Nhóm ngân hàng gồng đỡ, NAV quĩ lớn nhất TTCK Việt Nam vẫn giảm hơn 2.000 tỉ đồng tuần bán tháo
NAV của quĩ VEIL giảm 87,23 triệu USD tuần TTCK Việt Nam bị bán tháo
Quĩ đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam do nhóm Dragon Capital quản lí vừa công bố kết quả đầu tư trong tuần thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo (30/1 – 6/2) với nhiều bất ngờ. Theo báo cáo, hiệu suất đầu tư của quĩ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) là âm 2,24% (tính theo USD).
Tính đến kết thúc phiên giao dịch 6/2, giá trị tài sản ròng (NAV) của quĩ VEIL là 1.426,12 triệu USD, giảm 87,23 triệu USD (tương đương gần 2.010 tỉ đồng) so với thời điểm tước nghỉ Tết Nguyên đán (22/1). Cập nhật đến phiên 12/2, NAV của quĩ VEIL tiếp tục giảm xuống 1.413 triệu USD.
Kết quả đầu tư của quĩ VEIL. Nguồn: VEIL
Lũy kế từ đầu năm 2020, NAV của quĩ VEIL giảm tổng cộng 3,25%, cao hơn mức giảm 2.52% của VN-Index. Với kết quả như hiện tại, quĩ đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất toàn bộ thành quả đầu tư của năm 2019 (hiệu suất 3,05% - con số chưa kiểm toán).
Sau kết quả được quĩ VEIL công bố, gần như tất cả các quĩ ngoại đều đang trong trạng thái hiệu suất đầu tư âm kể từ đầu năm nay. Trong đó, các quĩ có qui mô trung bình đang bị thiệt hại lớn nhất trong đợt thị trường bán tháo do những lo ngại về tác động của dịch cúm do virus corona chủng mới (Covid-19).
Tundra Vietnam Fund công bố tỉ suất lợi nhuận âm 4,9% (tính theo USD) trong tháng đầu tiên của năm 2020. Tuy nhiên, trạng thái của Tundra Vietnam Fund có phần tích cực hơn một số quĩ ngoại qui mô vừa khác như Vietnam Holding (âm 5,6%), PXP Vietnam Smaller Companies Fund (âm 5,18%) và PXP Vietnam Emerging Equity Fund (âm 5,29%).
Nhóm ngân hàng ngược dòng, "đỡ" NAV cho quĩ VEIL
Kết quả đầu tư kém khởi sắc của quĩ VEIL do tác động tiêu cực của hầu hết các nhóm đang được nắm giữ với tỉ trọng lớn như Bất động sản, Thực phẩm/Đồ uống, Năng lượng… Duy nhất nhóm Ngân hàng đóng vai trò "đỡ" NAV của quĩ VEIL.
Cơ cấu danh mục đầu tư theo ngành của quĩ VEIL. Nguồn: VEIL
Cụ thể, trong tuần giao dịch (30/1 – 6/2), Ngân hàng là nhóm cổ phiếu duy nhất ngược dòng trong danh mục của quĩ VEIL. Được biết, tỉ trọng của nhóm này đứng đầu trong danh mục với 28,34%, tăng so với tuần trước đó (27,74%).
Đứng thứ hai về tỉ trọng danh mục với 28,01%, nhóm Bất động sản giảm 0,32%. Ghi nhận mức giảm mạnh nhất, nhóm có tỉ trọng lớn thứ ba là Thực phẩm/ Đồ uống (11,4%) giảm đến 1,16% chỉ trong một tuần.
Một số các nhóm giảm giá mạnh khác trong tuần TTCK Việt Nam bị bán tháo như Năng lượng (giảm 0,59%), Vận tải (giảm 0,45%), Bảo hiểm (giảm 0,12%)…
VIC lọt Top10 mã có tỉ trọng cao nhất
Top10 cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất của quĩ VEIL. Nguồn: VEIL
Sau tuần thị trường biến động mạnh, Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất của quĩ VEIL cũng có sự thay đổi so với tuần trước đó. Theo đó, cổ phiếu VIC của Vingroup thay thế SAB của Sabeco trong vị trí thứ 10 của danh mục đầu tư. Với việc giá giảm sâu, tỉ trọng của mã PNJ giảm xuống dưới VCB.
Ngoài ra, MWG của Thế giới Di động và VHM của Vinhomes vẫn là hai mã chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục với 11,13% và 8,62%. Ngoài VCB, hai cổ phiếu ACB va MBB cũng được nắm giữ với tỉ trọng là 7,52% và 5,37%.
Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quĩ đầu tư nước ngoài trên thị trường đã công bố kết quả đầu tư tháng 1 với NAV giảm sâu do ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona chủng mới (Covid-19). Tuy nhiên, một điểm tích cực với các nhà đầu tư là chưa có động thái bán ra hạ tỉ trọng cổ phiếu các quĩ ngoại này.
Giai đoạn sắp tới, việc các quĩ cơ cấu danh mục ra sao khi thị trường ổn định trở lại là một câu chuyện đáng quan tâm.