Giảm sâu do lo ngại virus corona là cơ hội, VinaCapital đã giải ngân và khẳng định còn tiền mặt để mua với giá hấp dẫn
"TTCK Việt Nam bị nhiễm virus corona"
Quĩ đầu tư nước ngoài lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam – VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) vừa công bố báo cáo đầu tư tháng 1. Theo đó, giá trị tài sản ròng (NAV) trên chứng chỉ quĩ của giảm 3,2% (tính theo USD) trong tháng đầu năm 2020. Tính đến cuối tháng 1, NAV của quĩ VOF giảm xuống còn 763,8 triệu USD.
Theo đánh giá của VinaCapital, virus corona đã lây nhiễm vào TTCK Việt Nam trong tháng 1. Việc nắm giữ nhiều mã chịu tác động tiêu cực từ dịch cúm là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiệu suất đầu tư của quĩ âm trong tháng 1.
Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất của VOF. Nguồn: VOF
Cụ thể, ngành hàng không chịu ảnh hưởng tiêu cực, cổ phiếu đang được nắm tỉ trọng lớn thứ hai danh mục - ACV (8,9%) giảm 14,5% trong tháng 1 bất chấp kết quả kinh doanh năm 2019 tăng trưởng 25%.
Theo đánh giá của VinaCapital, dịch bệnh tại Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến ngành dầu khí và thép. Nói về cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đang nắm giữ với tỉ trọng cao nhất (12%), quĩ ngoại này cho rằng rủi ro là giá thép Trung Quốc thấp hơn dẫn đến tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện giá thép xây dựng trong nước vẫn thấp hơn khoảng 3% so với giá từ Trung Quốc.
"Tại thời điểm báo cáo, số lượng ca nhiễm corona virus tại Việt Nam là 12. Theo đó, chúng tôi không tin rằng dịch bệnh tác động trực tiếp đến hoạt động xây dựng tại Việt Nam và nhu cầu về thép vẫn tốt", báo cáo VinaCapital nêu.
Với việc giảm giá 10,4% trong tháng 1, cổ phiếu PVS không còn nằm trong Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất của quĩ VOF. Đánh giá về tiềm năng, VinaCapital cho rằng việc giá dầu giảm ảnh hưởng đến hoạt động của các giàn khoan dầu.
Khó hiểu vì cổ phiếu không bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch cúm cũng giảm, VinaCapital đã "xuống tiền" mua FPT
Việc giảm giá của một số ngành như thép, dầu khí, hàng không được xem như là tác động trực tiếp từ dịch cúm. Nhưng điều làm VinaCapital ngạc nhiên là một số cổ phiếu không bị ảnh hưởng trực tiếp cũng bị ảnh hưởng. Hai cổ phiếu tiêu dùng VNM (tỉ trọng 5,5%) và PNJ (tỉ trọng 7,7%) giảm lần lượt 9,2% và 9,5%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu FPT giảm 5,7% khi thị trường bị bán tháo. Theo VinaCapital, mã FPT không bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch cúm. Kết quả là, quĩ này đã mua vào cổ phiếu FPT khi cho rằng đây là cơ hội để không phải mức giá cao hơn cho một mã bị giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài (FOL).
Theo thông tin được công bố, quĩ VOF đã nhận chuyển nhượng 3 triệu cổ phiếu FPT đầu tháng 1. Với việc giải ngân thêm vào FPT, tỉ trọng mã này tăng từ 1,5% cuối tháng 12 lên 2,2% cuối tháng 1. Tỉ trọng tiền mặt giảm từ 9,1% cuối năm 2019 xuống còn 6,4% cuối tháng 1.
VinaCapital còn đủ tiền mặt để mua vào với giá hấp dẫn
Nói thêm về hoạt động giải ngân sắp tới, VinaCapital cho biết quỹ có đủ tiền mặt và triển khai hoạt động giải ngân trên thị trường vốn nếu định giá đủ hấp dẫn. Trên một quan điểm thận trọng, hoạt động giải ngân thực hiện sau khi xem xét rủi ro dịch bệnh không kéo dài hay bùng phát. Bên cạnh đó, một niềm tin khác của quĩ này là chính sách kích cầu từ Chính phủ.
"Tùy thuộc vào dịch corona virus kéo dài trong bao lâu, tác động đến nền kinh tế Việt Nam không đáng kể trong cả năm, chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp kích tích tăng trưởng vào cuối năm, tương tự như Trung Quốc đang làm".
Triển vọng nào đối hoạt động đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân?
May mắn hơn các quĩ ngoại khác trên thị trường, việc đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân (PE) giúp quĩ VOF hạn chế rủi ro thị trường từ đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán Việt Nam cuối tháng 1.
Dữ liệu tính đến 31/1, tỉ trọng vốn cổ phần tư nhân trong danh mục của quĩ VOF tăng lên 19,7%, trong khi cuối tháng 12/2019 là 17,1%. Giá trị của 8 khoản đầu tư đã đàm phán là 177 triệu USD.
Cấu trúc danh mục theo tài sản và ngành nghề của quĩ VOF. Nguồn: VOF
Nói về các khoản đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân, VinaCapital cho rằng chưa thể định lượng tác động từ dịch cúm corona virus đến Sữa Quốc tế IDP (ngành tiêu dùng) và An Cường (ngành vật liệu xây dựng).
"Vẫn còn quá sớm để định lượng tác động tiềm năng đến doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ đánh giá tất cả khoản đầu tư khi tình hình dịch phát triển và cung cấp thông tin cập nhật khi thích hợp", nhóm VinaCapital cho hay.
Nói thêm về khoản đầu tư vào 8 công ty tư nhân, quĩ VOF kì vọng tăng trưởng EBITDA năm 2029 là 18%, ngoại từ một công ty phát triển bất động sản không tính đến EBITDA. Tăng trưởng lợi nhuận dự kiến 20%. Năm 2019, lợi nhuận sau thuế của các công ty này là 88 triệu USD, dự báo tăng lên 105 triệu USD năm nay. Với kết quả tăng trưởng như vậy, P/E dự phóng ở 9,6 lần.
Sự kì vọng của VinaCapital dựa trên giả định tăng trưởng tiêu dùng nội địa, thị phần và qui mô của các công ty tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, dự báo trên chưa xem xét đến ảnh hưởng của dịch cúm do covid-19.