|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cựu sếp Vingroup: Các doanh nghiệp hiện nay làm văn hoá khi cao hứng và khi buồn thì quẳng văn hoá đi, tiền là trên hết

20:09 | 14/09/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia, văn hoá là cốt lõi giúp doanh nghiệp đi qua khó khăn để tìm tới thành công, không phải là “chiếc áo đẹp” để khoác bên ngoài.

Tại sự kiện mới đây do GapoWork tổ chức, bà Đỗ Thuỳ Dương - Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc TalentPool đồng thời là cựu Giám đốc Trung tâm Đào tạo Văn hóa tập đoàn Vingroup, chia sẻ về ba sai lầm của các doanh nghiệp khi làm văn hoá.

Một trong những sai lầm của làm văn hoá doanh nghiệp là cuối cùng doanh nghiệp không biết mình là ai và tại sao mình muốn làm văn hoá. Và theo bà Dương, văn hoá phải xuất phát từ chính người lãnh đạo, những nhân viên cốt lõi của doanh nghiệp.

“Dù là doanh nghiệp bé hay lớn, ngay cái việc trả lời câu hỏi mình là ai cũng đã là một văn hoá có ảnh hưởng rất lớn. Kể cả doanh nghiệp không viết tuyên ngôn, tầm nhìn sứ mệnh, giá trị cốt lõi,.. nhưng trong tương tác hàng ngày của mình với anh em, nó thể hiện ra cái chất con người mình và anh em biết nếu mình quyết như thế là đúng, nếu mình nhìn thấy con đường đấy mình đánh giá vấn đề như thế thì anh em sẽ dần dần học theo.

Đặc biệt những bạn trẻ mới đi làm bao giờ cũng bị sếp ảnh hưởng và họ tin rằng sếp nói như thế là đúng, sếp làm như thế là hiệu quả thì dần dần nó hình thành cái văn hoá ‘chưa được tuyên ngôn’. Còn khi có những công ty tư vấn tham gia vào, thì lúc đó chẳng qua chúng ta có tuyên ngôn, làm bài bản chuyên nghiệp nhưng nó cũng là cái tuyên ngôn, bài bản xuất phát từ chính con người chúng ta”, bà Dương nói.

 BàĐỗ Thuỳ Dương. (Ảnh: GapoWork cung cấp).

Do đó, sai lầm số một mà bà Dương nhắc tới khi doanh nghiệp làm văn hoá là không biết mình là ai, cứ thấy ở đâu hay thì mang về. Sai lầm thứ hai, theo bà Dương là ngay cả khi thuê tư vấn về để làm văn hoá và nghĩ là tư vấn sẽ mang cái gì đẹp đẽ ở bên ngoài về hoặc giống các tập đoàn tỷ đô nhưng đó không phải là mình.

“Họ đến với mình lúc mình thành công, có tiền, ít nhất là có tiền để trả cho họ. Nhưng văn hoá doanh nghiệp thể hiện giá trị lúc mình thất bại, lúc công ty tổn thương nhất, khó khăn nhất, vất vả nhất chỉ còn người cùng hệ giá trị ở lại chung lưng đấu cật với mình, đấy là văn hoá. 

Nếu người ta đến vì vui, vì tiền vì trả lương cao thì người ta cũng đi vì những thứ như thế, không ai ở lại với mình những lúc mình khó khăn cả. 

Văn hoá không phải là trụ cột giúp chúng ta thành công mà văn hoá là trụ cột giúp chúng ta vượt qua khó khăn mà vượt qua khó khăn thì mới tạo ra thành công. Tôi không tin văn hoá tạo ra được thành công. Có rất nhiều cách để thành công nhưng văn hoá khiến cho người ta khi gặp khó khăn, khi khốn đốn nhất, khi cả xã hội không tin là mình sