Đã đến thời của bác sĩ trực tuyến?
Đi cùng Vũ Thanh Long, một sinh viên ngoại tỉnh, trên những chuyến xe nhồi nhét từ quê lên thành phố, không khi nào thiếu những người già, trẻ nhỏ lếch thếch cắp theo nào là chiếu cói, áo quần, cơm nắm... để lên thành phố khám chữa bệnh.
Hình ảnh này ám ảnh Vũ Thanh Long và là một trong những lý do để anh phát triển ứng dụng công nghệ rút ngắn khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ trong khám chữa bệnh mang tên eDoctor. Cũng phát triển trên ý tưởng này còn có các mô hình Alobacsi, Vicare, HelloBacsi…, ứng dụng công nghệ được phát triển để lấp đầy các lỗ hổng dịch vụ trên thị trường y tế ngày một nhiều. Thay vì theo cách truyền thống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kiểu mới như tìm kiếm dữ liệu, tra cứu thông tin bệnh lý, đặt phòng khám... đều đã lên online.
Bước sang năm thứ 7 hoạt động theo hình thức cổng thông tin hỏi đáp trực tuyến giữa bác sĩ - bệnh nhân, alobacsi.com là một trong những mô hình kết hợp được hai thành tố “công nghệ” và “y tế”. Mỗi ngày, trang web này nhận được hơn 500 câu hỏi qua nhiều kênh: gọi điện, mạng xã hội Facebook, Zalo, email... để tìm hiểu đủ bệnh từ dinh dưỡng, ung thư, đột quỵ, tiêu hóa...
“Mô hình này hoạt động được nhờ kết nối trực tiếp với hơn 300 bác sĩ. Luôn có 20 nhân viên trực luân phiên tại Công ty để trả lời bạn đọc. Còn những bác sĩ khác thì cộng tác tùy vào chuyên môn”, chị Thái Dung, Giám đốc dự án alobacsi.com, cho biết.
Thực tế, nhiều mô hình tương tự đã ra đời nhưng phải sớm rút khỏi cuộc đua vì kết nối với các bác sĩ không phải dễ, nhất là với những bác sĩ nổi tiếng, giỏi chuyên môn. “Bác sĩ ai cũng bận rộn. Các bác sĩ trẻ thì muốn dành thời gian trau dồi kinh nghiệm ở bệnh viện. Còn bác sĩ lớn tuổi, giàu kinh nghiệm, đã nghỉ hưu thì lại gặp khó khăn khi sử dụng công nghệ”, anh Vũ Thanh Long, Giám đốc dự án eDoctor, chia sẻ khó khăn khi theo đuổi mô hình này.
Có thể thấy, dù trên môi trường internet “ảo”, nhưng các mô hình hỏi đáp về sức khỏe phải làm việc nghiêm túc không kém các bệnh viện, phòng khám thật để gầy dựng uy tín. “Có những lần chúng tôi phải tổ chức đưa đón bác sĩ gặp nhau để hội chẩn. Có ngày alobacsi hướng dẫn, cử nhân viên làm thủ tục cho 20-50 ca bệnh trong những trường hợp nguy cấp để nhập/chuyển viện theo sự hướng dẫn của bác sĩ”, chị Dung kể.
Thông thường, chỉ những dịch vụ nâng cao (như tư vấn trực tiếp qua điện thoại với bác sĩ) thì người dùng mới phải trả phí. Còn chỉ hỏi đáp trực tuyến đơn thuần, sau 24-48 giờ, bệnh nhân sẽ có câu trả lời hoàn toàn miễn phí. Nhiều người đặt câu hỏi làm sao các mô hình này sống được?
Cho đến nay, đa phần các mô hình y tế trực tuyến đang sống bằng quảng cáo. Các công ty dược, sữa, dinh dưỡng, thực phẩm, làm đẹp... đều chi kinh phí quảng cáo trên những dịch vụ y tế trực tuyến có lượt truy cập cao. Ở một số mô hình, những nguồn thu khác còn đến từ tư vấn truyền thông cho các phòng khám, bệnh viện, tổ chức offline các hoạt động khám chữa bệnh...
“Chúng tôi vừa mở dịch vụ xét nghiệm tận nhà, một hình thức của bác sĩ gia đình. Một phần đem thêm doanh thu, một phần hướng đến một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe cho người dùng, phòng bệnh hơn chữa bệnh”, anh Thanh Long cho biết.
Samsung cũng hướng đến mục tiêu này khi đã đặt ra mức lợi nhuận 9,2 tỉ USD trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vào năm 2020 thông qua hệ sinh thái mà hãng xây dựng. Đáng chú ý, eDoctor là cái tên được Samsung để mắt đến để đưa vào hệ sinh thái của hãng.
Dịch vụ tư vấn y tế qua internet đang thu hút nhiều startup. Ảnh: eDoctor cung cấp
Tuy vậy, hoạt động trong một lĩnh vực nhạy cảm như y tế, có những rào cản vô hình mà các doanh nghiệp cần xác định để không vì lợi nhuận mà đi trái với mục tiêu ý nghĩa ban đầu. Các bác sĩ, phòng khám được giới thiệu cho người bệnh phải được kiểm định về chất lượng, trung lập để không trở thành những tay “cò y tế trực tuyến”; bảo mật thông tin người bệnh chặt chẽ hoặc không “bán rẻ” cho những đơn vị cần nó.
