|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hoảng loạn và bán tháo giá sàn, NĐT chứng khoán Việt chưa nhiễm virus corona đã phát sốt?

21:09 | 03/02/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua phiên 3/2 hỗn loạn trong thời gian giao dịch buổi sáng. Thời điểm giảm sâu nhất, VN-Index mất gần 45 điểm, thị trường chứng kiến hàng trăm cổ phiếu giảm sàn, trong đó có những bluechip nhóm VN30.

Giảm sâu, hồi mạnh, phiên giao dịch 3/2 nhiều cảm xúc với giới đầu tư Việt Nam

Lo ngại với dịch cúm do virus corona, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phát "sốt" khi chứng kiến các phiên bán tháo mạnh liên tiếp diễn ra.

Đóng cửa tháng đầu tiên của năm 2020, VN-Index giảm 2,5% so với cuối tháng 12/2019, ghi nhận tháng thứ ba giảm điểm liên tiếp. Trước đó, trong nửa đầu tháng 1, TTCK Việt Nam diễn biến tích cực. 

Tưởng chừng thị trường tiếp tục diễn biến tốt sau kì nghỉ Tết nguyên đán như những năm trước đó, nhưng việc giảm điểm trong hai phiên cuối tháng đã lấy đi toàn bộ thành quả. 

Sau hai phiên giảm điểm mạnh 30 - 31/1, VN-Index mất mốc hỗ trợ mạnh tại 940 điểm và lùi về mốc thấp nhất một năm sau khi dịch cúm do virus corona bùng phát tại Trung Quốc. Đi dùng với việc giảm điểm của thị trường là thanh khoản ở mức thấp. Giá trị giao dịch khớp lệch bình quân trong tháng 1 đạt 2.543 tỉ đồng, giảm 15,6% so với tháng trước.

Hoảng loạn và bán tháo hôm nay, NĐT chứng khoán Việt Nam đã sốt dù chưa nhiễm virus corona? - Ảnh 1.

Trong cơn hoảng loạn, nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu tại mức giá sàn phiên 3/2. Ảnh: Phan Quân

Sau hai phiên bán tháo cuối tháng 1, TTCK Việt Nam tiếp tục giảm mạnh phiên giao dịch đầu tháng 2 (3/2). Thời điểm giảm mạnh nhất, VN-Index mất 44,77 điểm, thủng mốc 900 điểm. Khi đó, thị trường chứng kiến hơn 100 cổ phiếu giảm sàn, cá biệt là các mã bluechip nhóm VN30. 

Nhưng lực cầu "bắt đáy" giá thấp xuất hiện khiến thị trường đảo chiều nhanh chóng. Kết phiên 3/2, VN-Index chỉ còn giảm 8,48 điểm xuống còn 928,14 điểm. Việc đảo chiều của thị trường nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu dòng Ngân hàng như BID, CTG, VPB, STB. 

Đáng chú ý, ngoài BID, một số mã VN30 cũng thoát khỏi việc nằm sàn và hồi phục mạnh trong phiên giao dịch hôm nay như MSN, VNM, EIB, SAB, VJC, SSI, POW và BVH.

Cú hồi ngoạn mục của TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch hôm nay khiến không ít nhà đầu tư tiếc nuối vì bán cắt lỗ cổ phiếu trong danh mục khi thị trường giảm sâu.

Chia sẻ về việc bán ra cổ phiếu trong phiên sáng nay, một môi giới của CTCK lớn tại Hà Nội cho biết NĐT quyết định bán ra sau khi chứng kiến thị trường giảm mạnh với những quan ngại về TTCK Trung Quốc giảm hơn 8% ngay đầu phiên. 

Cùng với đó, nhiều mã bluechip đã giảm hơn 15% sau ba phiên giao dịch, chạm ngưỡng gọi kí quĩ (call margin). Do đó, NĐT bắt buộc phải chọn tình thế bán giảm tỉ trọng cổ phiếu trong tài khoản.

Điều này cho thấy rằng, không ít nhà đầu tư đang trong tình trạng "phát sốt" khi thị trường liên tục giảm sâu.

NĐT hoảng loạn mà quên đi nhiều tin tích cực

Tuy nhiên, trong cơn hoảng loạn và ồ ạt bán tháo, NĐT đã quên đi những thông tin tích cực trên thị trường. Đơn cử là việc khối ngoại trở lại mua ròng 1.980 tỉ đồng trên toàn thị trường cùng khối lượng 30,1 triệu đơn vị. Trước đó, khối ngoại có 5 tháng bán ròng liên tiếp. 

Động thái mua ròng của khối ngoại tại TTCK Việt Nam diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các thị trường lớn khác trong khu vực như Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Thái Lan.

Thống kê giao dịch trong tháng 1/2020, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng mua ròng 165 tỉ đồng với khối lượng gần 28 triệu đơn vị.

Hoảng loạn và bán tháo hôm nay, NĐT chứng khoán Việt Nam đang sốt dù chưa nhiễm virus corona? - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg

Song song với đó, mặc dù khởi đầu năm 2020 không thuận lợi, nhưng mức giảm của TTCK Việt Nam trong tháng 1 vẫn thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực.

Cụ thể, TTCK Philippines giảm đến 7,9% trong tháng 1, theo sau đó Chứng khoán Indonesia (giảm 5,7%), Thái Lan (4,2%), Malaysia (3,6%). Một số thị trường lớn tại Châu Á như Hong Kong cũng giảm 6,7%, Đài Loan (4,2%), Hàn Quốc (3,6%). Điều này cho thấy rằng việc giảm điểm của TTCK Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung.

Bên cạnh đó, thống kê về mức P/E cho thấy TTCK Việt Nam đang khá "rẻ" so với lịch sử và các quốc gia khác trong khu vực. Dữ liệu từ Bloomberg cho thấy, P/E của VN-Index đang ở khoảng 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình trong 5 năm trở lại đây.

Nếu căn cứ theo P/E, TTCK Việt Nam cũng đang có mức định giá hấp dẫn hơn so với một số thị trường khác trong khu vực như Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Hàn Quốc.

Hoảng loạn và bán tháo giá sàn, NĐT chứng khoán Việt chưa nhiễm virus corona đã phát sốt? - Ảnh 3.

Nguồn: Bloomberg

Với những thông tin hỗ trợ trên, trong bối cảnh TTCK Việt Nam không mấy sáng sủa sau khi giảm 2,5% trong tháng đầu tiên và đang phải đối mặt với những rủi ro trước mắt liên quan đến dịch cúm do virus corona, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đưa ra khuyến nghị NĐT chấp nhận rủi ro có thể giữ tỉ trọng vừa phải (50%) cổ phiếu Ngân hàng, Bất động sản nhà ở và Khu công nghiệp, Thép và Công nghệ thông tin trong danh mục.

Phan Quân