Xuất khẩu cà phê tương đối ổn định, nhập khẩu ngưng trệ do đại dịch COVID-19
Xuất khẩu cà phê trong nửa đầu năm 2019 - 2020 đạt 61,96 triệu bao, giảm 3,9% so với 64,5 triệu bao trong năm 2018 - 2019, trong đó các lô hàng cà phê arabica giảm 7,8% xuống 38,6 triệu bao trong khi xuất khẩu robusta tăng 3,2% lên 23,36 triệu bao.
Brazil
Xuất khẩu từ Brazil trong tháng 3 tăng 0,2% lên 3,12 triệu bao do giá cà phê của nước này tăng mạnh cũng như đồng real mất giá so với đồng USD. Xuất khẩu của Brazil trong 6 tháng đầu năm giảm 10,9% xuống còn 19,6 triệu bao, phần lớn là do sản lượng cà phê arabica giảm khi kết thúc mùa vụ chu kì hai năm một lần.
Tuy nhiên, xuất khẩu trong toàn bộ vụ mùa năm nay, kết thúc vào tháng 3, đạt 40,11 triệu bao, cao hơn 6% so với năm trước. Phần lớn sự tăng trưởng trong xuất khẩu xảy ra trong nửa đầu năm nhờ việc bán dự trữ từ vụ thu hoạch kỉ lục trong năm 2018 - 2019.
Ngoài ra, các lô hàng robusta xanh tăng 40,5% lên 4,1 triệu bao trong khi xuất khẩu arabica tăng 2,8% lên 31,97 triệu bao. Sau khi sụt giảm trong năm 2017 - 2018, xuất khẩu cà phê hòa tan đã tăng trưởng trong hai năm qua, tăng 5,5% lên 4,01 triệu bao trong năm nay.
Colombia
Xuất khẩu của Colombia trong tháng 3 giảm 20,9% xuống 903.000 bao, khiến tổng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 6,81 triệu bao, thấp hơn 4,7% so với cùng kì năm ngoái.
Sự sụt giảm trong xuất khẩu chủ yếu là do sản lượng giảm trong quí II. Theo Liên đoàn những người trồng cà phê ở Colombia (FNC), sản lượng trong 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6,1% lên 7,41 triệu bao.
Tuy nhiên, phần lớn sự gia tăng này xảy ra trong quí đầu tiên khi sản lượng tăng 24,1% lên 4,56 triệu bao trong khi sản lượng trong quý II giảm 13,8% xuống 2,86 triệu bao.
Sản lượng thấp hơn đã hỗ trợ cho giá cà phê của Colombia tăng trong tháng 3 bất chấp sự mất giá của đồng peso so với đồng USD.
Các quốc gia khác
Xuất khẩu từ Việt Nam trong tháng 3 ước tính giảm 2% xuống còn khoảng 2,5 triệu bao và trong 6 tháng đầu năm giảm 3,7% xuống 13,65 triệu bao so với cùng kì năm trước. Những thiệt hại kéo dài của giá cà phê robusta trong mùa này có thể khiến nông dân không muốn bán cà phê.
Xuất khẩu từ Indonesia trong tháng 3 tăng 11,9% lên 535.000 bao và trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh 54,1% lên 3,12 triệu bao mặc dù sản lượng thấp hơn đáng kể trong mùa này.
Tổng xuất khẩu của Indonesia trong niên vụ này (từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020) tăng 60% lên 7,55 triệu bao so với 4,72 triệu bao năm ngoái. So với hai năm trước, xuất khẩu cà phê hòa tan tăng gấp đôi lên 2,78 triệu bao.
Các lô hàng từ Honduras giảm khoảng 7% xuống còn 750.000 bao trong tháng 3 và giảm 2,3% xuống còn 2,75 triệu bao trong 6 tháng đầu năm. Ghi nhận tháng 1 là tháng duy nhất xuất khẩu của quốc gia này tăng.
Giá tiếp tục ở mức thấp và đối với các hộ sản xuất qui mô nhỏ, mức giá này con dưới giá thành sản xuất cũng như hạn hán ở một số trang trại đã ảnh hưởng đến sản lượng trong mùa này sau vài năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Tiêu thụ cà phê giảm
Nhập khẩu của các thị trường chính đạt tổng cộng 40,56 triệu bao trong 4 tháng đầu năm, thấp hơn 9,4% so với cùng kì.
Nhập khẩu tất cả các loại cà phê đã giảm trong giai đoạn này. Nhập khẩu cà phê xanh giảm 3,7% xuống còn 31,73 triệu bao. Nhập khẩu cà phê chế biến, chiếm 21,8% trong tổng nhập khẩu, cũng xuất hiện mức giảm. Nhập khẩu cà phê rang giảm 22,5% xuống 5,39 triệu bao và cà phê hòa tan giảm 28,8% xuống 3,44 triệu bao.
Vào tháng 1, nhập khẩu cho các nước tiêu thụ chính đã giảm 25,2% xuống còn 8,71 triệu bao, tuy nhiên vẫn lớn hơn so với nhập khẩu của Liên minh châu Âu và Mỹ trong năm 2018 - 2019.
Ngoài ra, việc tăng giá đột ngột từ cuối tháng 11 đến tháng 12/2019 có thể đã khiến các nhà nhập khẩu trì hoãn việc mua thêm.
Trong khi tiêu thụ trong năm 2018 - 2019 tại châu Âu tăng 4,9%, tại Bắc Mỹ tăng 5,7%, nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019 - 2020 cho thấy tăng trưởng nhu cầu không có khả năng duy trì ở ngưỡng này, thay vào đó sẽ tiến gần hơn đến mức trung bình dài hạn.
Năm 2019 - 2020, tiêu thụ cà phê thế giới ước tính đạt 166,06 triệu bao, tăng 0,5%. Nhiều quốc gia đã đình chỉ các hoạt động không thiết yếu và đưa ra các biện pháp cách ly xã hội, điều này tác động tiêu cực đến việc tiêu thụ cà phê ngoài hộ gia đình.
Ngoài ra, vấn đề mất việc làm có thể làm giảm nhu cầu, đặc biệt đối với người tiêu dùng không có thói quen uống cà phê. Theo ước tính sửa đổi, thặng dư cung cầu có thể đạt 1,95 triệu bao trong năm nay.
Sản lượng của năm 2019 - 2020 không thay đổi do phần lớn vụ thu hoạch xảy ra trước đại dịch toàn cầu. Thay vào đó, sản xuất trong năm 2020 - 2021 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng khi vụ thu hoạch bắt đầu tại các quốc gia như Brazil.