Đại dịch COVID-19 cản trở thu hoạch cà phê arabica tại Nam Mỹ
Đại dịch COVID-19 đã giết chết hơn 250.000 người và làm gia tăng mối lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.
Các nhà máy chế biến thịt tại khu vực có dịch bệnh đã đóng cửa; những người lái xe tải hạn chế giao hàng vì sợ bị lây nhiễm và nhiều nông dân buộc phải hủy bỏ mùa vụ.
Thu hoạch là quá trình cần nhiều nhân công nhất trong sản xuất cà phê. Colombia và Brazil, hai quốc gia chiếm tới 65% sản lượng cà phê arabica chất lượng cao toàn cầu, sẽ cần khoảng 1,25 triệu nhân công.
Cùng với Peru và Ecuador, hai quốc gia này giờ đây phải thuê những người lao động thời vụ để thu hoạch cà phê.
Nông dân, thương nhân cà phê và nhà nhập khẩu ở các quốc gia tiêu thụ hàng đầu lo ngại rằng đại dịch COVID-19 chưa đạt đến đỉnh điểm ở Brazil hoặc Colombia và việc tiếp xúc gần giữa những người lao động có thể là nguyên nhân gây ra sự bùng phát dịch.
Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19, chỉ trích các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và buộc các doanh nghiệp phải mở cửa trở lại, ngay cả khi nước này đã ghi nhận hơn 135.000 ca nhiễm và gần 10.000 trường hợp tử vong.
Công ty kinh doanh cà phê đặc sản Caravela Coffee đã thực hiện một cuộc khảo sát qua điện thoại với hàng trăm người trồng cà phê ở Peru, Ecuador và Colombia vào cuối tháng 4.
Hầu hết người trồng cho biết họ gặp khó khăn trong việc thuê nhân công, thêm vào đó là thiệt hại lên tới 10% trong sản xuất cà phê arabica xuất khẩu.
Các thương hiệu cà phê cao cấp như Starbucks, Nespresso thuộc sở hữu của Nestle và Illycaffe của Italy rất chuộng cà phê arabica chế biến ướt, trong khi cà phê robusta, được sản xuất chủ yếu ở Việt Nam, được sử dụng rộng rãi trong chế biến cà phê hòa tan.
Thu hoạch cà phê arabica ở Nam Mỹ mới chỉ bắt đầu
Mùa thu hoạch cà phê robusta đã kết thúc, nhưng thu hoạch cà phê arabica mới chỉ bắt đầu ở Nam Mỹ.
Ở Brazil và Colombia, chính quyền địa phương đã cho phép một số công nhân đi làm để tránh làm ảnh hưởng tới sản xuất thực phẩm, bao gồm cả hoạt động sản xuất cà phê hoặc làm việc tại cảng.
Xuất khẩu cà phêđã tăng 2,4% trong tháng ba tại Brazil, theo dữ liệu mới nhất. Giá đã tăng trong tháng ba trước khi giảm gần 10% trong tháng 4.
Nông dân ở Brazil cho biết họ đang tìm cách thuê ít người hơn và thu hoạch dần dần. Một số người trả lời trang Reuters rằng họ đang xem xét về việc trì hoãn thu hoạch do lo ngại về dịch bệnh.
Một số quan chức đã yêu cầu các nhà sản xuất hoãn việc thu hoạch trong ít nhất một tháng. Thu hoạch khi hạt cà phê đã khô vẫn tạo ra cà phê ngon, nhưng không phải là chất lượng xuất khẩu hàng đầu được các nhà rang xay chính tìm kiếm.
Sản xuất cà phê qui mô nhỏ tại Colombia
Tại Colombia, nơi các trang trại nhỏ và ở vùng núi, việc thu hoạch chủ yếu là thủ công và đòi hỏi nhiều lao động.
Hầu hết sản xuất ở đây được thực hiện bởi các hộ gia đình, hoặc hàng xóm có thể giúp đỡ lẫn nhau. Điều này có thể hạn chế số lượng người lao động đến từ các khu vực khác.
Liên đoàn người trồng cà phê Colombia cho biết tạm thời vẫn cần thuê công nhân để thu hoạch tuy nhiên việc đảm bảo sức khỏe, chỗ ở và di chuyển cho khoảng 150.000 công nhân cũng như chế biến cà phê và vận chuyển đúng thời hạn sẽ gây khó khăn cho người trồng.
Vào tháng 4, xuất khẩu cà phê ở Colombia đã giảm 32% so với cùng kì năm trước do các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch bệnh.
Ông Jhon Espitia, một người trồng cà phê ở Tolima, miền trung Colombia, cho biết hướng dẫn của chính phủ về cách tiến hành thu hoạch trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại vẫn chưa rõ ràng.
Giao thông vận tải trong bối cảnh dịch COVID-19
Xe tải thường được sử dụng để đưa cà phê từ các trang trại đến nhà kho ở các thành phố gần đó trước khi vận chuyển đến cảng.
Tuy nhiên, do dịch bệnh, một số tài xế nghỉ ở nhà để tránh lây nhiễm khiến số lượng xe tải có sẵn giảm đáng kể.
Ông Dean Cycon, Giám đốc điều hành của công ty rang xay cà phê tại Mỹ, Dean's Beans, cho biết từ cuộc trò chuyện của ông với các nhà cung cấp trên khắp châu Mỹ Latinh, rằng giao thông vận tải là mối quan tâm lớn nhất của họ.