Tiêu thụ cà phê tại Trung Quốc tăng trưởng nhanh ảnh hưởng như thế nào tới Brazil?
Cà phê đang dần trở nên phổ biến tại Trung Quốc với mức tiêu thụ tăng khoảng 18% mỗi năm, theo trang Diálogo Chino.
Trung Quốc chủ yếu sản xuất cà phê tại tỉnh Vân Nam, nơi diện tích trồng đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua. Nhưng nhu cầu ngày càng tăng đòi hỏi Trung Quốc phải nhập khẩu hơn 50% sản lượng cà phê tiêu thụ.
Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu cà phê chính sang Trung Quốc, tiếp theo là Brazil, chiếm 10% lượng nhập khẩu. Xuất khẩu cà phê Brazil sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm, từ khoảng 85.000 bao trong năm 2015 lên 171.000 bao vào năm 2019.
Không giống như đậu nành và thịt, hai mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Brazil, ngành cà phê đã phát triển và thực hiện các hoạt động bền vững trong suốt 20 năm, ông Luís Fernando Guedes Pinto, giám đốc chính sách công tại Imaflora, một tổ chức phi chính phủ chuyên về nông - lâm nghiệp bền vững cho biết.
Tuy nhiên, sản xuất cà phê không tránh khỏi việc gây thiệt hại cho môi trường. Tác động lớn nhất đến từ việc sử dụng hóa chất nông nghiệp.
"Sản xuất cà phê qui mô lớn có xu hướng nhiễm nhiều sâu bệnh hơn và do đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu cũng sẽ nhiều hơn", theo bà Leticia Rodrigues da Silva, cựu giám đốc tại Cơ quan Giám sát Dịch tễ Quốc gia (ANVISA) của Brazil .
Bước ngoặt của ngành cà phê Trung Quốc
Bước ngoặt của ngành cà phê bắt đầu từ năm 1999, khi Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc. Ngày nay, Starbucks đã mở hơn 4.100 cửa hàng tại nước này, chỉ đứng sau Mỹ.
Năm 2017, cà phê Luckin nổi lên. Hiện chuỗi cà phê này có khoảng 2.400 cửa hàng và mở thêm 200 - 300 cửa hàng mới mỗi tháng.
"Trung Quốc vẫn là một quốc gia gắn liền với văn hóa uống trà, tuy nhiên ngày nay nhiều sinh viên và công nhân từ nước ngoài trở về dần chuyển sang thói quen uống cà phê", ông Sofya Bakhta, một nhà phân tích marketing tại công ty Daxue nhận định.
Mặc dù canh tác cà phê phần lớn tuân thủ các quy định về môi trường, nhưng loại cây trồng này (chủ yếu có nguồn gốc châu Phi) là nguyên nhân chính của nạn phá rừng khu vực rừng Đại Tây Dương.
Ngày nay, chỉ còn 7% diện tích rừng nguyên thủy. Cà phê là cây trồng chính gây ra nạn phá rừng ở Đông Nam Brazil, đặc biệt là vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Hiện nay, các đồn điền cà phê trong khu vực này phải dành ra 20 - 35% diện tích đất trồng làm khu vực dự trữ hợp pháp. Cà phê cũng được sản xuất tại Amazon, chủ yếu ở bang Rondonia, nơi các khu vực dự trữ chiếm 50 - 80% tổng diện tích đất trồng.
Nhiều đồn điền trong số này có khu đất dự trữ thậm chí lớn hơn so với pháp luật yêu cầu, điều này cho phép họ trồng thêm cây nếu nhu cầu tăng.
Theo ông Nelson Carvalhães, chủ tịch Hội đồng Các nhà xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFÉ), điều này không đáng lo ngại vì nông dân đang tập trung vào việc tăng năng suất hơn là diện tích trồng.
"30 năm trước, Brazil có 6 triệu ha đất trồng và thu hoạch 17 triệu bao cà phê. Hiện nay chúng tôi có 2,1 triệu ha và sản xuất hơn 60 triệu bao", ông Nelson cho biết.
Tiềm năng của cà phê hữu cơ
Mặc dù ngành cà phê Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ công nghệ, tuy nhiên vẫn tồn tại tình trạng sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp. Sáng kiến trồng cà phê hữu cơ được cho là có tiềm năng lớn.
Một nghiên cứu năm 2018 của Liên đoàn Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (CNA) chỉ ra rằng 88% người trồng cà phê báo cáo về việc sử dụng một số loại hóa chất nông nghiệp trong quá trình trồng và chăm sóc cây.
Sự phê chuẩn các sản phẩm hóa học cho canh tác hữu cơ đã tăng lên trong những năm qua (từ ba sản phẩm trong năm 2011 lên đến 12 sản phẩm trong năm 2019), số lượng thuốc trừ sâu độc hại cũng đang tăng nhanh.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thực phẩm Brazil, 2.263 sản phẩm được phê duyệt để sử dụng cho cà phê.
Trong đó, 82 được coi là cực kì nguy hiểm và 1.012 rất nguy hiểm cho môi trường. Về vấn đề sức khỏe con người, 131 hóa chất được coi là cực kì độc hại. Trên thực tế, một số sản phẩm đã được phê duyệt mà không có phân tích đầy đủ từ ANVISA.
"Nếu một sản phẩm đã được kiểm định trong 4 năm, nó có thể được tung ra thị trường và điều này có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng", theo bà Rodrigues Silva, cựu giám đốc của ANVISA.