang, mục tiêu mà Lordstown đặt ra là sản xuất 2.000 – 32.000 xe điện/năm. Giờ đây, mục tiêu mà họ đưa ra thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 500 chiếc/năm.
Trước đó, một startup xe điện nổi tiếng khác là Fisker cũng đạt thỏa thuận cùng Magna International để sản xuất xe điện. Ngoài ra, Fisker cũng bắt tay với chính Foxconn. Tưởng chừng như có sự hậu thuẫn từ hai trong số những đơn vị sản xuất hàng đầu thế giới, Fisker có thể sớm tiến vào thị trường. Tuy nhiên, startup này cũng dự kiến chỉ có thể đi vào sản xuất từ cuối năm nay.
Bước vào năm 2022, số lượng nguồn cung xe điện hiện tại không có quá nhiều. Những vấn đề như dịch bệnh tại Trung Quốc, gián đoạn chuỗi cung ứng vì ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine,… tác động rất nhiều tới các doanh nghiệp, bởi những khu vực này là nguồn cung nhiều nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xe điện và pin xe điện.
Ngay cả những công ty được đầu tư mạnh mẽ, có nhiều ông lớn chống lưng cũng gặp khó. Chẳng hạn như những startup xe điện nổi tiếng Trung Quốc, gồm Nio, Xpeng và Li Auto cũng chỉ có thể sản xuất khoảng vài nghìn chiếc mỗi tháng. Lucid, cái tên gây bão trong giới xe điện, từng ký hợp đồng mua bán với chính phủ lên tới 100.000 xe, nhưng hiện tại mới bắt đầu thiết lập cơ sở sản xuất riêng.
Rõ ràng, các công ty xe điện gặp nhiều khó khăn hơn những gì mà người thường có thể nhìn thấy. Một khi các dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn, rủi ro xảy tới có thể là việc người tiêu dùng dần đánh mất sự quan tâm tới xe điện. Để điều này không xảy ra, cả những nhà đầu tư lẫn các công ty xe điện sẽ có nhiều việc phải làm hơn trong tương lai.