Tất nhiên, thị trường y tế trực tuyến của Việt Nam không thể so với những thị trường như Mỹ hay châu Âu, nơi ý thức khám chữa bệnh cao. Thị trường y tế trực tuyến của Việt Nam còn nhiều dư địa, nhưng chỉ có chỗ cho các nhà đầu tư chịu lỗ được, cầm cự để giành thị phần. Alobacsi chỉ hòa vốn và có lời từ năm thứ 4, còn tân binh 2 tuổi eDoctor cho biết vẫn đang trong giai đoạn “đốt” tiền chứ chưa có lợi nhuận.
Những mô hình hỏi-đáp hoạt động theo giấy phép tư vấn. Dù không đưa ra toa thuốc, nhưng dựa trên triệu chứng, bác sĩ thường mô tả lại bệnh, giải thích chi tiết, rồi hướng dẫn bệnh nhân cần làm gì tiếp theo. Không thay thế hoàn toàn việc khám chữa bệnh truyền thống, các mô hình mới này chỉ giúp người bệnh nắm được tình trạng sức khỏe để có hướng giải quyết cụ thể.
Bộ máy vận hành tinh gọn là đặc điểm chung của những công ty khởi nghiệp trong mảng y tế trực tuyến. Ngoài nhân viên kỹ thuật (tỉ lệ khá cao để vận hành trang web, ứng dụng di động), thì bộ phận biên tập, trực tiếp làm việc với bác sĩ cũng quan trọng không kém.
“Có khi 10h tối, biên tập viên của chúng tôi còn ở nhà bác sĩ để đánh máy câu trả lời. Thao tác nhanh, có kinh nghiệm và hiểu những từ ngữ chuyên môn bác sĩ thường dùng là yêu cầu của vị trí này”, chị Dung kể.
Không ít startup về y tế mọc lên nhưng chỉ có số ít nhận được vốn từ quỹ đầu tư để tiếp tục tồn tại. Trả lời báo chí, đại diện của CyberAgent Ventures, đơn vị rót vốn vào Vicare (startup về tra cứu dữ liệu bệnh, danh bạ cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, đặt lịch khám), nhận định lĩnh vực này còn nhiều tiềm năng khi điều kiện y tế nước ta đang quá tải, thiếu thốn cơ sở vật chất, số lượng bệnh, tỉ lệ bác sĩ, chuyên gia/dân số còn thấp.
Khó khăn dễ thấy mà Vicare cũng như các mô hình khác gặp phải là tập hợp, chọn lọc được những thông tin giá trị từ thị trường y tế còn rời rạc và thuyết phục người dùng sử dụng các dịch vụ trực tuyến thay vì truyền thống.
Những thị trường ngách còn nhiều dịch vụ: Zinmed; HealthFamily.co; Sokhambenh.vn…
Một số nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu gia nhập thị trường y tế trực tuyến của Việt Nam. Điển hình như GlobeDr với trang bacsitoancau.com, Hello Health Group với Hellobacsi.com.
Gia nhập từ tháng 9.2015, Hellobacsi.com hoạt động như một chuyên trang về thông tin sức khỏe, dược phẩm, sống khỏe…Trang web này thể hiện ý định hoạt động lâu dài khi đầu tư mạnh cho nguồn nhân lực xây dựng nội dung cho trang. Mỗi bài viết trên trang này được viết và kiểm tra qua 6 bước, có cả bác sĩ chuyên môn để đảm bảo tính chính xác. Lượng bài tổng hợp, bài dịch hay bài tự viết được đăng tải lên trang khoảng 1.000 bài/tháng qua 16 kênh thông tin.
“Ở nước ngoài, chúng tôi dễ tiếp cận những nguồn thông tin chính thống khi có vấn đề sức khỏe. Còn tại những nước đang phát triển như Việt Nam, thông tin y tế tuy nhiều nhưng thiếu chính xác và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Đây là một thị trường mở với chúng tôi”, Chris Clarke, Giám đốc quản lý dự án, cho biết.
Ngoài những dịch vụ đã có, những mô hình đang ăn nên làm ra nhờ công thức “công nghệ + y tế” còn dư địa lớn và nhiều đường đi. Tiến vào những thị trường ngách còn nhiều dịch vụ như: Zinmed (giải pháp quản lý điều trị bệnh tiểu đường thông qua ứng dụng di động và điện toán đám mây); HealthFamily.co (quản lý tủ thuốc, thông tin bệnh án, theo dõi sức khỏe các thành viên gia đình); Sokhambenh.vn (giúp người dùng tự tạo hồ sơ, lưu trữ thông tin sức khỏe, hình ảnh về bệnh, đơn thuốc); Babyme.vn cung cấp thông tin nuôi dạy con trong giai đoạn quan trọng nhất về phát triển trí não, thể chất của trẻ...
Những mô hình y tế thành công trên toàn cầu như WebMD, ZocDoc, Healthgrades… đã minh chứng cho nhu cầu có thực của thị trường dịch vụ y tế trực tuyến. Chẳng hạn, BCC Research dự báo doanh thu toàn cầu cho lĩnh vực ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên di động sẽ đạt 21,5 tỉ USD vào năm 2018, trong đó, châu Âu là thị trường lớn nhất.
Tại Việt Nam, dịch vụ y tế trực tuyến bắt đầu trở thành thị trường cạnh tranh. Dù khốc liệt với các doanh nghiệp nhưng cuộc chiến này lại đem đến nhiều cơ hội cho người bệnh, vốn cần nhiều sự quan tâm và sẵn sàng chi tiền để có được những dịch vụ xứng đáng.