|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thua lỗ và giảm qui mô đến 83%, đánh game nâng hạng Chứng khoán Việt Nam của Tundra lỗi mốt?

13:03 | 12/02/2020
Chia sẻ
Tundra Vietnam Fund công bố kết quả đầu tư kém khởi sắc trong tháng 1 trong khi tiếp tục bị giảm qui mô tại TTCK Việt Nam. Trong khi đó, chiến lược đa dạng hóa danh mục tại nhiều thị trường cận biên đang tỏ ra hiệu quả hơn với quĩ khi Chứng khoán Việt Nam đang "một mình, một ngựa".

Như các quĩ ngoại khác, Tundra Vietnam Fund "bay" toàn bộ thành quả năm 2019 trong tháng 1

Cùng tình cảnh đầu tư bết bát như nhiều quĩ ngoại khác trên thị trường, quĩ chuyên "đánh game" nâng hạng - Tundra Vietnam Fund vừa công bố tỉ suất lợi nhuận âm 4,9% (tính theo USD) trong tháng đầu tiên của năm 2020. Với hiệu suất đầu tư này, Tundra Vietnam Fund đã "bay" toàn bộ những gì kiếm được trong năm 2019.

Đáng chú ý, hiệu suất âm 4,9% đánh dấu kết quả đầu tư tồi tệ nhất trong tháng 1 của Tundra Vietnam Fund trong 6 năm gần đây. 

Tuy nhiên, trạng thái của Tundra Vietnam Fund có phần tích cực hơn một số quĩ ngoại qui mô vừa khác như Vietnam Holding (âm 5,6%), PXP Vietnam Smaller Companies Fund (âm 5,18%) và PXP Vietnam Emerging Equity Fund (âm 5,29%).

Thua lỗ và giảm qui mô đến 83%, đánh game nâng hạng Chứng khoán Việt Nam của Tundra lỗi mốt? - Ảnh 1.

Nguồn: Tundra Vietnam Fund

Kết quả đầu tư bết bát trong tháng 1 của Tundra Vietnam Fund đến từ sự lao dốc của các cổ phiếu đang nắm tỉ trọng lớn của quĩ. Điển hình, mã chiếm tỉ trọng lớn nhất là FPT (8,6%) đã giảm 11,4% trong tháng 1. 

Nói về cổ phiếu FPT, Tundra Vietnam Fund cho rằng việc giảm giá chỉ là tạm thời, sau khi những lo ngại về tác động của dịch cúm do virus corona chủng mới (covid-19) qua, cổ phiếu này sẽ trở lại vùng đỉnh.

Hai cổ phiếu DXG (tỉ trọng 4,8%) và MSN (4,7%) cũng giảm lần lượt 21,3% và 12,4% tháng đầu tiên 2020. Nguyên nhân cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan giảm giá theo Tundra Vietnam Fund đánh giá vẫn nằm ở thương vụ mua lại VinCommerce khiến nhà đầu tư bán ra mạnh.

Bộ đôi bất động sản khác trong danh mục cũng tác động tiêu cực lên kết quả đầu tư của Tundra Vietnam Fund là LDG (giảm 20,3% trong tháng 1) và VRE (giảm 12,4%).

Điểm sáng trong danh mục của Tundra Vietnam Fund tháng 1 là hai cổ phiếu thép HPG (tăng 1,7%) và HSG (2,3%). Hai mã này chiếm tỉ trọng 6% và 4,3% trong tháng 1. Ngoài ra, cổ phiếu VHM có tỉ trọng 6,1% cũng tăng 2,1% trong tháng 1.

Điều đáng nói, mặc dù cổ phiếu CTG của Vietinbank dẫn đầu về tỉ lệ tăng giá với 15,7% trong tháng 1, nhưng Tundra lại nắm giữ tỉ trọng nhỏ mã này và không nằm trong nhóm 10 cổ phiếu được phân bổ vốn lớn nhất của quĩ.

Tiếp tục bị rút vốn trong tháng 1

Với kết quả đầu tư không mấy khả quan, Tundra Vietnam Fund tiếp tục đối mặt với việc bị rút quĩ. Theo đó, qui mô của quĩ liên tục giảm kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2018.

Thua lỗ và giảm qui mô đến 83%, đánh game nâng hạng Chứng khoán Việt Nam của Tundra lỗi mốt? - Ảnh 2.

Tundra Vietnam Fund tiếp tục bị rút ròng trong tháng đầu năm 2020. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Ghi nhận thời điểm cuối tháng 1, qui mô tài sản quản lí (AuM) của Tundra Vietnam Fund giảm xuống còn 38,5 triệu USD (tương đương 890 tỉ đồng), giảm gần 83% so với mức đỉnh 225,8 triệu USD vào cuối tháng 4/2018.

Với việc giảm qui mô, danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund đang trong trạng thái "full cổ phiếu" và không còn nắm giữ tiền mặt trong tài khoản. 

Trong tình trạng liên tục bị rút quĩ và hiệu quả đầu tư thấp, câu chuyện cơ cấu danh mục đầu tư cổ phiếu Việt Nam vẫn là một bài toán đau đầu với Tundra Vietnam Fund.

"Đánh game" nâng hạng Việt Nam đã lỗi mốt?

Bối cảnh đầu tư ở Việt Nam không mấy dễ dàng, ngay cả chiến lược phân bổ danh mục đầu tư vào nhiều quốc gia khác nhau cũng không mấy hiệu quả.

Thua lỗ và giảm qui mô đến 83%, đánh game nâng hạng Chứng khoán Việt Nam của Tundra lỗi mốt? - Ảnh 3.

Cơ cấu danh mục theo quốc gia của Tundra Sustainable Frontier Fund

Cụ thể, với quĩ khác trong cùng nhóm là Tundra Sustainable Frontier Fund đang phân bổ danh mục vào các thị trường mới nổi và cận biên có tiềm năng như Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Ai Cập và Nigeria cùng không mấy thành công.

Tính đến 31/1, danh mục 137,7 triệu USD của Tundra Sustainable Frontier Fund được phân bổ tại 27% tại thị trường chứng khoán Pakistan, Việt Nam (17%), Nigeria (15%), Sri Lanka (15%), Ai Cập (12%), Bangladesh (9%).

Cổ phiếu FPT của Việt Nam đứng đầu về tỉ trọng trong danh mục đầu tư của Tundra Sustainable Frontier Fund. Trong 58 cổ phiếu của danh mục còn có hai mã khác là MSN và ACV.

Mặc dù đa dạng hóa danh mục tại nhiều nước, hiệu suất đầu tư của Tundra Sustainable Frontier Fund chỉ đạt 0,9% năm 2019 trong khi lỗ 15,6% trong năm trước đó. 

Tích cực hơn Tundra Vietnam Fund, quĩ này ghi nhận tỉ suất lợi nhuận đầu tư 0,3% trong tháng đầu năm nay. Kết quả khả quan này nhờ giao dịch khởi sắc tại các thị trường như Pakistan, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Morocco. Trong khi đó, TTCK Việt Nam lại "một mình, một ngựa". Việc giảm qui mô của Tundra và những gì thị trường cận biên này thể hiện, "game" nâng hạng TTCK Việt Nam đã lỗi mốt?

Lợi Hoàng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.