|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê: Năng suất vượt trội nhờ tái canh cà phê bền vững

08:54 | 11/05/2020
Chia sẻ
Từ những mô hình của dự án VnSAT, tái canh cà phê bền vững đã trở thành phong trào tại Tây Nguyên. Diện tích tái canh tăng mạnh, năng suất cà phê vượt trội.

Từ những mô hình của dự án VnSAT, tái canh cà phê bền vững đã trở thành phong trào tại Tây Nguyên. Diện tích tái canh tăng mạnh, năng suất cà phê vượt trội.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê: Năng suất vượt trội nhờ tái canh cà phê bền vững - Ảnh 1.

Vườn cà phê nhà ông Nguyễn Văn Anh cho năng suất cao nhờ mạnh dạn tái canh.

Tái canh cho năng suất cao gấp 1,5 lần

Nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT, thông qua dự án VnSAT và các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt chú trọng đến thay thế diện tích cây già cỗi, dịch bệnh liên miên, năng suất thấp, nhằm tái canh cây cà phê bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị của ngành cà phê và được người dân khu vực Tây Nguyên tích cực hưởng ứng.

Kon Tum là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương tái canh cây cà phê, từ năm 2014, tỉnh Kon Tum đã xây dựng nhiều đề án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong tái canh cà phê bền vững. 

Tuy nhiên, thời gian đầu các doanh nghiệp và người dân trồng cà phê còn khá dè dặt tham gia triển khai. Phải đến năm 2016, khi dự án VnSAT được triển khai tại Tây Nguyên, phong trào tái canh cây cà phê mới thực sự mạnh mẽ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Anh (tổ 3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) có hơn 1ha cây cà phê già cỗi trồng cách đây 24 năm nên năng suất thấp, chất lượng quả cũng không cao. Ông quyết định phá bỏ toàn bộ vườn cà phê để trồng mới hoàn toàn.

Tuy nhiên, trồng thời gian chưa được bao lâu, vườn cà phê bị bọ cánh cứng và tuyến trùng phá hoại khiến gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. 

Sau đó ông Văn Anh xác định, muốn tái canh cây phê bền vững, gia đình phải luân canh trồng hoa màu hơn 1 năm để cải tạo đất rồi mới trồng lại cà phê.

Cùng với đó, ông Văn Anh tham gia các lớp tập huấn về cách thức cải tạo lại vườn cây già cỗi, cách ghép cây cũng như những chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV... của Ban quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) Kon Tum.

Sau 27 tháng, vườn cà phê đã cho thu bói với năng suất khoảng 14 tấn quả tươi/ha, gia đình ông thu về hơn 90 triệu đồng. 

“Năm nay, vườn cà phê được chăm sóc tốt, nguồn nước dồi dào nên năng suất ước đạt 16-17 tấn quả tươi/ha. Trước khi tái canh, vườn cà phê của gia đình chỉ đạt 9 tấn/ha” – ông Văn Anh nói.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê: Năng suất vượt trội nhờ tái canh cà phê bền vững - Ảnh 2.

Tái canh chỉ trong 2 năm đã cho thu bói

Trong khi đó, vườn cà phê 0,5 ha của gia đình nhà ông Nguyễn Thành Chung (tổ 8, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) được xem là kiểu mẫu trong mô hình tái canh. Năm 2016, ông Chung quyết định tái canh vườn cà phê già cỗi trồng cách đây hơn 30 năm. 

Ngay khi tái canh, gia đình ông Chung được dự án VnSAT Kon Tum hỗ trợ về cây giống, phân bón và thuốc BVTV cũng như quy trình tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê theo hướng bền vững.

Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông Chung đã cho thu hoạch với năng suất khoảng gần 20 tấn quả tươi/ha. “So với vườn cây cà phê già cỗi trước đây chỉ đạt khoảng 11 tấn/ha, rõ ràng việc tái canh mang lại hiệu quả cao” – ông Chung cho biết.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, tính đến hết năm 2019, tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đạt 21.629 ha, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 15.545 ha,.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.180 ha cây cà phê già cỗi (trong đó có 1.430 ha cà phê vối và 750 ha cà phê chè). Trong khi đó, diện tích tái canh cà phê từ năm 2014-2019 đạt 1.208,15 ha (trong đó 1.132,75 ha cà phê vối; 75,4 ha cà phê chè).

