|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đà tăng vũ bão của chứng khoán Mỹ có thể khựng lại vì rủi ro địa chính trị

23:50 | 20/02/2024
Chia sẻ
Địa chính trị là một trong những cụm từ được các doanh nghiệp Mỹ nhắc nhiều nhất trong mùa báo cáo tài chính hiện tại. Bất ổn ở Trung Đông có thể khơi lại cơn ác mộng lạm phát và đè nặng lên lợi nhuận doanh nghiệp.

Bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

 

Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã lên tiếng cảnh báo rằng cuộc chiến ở Trung Đông đang gây rủi ro lớn cho thu nhập của các công ty Mỹ, khi doanh số bán hàng bị ảnh hưởng bởi động thái tẩy chay của người tiêu dùng và tình trạng gián đoạn vận tải ở Biển Đỏ đe doạ chuỗi cung ứng.

Theo phân tích của Bloomberg từ hàng trăm báo cáo tài chính, những cơn gió ngược nói trên có thể gây nguy hiểm cho đà tăng kỷ lục của thị trường chứng khoán Mỹ. Mới nửa đầu quý I/2024, số lượt nhắc đến Biển Đỏ hoặc “địa chính trị” đã gần bằng tổng của ba tháng trước đó.

Kỳ vọng về lợi nhuận 12 tháng tới của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đang ở mức cao kỷ lục, cho thấy giới phân tích đang rất lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng vượt mong đợi và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ hạ lãi suất.

Bất kỳ mối đe doạ nào đối với lợi nhuận doanh nghiệp hoặc dấu hiệu cho thấy lạm phát tăng trở lại đều có thể ảnh hưởng đến đợt tăng đã kéo dài vài tháng qua. S&P 500 vừa phá mốc 5.000 điểm vào đầu tháng 2.

Giá dầu thô đã bật tăng trong năm nay, một phần do nhà đầu tư lo ngại rằng chiến sự giữa Israel và Hamas có thể trở thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Giữa lúc đó, các tàu chở hàng đang phải tránh đi qua Biển Đỏ và Kênh đào Suez sau khi bị phiến quân Houthi tấn công như một động thái phản đối hành động của phía Israel.

Chia sẻ với Bloomberg, bà Nicole Kornitzer - nhà quản lý danh mục tại Buffalo International Fund thuộc Kornitzer Capital Managment - cho hay: “Địa chính trị là một rủi ro.

Nếu căng thẳng tiếp tục, biên lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng và áp lực lạm phát có thể gia tăng khi chi phí đi lên. Kịch bản này chưa được đưa vào đánh giá của các nhà phân tích”.

Gần đây, Bank of America đã thực hiện một cuộc khảo sát với các nhà quản lý quỹ. Kết quả cho thấy nhà đầu tư đang coi địa chính trị là rủi ro lớn thứ hai sau lạm phát, dù hai mối nguy này có liên hệ với nhau.

Họ dự đoán nếu căng thẳng ở Biển Đỏ hoặc Trung Đông leo thang hơn nữa, giá dầu thô và cước vận tải đều có thể sẽ tiếp tục tăng.

Tại châu Âu, nhà sản xuất đồ uống có cồn Heineken cho biết kinh tế vĩ mô và địa chính trị vẫn sẽ là yếu tố khó đoán có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Adidas chia sẻ rằng bất ổn ở Biển Đỏ khiến chi phí chuỗi cung ứng của công ty này tăng cao trong ngắn hạn. Hồi tháng 1, hãng xe điện Tesla thông báo tạm ngưng hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Đức với lý do gián đoạn nguồn cung.

 

Nhà cung cấp thiết bị y tế ResMed cho biết xung đột ở Trung Đông đang khiến giá cước và thời gian vận chuyển hàng tăng lên. Gã khổng lồ công nghệ thông tin và kết nối mạng Cisco System cũng cho biết chi phí vận tải biển đang đi lên.

Công ty hoá chất Albemarle, nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris International và nhà cung cấp dịch vụ đường sắt CSX là một vài trong những doanh nghiệp thuộc S&P 500 đang theo dõi tình hình ở Biển Đỏ.

Tuy nhiên, một số công ty lại được hưởng lợi từ bất ổn địa chính trị, Bloomberg lưu ý.

Royal Vopak của Hà Lan nhận thấy nhu cầu của các doanh nghiệp khác đối với hệ thống kho bãi của công ty đang khởi sắc, nguyên nhân bắt nguồn từ gián đoạn ở Biển Đỏ và diễn biến khó lường của thị trường dầu mỏ.

Cổ phiếu của các ông lớn vận tải biển như A. P. Moller-Maersk bật tăng sau khi các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu chở hàng qua Biển Đỏ kéo giá cước đi lên.

Giữa lúc đó, nhiều khách hàng ở Trung Đông cũng như ở các quốc gia Hồi giáo như Pakistan đang tránh xa những thương hiệu lớn của nước ngoài do tức giận với Mỹ và châu Âu vì không thúc giục Israel chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza. Điều này đã đè nặng lên lợi nhuận của một số doanh nghiệp lớn tại Mỹ.

Doanh thu quý IV của chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s không được như kỳ vọng của nhà đầu tư, một phần bị ảnh hưởng bởi các cuộc tẩy chay của người tiêu dùng.

McDonald’s không kỳ vọng rằng doanh thu ở Trung Đông sẽ cải thiện khi mà cuộc chiến chưa có hồi kết. Chuỗi cà phê Starbucks cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngay cả công ty công nghệ Snap cũng xem cuộc xung đột là một cơn gió ngược.

Ông Rajeev De Mello, nhà quản lý danh mục đầu tư vĩ mô tại GAMA, cho hay: “Địa chính trị là rủi ro đuôi có tác động lớn nhất đến thị trường trong ngắn hạn”.

Khả Nhân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.