|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Đà bán ròng của khối ngoại suy giảm, tự doanh CTCK mua ròng trở lại phiên 13/2

17:55 | 13/02/2020
Chia sẻ
Thống kê giao dịch trong phiên 13/2, tự doanh CTCK trở lại mua ròng 22 tỉ đồng, trong khi đó, đà bán ròng của khối ngoại suy giảm còn 13 tỉ đồng toàn thị trường.

Đà bán ròng suy giảm, khối ngoại bán ròng 13 tỉ đồng toàn thị trường

Lực mua dần gia tăng về cuối phiên tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp các chỉ số lần lượt lấy lại sắc xanh. Kết phiên, VN-Index tăng 0,56 điểm (0,06%) xuống 938,24 điểm; HNX-Index giảm 0,29% xuống 108,19 điểm; UPCoM-Index tăng 0,47% lên 56,17 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường đạt 233,7 triệu đơn vị tương ứng giá trị 4.031 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE đóng góp 768 tỉ đồng.

Điểm nhấn thị trường hôm nay là nhóm dệt may với thông tin tích cực hỗ trợ. Hai mã STK, FTM đóng cửa tại giá cao nhất phiên, các mã còn lại đều tăng đáng kể.

Về giao dịch của khối ngoại trong phiên, trên sàn HOSE, đà bán ròng của khối ngoại giảm còn 23,2 tỉ đồng với khối lượng 2,6 tỉ đồng. Áp lực bán ròng tập trung tại giao dịch cổ phiếu với giá trị 29,23 tỉ đồng trong khi mua ròng chứng chỉ quĩ ETF nội 6 tỉ đồng.

Đà bán ròng suy giảm, khối ngoại tập trung gom cổ phiếu dệt may sau EVFTA - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp

Top 10 cổ phiếu bị bán ròng trong phiên, mã STK dẫn đầu với giá trị 13,14 tỉ đồng, theo sau đó là CTG (13,07 tỉ đồng). Cùng chiều, khối ngoại xả dưới 10 tỉ đồng cổ phiếu MSN (8,71 tỉ đồng), KBC (7,19 tỉ đồng), HPG (7,12 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu NBB (6,71 tỉ đồng), NVL (6,48 tỉ đồng), POW (5,5 tỉ đồng), cuối cùng là FRT và STB. Trước áp lực bán ròng từ NĐT nước ngoài, cổ phiếu MSN, HPG, STB đóng cửa giảm điểm và POW dừng ở giá tham chiếu, tuy nhiên các mã còn lại vẫn giữ được sắc xanh.

Đà bán ròng suy giảm, khối ngoại tập trung gom cổ phiếu dệt may sau EVFTA - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp

Top10 mã được khối ngoại mua ròng, duy nhất cổ phiếu VRE ghi nhận giá trị 15,42 tỉ đồng, trong khi các mã còn lại đều có giá trị dưới 10 tỉ đồng. Cụ thể, NĐT nước ngoài gom cổ phiếu GAS (8,06 tỉ đồng), VHM (6,52 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (6 tỉ đồng), VCB (5,74 tỉ đồng). Cùng với đó, khối ngoại mua ròng mã VJC, VIC, HDB, DGW và SBT.

Trên sàn HNX, NĐT nước ngoài trở lại mua ròng 3 tỉ đồng cùng khối lượng 532.394 đơn vị. Hai cổ phiếu được khối ngoại gom nhiều nhất gồm SHB và PVS với giá trị tương ứng là 2,9 tỉ đồng và 2,86 tỉ đồng. Cùng chiều, dòng vốn ngoại tìm đến mã TIG (833 triệu đồng), SD6 (382 triệu đồng) và TNG (215 triệu đồng).

Diễn biến trái chiều, cổ phiếu NTP bị khối ngoại xả 2,4 tỉ đồng, theo sau là SHS (865 triệu đồng), SCI (527 triệu đồng) và NHA (171 triệu đồng).

Tương tự tại UPCoM, khối ngoại gom 7,2 tỉ đồng và mua ròng khối lượng 127.620 cổ phiếu. Đáng chú ý, khối này rót gần 8 tỉ đồng vào mã VEA, mặt khác còn mua ròng VTP (1,5 tỉ đồng). Ghi nhận giá trị mua ròng dưới 1 tỉ đồng trong phiên còn có cổ phiếu BDG, MCH và BWS.

Trong khi đó, khối ngoại thoái ròng tại mã MPC (1,4 tỉ đồng). Chịu áp lực bán ròng còn có cổ phiếu ACV (921 triệu đồng), QNS  (835 triệu đồng).

Khối tự doanh trở lại mua ròng 22 tỉ đồng, tập trung VCB và HPG

Thống kê giao dịch  bộ phận tự doanh công ty chứng khoán, khối này mua ròng 22 tỉ đồng với khối lượng 779.690 đơn vị.

Đà bán ròng suy giảm, khối ngoại tập trung gom cổ phiếu dệt may sau EVFTA - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro

Về giá trị giao dịch cụ thể, khối tự doanh mua vào trên 10 tỉ đồng hai mã VCB và HPG trong phiên, lần lượt là 11,31 tỉ đồng và 10,64  tỉ đồng. Ngoài ra, cổ phiếu PLX ghi nhận giá trị mua 8,93 tỉ đồng, tiếp đến là MWG (8,43 tỉ đồng), STB (7,43 tỉ đồng) và TCB (6,7 tỉ đồng).

Mặt khác, top mua vào của khối tự doanh còn có chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (6,6 tỉ đồng), cổ phiếu MBB, FPT và VNM.

Tại phía ngược lại, khối tự doanh tập trung bán chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (12,15 tỉ đồng). Cùng chiều, khối này rút khỏi cổ phiếu PLX (7,48 tỉ đồng), MBB (3,91 tỉ đồng) và VNM (3,48 tỉ đồng).

Cổ phiếu khác ghi nhận giá trị bán ra còn có VHM, VIC, HPG, MWG, TCB và VPB.

Ánh Hường