Đã có 80 nước nhờ Quỹ Tiền tệ Quốc tế giải cứu khẩn cấp
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra suy thoái toàn cầu trong năm 2020, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, nhưng nền kinh tế thế giới sẽ hồi phục trong năm 2021, đài CNA ngày 24-3 đưa tin.
IMF kêu gọi đoàn kết toàn cầu
Phát biểu hôm 23-3, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành IMF hoan nghênh các khoản hỗ trợ tài chính của các nước để tăng cường hệ thống y tế, bảo vệ các công ty và người lao động, cũng như quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ mà nhiều ngân hàng trung ương đã thực hiện.
Tuy nhiên theo bà Georgieva "thậm chí cần nhiều hơn (các biện pháp hỗ trợ - PV), đặc biệt là trên mặt trận ngân sách".
Bà Georgieva công bố báo cáo triển vọng toàn cầu mới sau một hội nghị trực tuyến với những người đứng đầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bà cho biết những quan chức trên thống nhất rằng cần phải đoàn kết toàn cầu để ứng phó với tình huống hiện nay.
"Tổn thất về người do đại dịch COVID-19 đã là vô cùng lớn và tất cả các quốc gia cần hành động cùng nhau để bảo vệ người dân và hạn chế những thiệt hại về kinh tế", bà Georgieva nhấn mạnh.
Trong dự báo được công bố hôm 23-3, Giám đốc Điều hành IMF dự đoán có khả năng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, trong đó "cuộc suy thoái này ít nhất sẽ tồi tệ như cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (năm 2008-2009 - PV) hoặc thậm chí là tồi tệ hơn".
Hồi đầu tháng 3, bà Georgieva từng dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, thấp hơn mức 2,9% của năm 2019 nhưng không dự báo về khả năng suy thoái.
Tuy nhiên bà Georgieva tự tin nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021, nhưng để làm được điều này, từng quốc gia phải ưu tiên việc khống chế dịch bệnh và tăng cường hệ thống y tế.
"Các tác động kinh tế đang và sẽ trở nên nghiêm trọng nhưng nếu virus bị chặn đứng càng sớm, sự phục hồi sẽ diễn ra càng nhanh chóng và mạnh mẽ", bà lưu ý.
Đã có 80 nước nhờ IMF giải cứu khẩn cấp
Bà Georgieva cũng cho biết IMF sẽ tung ra một loạt các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Có 80 quốc gia đã yêu cầu hỗ trợ và IMF đã sẵn sàng triển khai các biện pháp trong khả năng của mình, cho các nước vay tổng số tiền lên tới 1.000 tỉ USD.
Theo IMF, các nền kinh tế phát triển có lợi thế hơn trong việc đối phó với dịch COVID-19, trong khi các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm cả việc dòng vốn đầu tư từ nước ngoài bị rút sang thị trường khác.
Các nhà đầu tư đã rút tổng cộng 83 tỉ USD vốn đầu tư khỏi các thị trường mới nổi kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu. Theo bà Georgieva, đây là dòng rút vốn lớn nhất từng được ghi nhận.
IMF đặc biệt quan tâm tới các quốc gia có thu nhập thấp và đang gặp khó khăn vì nợ nước ngoài. Bà Georgieva cho biết IMF đang hợp tác chặt chẽ với các nước này để giải quyết mối lo ngại trên.
Định chế tài chính này cũng kêu gọi các thành viên đóng góp ngân quỹ để bổ sung vào Quỹ tín thác của IMF về ngăn chặn và cứu trợ thảm họa để giúp đỡ các nước nghèo nhất.
Giám đốc Điều hành IMF cho biết định chế này đang xem xét các lựa chọn khác để hỗ trợ các nước thành viên.
Một số quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đã yêu cầu sử dụng "quyền rút vốn đặc biệt" - một quy định được ban hành từ năm 1969 cho phép các nước bổ sung vào tài sản dự trữ quốc gia - giống như đã làm trong cuộc suy thoái kinh tế cách đây một thập kỷ.
Bà Georgieva nói các thành viên IMF cũng cần thêm nhiều hơn việc trao đổi hạn mức tín dụng chéo với các nền kinh tế mới nổi để giải quyết khủng hoảng toàn cầu.
Thậm chí, IMF còn xem xét khả năng tạo ra mạng lưới trao đổi hạn mức tín dụng chéo rộng hơn với sự tham gia điều tiết của định chế tài chính này.
Theo CNA, các phát biểu trên của bà Georgieva được đưa ra khi dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục lây nhanh với hơn 337.500 người nhiễm bệnh và hơn 14.600 bệnh nhân đã tử vong.