|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dragon Capital và VinaCapital có tháng 1 tồi tệ nhất nhiều năm khi bluechip bị bán tháo, bất ngờ về tỉ lệ sụt giảm NAV

18:24 | 04/02/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua những phiên bán tháo mạnh, trong bối cảnh đó, các quĩ đầu tư hàng đầu thị trường do Dragon Capital và VinaCapital ghi nhận kết đầu đầu tư tối tệ nhất trong nhiều năm.

Quĩ lớn nhất TTCK Việt Nam có hiệu suất âm 3,9% trong tháng 1

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng đầu năm 2020 đầy sóng gió khi chứng khiến hai phiên bán tháo mạnh cuối tháng do những lo ngại về tác động của dịch cúm do virus corona gây ra.

Đóng cửa tháng 1, VN-Index ở 936,62 điểm, giảm 2,54% so với cuối tháng 12/2019. Chỉ tính riêng hai phiên cuối tháng, chỉ số mất tổng cộng 54,84 điểm. 

Trong bối cảnh thị trường lao dốc với hàng trăm cổ phiếu giảm sàn, các quĩ đầu tư hàng đầu trên thị trường cũng ghi nhận kết quả không mấy khả quan.

Quĩ lớn nhất TTCK Việt Nam - Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do nhóm Dragon Capital quản lí có kết quả đầu tư tồi tệ nhất trong 4 năm trở lại đây.

Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, tỉ suất lợi nhuận đầu tư của VEIL là âm 3,9% trong tháng 1, ghi nhận tháng hiệu suất âm thứ hai liên tiếp. Cập nhật sau phiên bán tháo mạnh đầu tháng 2, tỉ suất lợi nhuận của quĩ VEIL là âm 6,01%.

Hai quĩ lớn nhất do Dragon Capital và VinaCapital có tháng tồi tệ nhất nhiều năm khi bluechip bị bán tháo - Ảnh 1.

Hiệu suất đầu tư của quĩ VEIL. Nguồn: Bloomberg

Năm 2019, quĩ VEIL báo cáo kết quả đầu tư không mấy tích cực. Theo đó, tỉ suất lợi nhuận của quĩ chỉ đạt 3,05%, chấm dứt chuỗi 4 năm "chiến thắng" VN-Index. 

Tính đến 22/1, tổng tài sản ròng (NAV) của quĩ VEIL đạt 1,513 tỉ USD, trong đó tỉ trọng tiền mặt là 0,97%. Cổ phiếu ngân hàng được phân bổ với tỉ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của quĩ với 27,74%. Theo sau đó, tỉ trọng của nhóm Bất động sản và Thực phẩm - Đồ uống lần lượt là 26,54% và 15,2%.

Cổ phiếu MWG của Thế giới Di động giữ tỉ trọng lớn nhất trong danh mục của quĩ VEIL với 11,44%. Ba cổ phiếu ngân hàng nằm trong Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất của quĩ VEIL là ACB (7,25%), MBB (5,21%) và VCB (2,91%). Ngoài ra, những cổ phiếu có tỉ trọng lớn còn có các mã khác như VHM, KDH, HPG, FPT, PNJ và SAB. 

Hai quĩ lớn nhất do Dragon Capital và VinaCapital có tháng tồi tệ nhất nhiều năm khi bluechip bị bán tháo - Ảnh 2.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp, quĩ VEIL

Theo thống kê, chỉ trong hai phiên bán tháo cuối tháng 1, 10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất danh mục của quĩ VEIL có mức giảm giá bình quân 6,38%. Trong đó, cổ phiếu VHM của Vinhomes có mức giảm thấp nhất (2,13%), trong khi cổ phiếu SAB của Sabeco giảm mạnh nhất (8,82%). 

Những mã khác có mức giảm trên 7% trong hai phiên giao dịch như MWG, HPG, MBB, FPT và PNJ. Diễn biến tiêu cực của các cổ phiếu này là câu trả lời cho việc ghi nhận hiệu suất đầu tư âm trong tháng đầu năm 2020 của quĩ VEIL.

Quĩ VOF của VinaCapital có tháng buồn nhất kể từ đầu năm 2016

Cùng tình cảnh với VEIL, quĩ đầu tư qui mô lớn thứ hai trên TTCK Việt Nam là Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) cũng ghi nhận hiệu suất đầu tư âm trong tháng 1.

Theo nguồn dữ liệu từ Bloomberg, tỉ suất lợi nhuận đầu tư của quĩ VOF là âm 5,36%, ghi nhận tháng đầu tư kém nhất kể từ đầu năm 2016. Đáng chú ý, hiệu suất này còn thấp hơn so với mức sụt giảm 4,71% trong tháng 5/2018 khi VN-Index lao dốc từ vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2018.

Hai quĩ lớn nhất do Dragon Capital và VinaCapital có tháng tồi tệ nhất nhiều năm khi bluechip bị bán tháo - Ảnh 3.

Hiệu suất đầu tư của quĩ VOF. Nguồn: Bloomberg

Cập nhật đến ngày 3/2, tỉ suất lợi nhuận đầu tư của quĩ VOF là âm 5,8%. Trong năm 2019, quĩ VOF ghi nhận kết quả đầu tư kém khởi sắc. Tỉ suất giá trị tài sản ròng trên chứng chỉ quĩ (NAV per share) là âm 2,7% trong khi mức sinh lợi của VN-Index là 7,7%.

Tính đến 31/12/2019, giá trị tài sản ròng của quĩ VOF đạt 915,2 triệu USD, tương đương NAV trên chứng chỉ quĩ đạt 5 USD. 

Trong năm 2019, quĩ VOF thay đổi chiến lược đầu tư. Theo đó, tỉ trọng của cổ phiếu niêm yết trong danh mục của VOF tính đến cuối năm là 60,7%, giảm 6,1% so với thời điểm đầu năm. Tỉ trọng cổ phiếu chưa niêm yết cũng giảm từ 19,3% xuống còn 17,2%.

Thay vào đó, tỉ trọng cổ phần tư nhân (PE) trong danh mục tăng từ 12,6% tại thời điểm đầu năm lên 17,1%. Quĩ lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng qui mô đầu tư vào trái phiếu, tỉ trọng của trái phiếu đạt 3,4% tại thời điểm cuối năm 2019. Bên cạnh đó, tỉ trọng tiền mặt của quĩ là 9,1% tại cuối năm 2019.

Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất danh mục của VOF, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu danh mục với 11,8%. Theo sau đó, hai cổ phiếu KDH và ACV chiếm tỉ trọng lần lượt là 9,2% và 7,8%. Nhóm 10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất còn có các cổ phiếu khác như PNJ, VNM, EIB, QNS,  PVS, OCB và FPT.

Lợi Hoàng