|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nắm tỉ trọng lớn MSN, SAB, VJC, VNM lại ít cổ phiếu ngân hàng, quĩ ngoại qui mô gần 8.200 tỉ đồng sẽ cơ cấu ra sao?

17:44 | 06/02/2020
Chia sẻ
Những cổ phiếu có tỉ trọng lớn trong danh mục của JPMorgan Vietnam Opportunities đang chịu tác động tiêu cực từ dịch cúm do virus corona như VNM, SAB, VJC, MSN. Câu chuyện đầu tư sẽ trở nên đau đầu hơn với quĩ ngoại đang sở hữu danh mục 352,6 triệu USD.

Những cổ phiếu "hứng bão" vì dịch cúm do virus corona gây ra

Những phiên giao dịch đầu tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam lấy lại sự cân bằng trở lại sau những phiên bị bán tháo do nhà đầu tư lo ngại về những tác động tiêu cực của dịch cúm do virus corona gây ra đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt công ty chứng khoán công bố báo cáo đánh giá tác động ngắn hạn của dịch cúm đến cổ phiếu từng ngành trên thị trường Việt Nam.

xxx - Ảnh 1.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Một góc nhìn ở hầu hết công ty chứng khoán là dịch cúm do virus corona tác động tiêu cực đến các ngành Hàng không, Du dịch, Dịch vụ sân bay và những ngành có giá trị xuất - nhập khẩu lớn với thị trường Trung Quốc như Dệt May, Thủy sản, Nông nghiệp và Sữa. 

Cùng với đó, một số ngành khác tại Việt Nam cũng có thể chịu tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc tạm dừng hoạt động với nhiều ngành nghề để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như Dầu khí, Cảng biển và vận tải biển. 

Trong khi đó, những cổ phiếu được nhận định sẽ được hưởng lợi từ dịch cúm do virus corona gây ra như Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Điện, Nước và Dược phẩm.

Như vậy, việc tác động của dịch cúm đến các ngành mang tính phân hóa trong ngắn hạn. Kết quả là thị trường đã vận động như những gì đã được phân tích.

Sau những phiên bị bán tháo do tâm lí xấu của toàn thị trường, nhóm cổ phiếu Ngân hàng "nổi sóng" và trở thành tâm điểm giao dịch. Hàng loạt cổ phiếu nhóm Ngân hàng tăng giá mạnh đi kèm thanh khoản cao đột biến như CTG, VPB, SHB và STB.

Đáng chú ý, cổ phiếu CTG, SHB và STB tăng kịch trần trong những phiên giao dịch 4 - 6/2. Đây là hiện tượng hiếm thấy tại các cổ phiếu này trong gần hai năm giao dịch trở lại đây.

Với kì vọng hưởng lợi từ việc gia tăng doanh số về thuốc và các thiết bị y tế, nhóm cổ phiếu Dược phẩm giao dịch khởi sắc từ ngày 30/1 đến ngày 3/2. Tuy nhiên, vấn đề nội tại là kết quả kinh doanh của nhóm này không có sự tăng trưởng. Kết quả là hàng loạt cổ phiếu ngành Dược đã giảm sâu khi cổ phiếu về tài khoản của nhà đầu tư.

xxx - Ảnh 2.

Cổ phiếu VJC đang tạo đáy? Nguồn: VNDirect

Trạng thái đối lập, cổ phiếu nhóm Hàng không giảm sâu do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Mặc dù chưa có con số chính thức, nhưng việc tạm dừng và hủy nhiều chuyến bay của các hãng hàng không đến Trung Quốc khiến NĐT lo ngại về kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quí đầu năm nay.

Kết quả là mã HVN của Vietnam Airlines giảm giá 5 phiên liên tiếp, trong đó có hai phiên giảm sàn ngày 30 - 31/1. Dường như cổ phiếu HVN vẫn đang trong tình trạng "dò đáy" mặc dù biên độ giảm giá đã được thu hẹp.

Có phần tích cực hơn, cổ phiếu VJC của Vietjet đã tạo đáy khi có những phiên hồi phục sau hai phiên giảm sâu liên tiếp ngày 30 - 31/1. Sắc xanh trở lại với cổ phiếu này trong phiên 4/2, giá mã VJC tăng 2,8% lên 129.000 đồng/cp. Phiên hôm nay (6/2), cổ phiếu VJC tăng nhẹ 0,4%, đóng cửa ở 127.500 đồng/cp.