Huyện Đăk Hà được xem là thủ phủ cà phê chiếm trên 50% diện tích cà phê toàn tỉnh Kon Tum. Việc tái canh cây cà phê của huyện Đăk Hà những năm trước gặp rất nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của ngành nông nghiệp và người dân những vườn cà phê già cỗi đang dần được thay thế bằng những vườn cà phê trẻ, giống mới, năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Hà cho biết, từ các mô hình điển hình về tái canh cây cà phê của dự án VnSAT, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp mạnh dạn tái canh vườn cà phê, đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài. 

Cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn, đến nay phong người dân đã hào hứng với việc tái canh.

Nhân rộng mô hình tái canh bền vững

Tại tỉnh Đăk Lăk, với quy trình tái canh mới được dự án VnSAT hỗ trợ, chỉ sau 2 năm tái canh, người trồng cà phê ở Đăk Lăk đã có thể thu bói và sau 3 năm thì bước vào vụ thu chính. 

Người dân khắp các địa phương của tỉnh Đăk Lăk tin tưởng vào những lứa cà phê tái canh và mô hình tái canh này sẽ sớm được nhân ra diện rộng, mang lại cuộc sống ấm no, giàu có cho họ. 

Có thể nói đây là kết quả thiết thực nhất, bằng chứng thuyết phục nhất để bà con đẩy mạnh nhân rộng mô hình tái canh cà phê bền vững trong thời gian tới.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê: Năng suất vượt trội nhờ tái canh cà phê bền vững - Ảnh 3.

Diện tích vườn cà phê của công ty 704 (huyện Đăk Hà) phát triển tốt sau khi tái canh.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc VnSAT Đăk Lăk đánh giá: Trong giai đoạn 2016-2019, đã hỗ trợ người dân thực hiện tái canh hàng trăm ha và đạt hiệu quả cao. Nhiều mô hình đến năm thứ 2 cho thu bói và sang năm thứ 3 thì thu hoạch chính với sản lượng gấp 2 đến 3 lần cà phê cũ.

Năm 2020, dự án VnSAT sẽ hỗ trợ Kon Tum thực hiện tái canh 126 ha cà phê bền vững, tập huấn cho tấp cả các hộ dân có diện tích cà phê tái canh.

Trong khi đó, tại Kon Tum, thực hiện chủ trương tái canh cây cà phê bền vững, VnSAT Kon Tum đã thành lập điểm trình diễn về tái canh cà phê bền vững tại địa bàn 3 huyện trọng điểm cà phê là: Đăk Hà, Đăk Glei, Kon Plong. 

Các hộ dân tham gia các mô hình trình diễn tái canh cà phê để đào tạo, tập huấn được VnSAT hỗ trợ: 100% chi phí cây giống, công chỉ đạo kỹ thuật, chi phí quản lý mô hình và 50% chi phí phân bón, vôi, thuốc BVTV.

Đồng thời, VnSAT Kon Tum cũng đã hỗ trợ Chứng nhận giám sát chất lượng nhân giống cho 2 vườn ươm tư nhân tại huyện Đăk Hà (vườn ươm cây giống Quý Hà và vườn ươm cây giống Minh trưởng) và một vườn ươm tại huyện Kon Plong (vườn ươm cây giống cà phê cây chè thuộc BQL Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen) phục vụ nhu cầu nhân rộng mô hình tái canh cà phê bền vững.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong tái canh cà phê bền vững giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, phân bón… góp phần sản xuất cà phê bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái.

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê: Năng suất vượt trội nhờ tái canh cà phê bền vững - Ảnh 5.

Vườn cà phê tái canh cho năng suất cao hơn khoảng 1,5 lần

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, để xây dựng quy trình tái canh cà phê bền vững, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp tổng hợp, từ việc tạo cây giống sạch bệnh, xử lý đất, khử nấm bệnh… 

Hiện các hộ dân trồng cà phê vẫn có tâm lý chưa mạnh dạn phá bỏ vườn cây cà phê già cỗi vì trong thời gian tái canh không có nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, muốn đẩy mạnh nhân rộng mô hình tái canh, cần điều chỉnh chương trình cho vay vốn tái canh cà phê làm sao thật sự hấp dẫn nông dân. Phát triển cà phê còn chưa theo quy hoạch, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ manh mún. 

Cơ sở hạ tầng như sân phơi, nhà kho, thiếu thiết bị chế biến... còn yếu. Công tác thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu sự gắn kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ....

Tại Hội nghị Đánh giá kết quả tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 và định hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Cà phê là cây chủ lực của nông sản Việt Nam, nằm trong TOP loại nông đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm.

Cây cà phê phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và ngoài yếu tố sinh kế của người dân, nông sản này còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng này. Việc tái canh không phải là một giai đoạn nhất định mà là thường xuyên.

Tuấn Anh - Đăng Lâm