Cùng tình trạng với nhóm Hàng không, cổ phiếu đầu ngành Sữa (Vinamilk), Bia (Sabeco) cũng giảm sâu do chịu áp lực bán thị trường.

Trên một góc nhìn tổng quan, diễn biến phân hóa mạnh của thị trường trong những phiên giao dịch gần đây cho thấy tâm lí nhà đầu tư tích cực hơn sau khi phản ứng có phần thái quá ngay sau khi thị trường mở cửa đầu năm.

JPMorgan Vietnam Opportunities gặp "hạn" nặng khi nắm giữ nhiều cổ phiếu chịu tác động tiêu cực từ dịch cúm virus corona

Trong kịch bán thị trường bị bán tháo, các quĩ đầu tư phải đau đầu vì đang nắm giữ danh mục hàng trăm triệu USD. Dẫn dữ liệu từ Bloomberg cho thấy cả hai quĩ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam do Dragon Capital và VinaCapital quản lí đều đạt hiệu suất âm trong tháng đầu tiên năm nay.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, tỉ suất lợi nhuận đầu tư của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) là âm 3,9% trong tháng 1, Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) là âm 5,36%.

Nhưng có phần kém may mắn hơn VEIL, JPMorgan Vietnam Opportunities lại nắm giữ tỉ lệ thấp cổ phiếu ngân hàng trong khi lại phân bổ tỉ trọng lớn danh mục vào nhóm bị đánh giá chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Kết quả là, tỉ suất lợi nhuận đầu tư của JPMorgan Vietnam Opportunities là âm 4,18% trong tháng 1, cập nhật đến kết phiên 4/2 là âm 5,48%.

Nắm tỉ trọng lớn MSN, SAB, VJC, VNM lại ít cổ phiếu ngân hàng, quĩ ngoại qui mô gần 8.200 tỉ đồng sẽ cơ cấu ra sao? - Ảnh 3.

Danh mục đầu tư của JPMorgan Vietnam Opportunities tính đến 31/11/2019. Nguồn: JPMorgan Vietnam Opportunities

Tính đến 31/12/2019, qui mô của JPMorgan Vietnam Opportunities đạt 352,6 triệu USD (gần 8.200 tỉ đồng). Với số liệu được công cố đến cuối tháng 11/2019, chỉ có một cổ phiếu Ngân hàng (VCB) nằm trong Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất danh mục quĩ.

Trong khi đó, các cổ phiếu nắm giữ tỉ trọng lớn lại đang bị đánh giá triển vọng kém tích cực như VNM (tỉ trọng 9,6%), MSN (5,7%), SAB (5,3%) và MWG (3%). 

Với cổ phiếu VNM của Vinamilk, Chứng khoán SSI sự bùng phát virus Corona có thể ảnh hưởng đến các hoạt động logistics do đó ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tiếp tục bị trì hoãn.

Với ngành bán lẻ (MWG, MSN), công ty chứng khoán này cho rằng lượt khách mua sắm tại các cửa hàng sẽ giảm do người tiêu dùng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh khả năng lây nhiễm virus Corona. Bên cạnh đó, tiêu dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (dược phẩm) thay vì các mặt hàng như ICT. 

Áp lực lớn nhất trong danh mục của JPMorgan Vietnam Opportunities là việc nắm giữ tỉ trọng 5,2% với cổ phiếu VJC của Vietjet. 

Tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố Virus, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc, báo cáo của Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI nêu.

Nặng nề hơn, cổ phiếu SAB của Sabeco chịu tác động kép. Nhu cầu tiêu dùng bia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ virus Corona, do người tiêu dùng tránh đến những nơi công cộng, giảm tụ tập và chi tiêu bên ngoài. Ngành Bia trong năm nay cũng chịu tác động tiêu cực từ Nghị định 100 liên quan đến việc hạn chế tác hại của bia rượu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Với triển vọng không mấy sáng sủa của các cổ phiếu đang nắm giữ với tỉ trọng lớn, chắc hẳn JPMorgan Vietnam Opportunities sẽ phải đau đầu hơn với câu chuyện đầu tư trong năm nay sau khi trải qua năm 2019 kém khả quan (underperformance).

Phan Quân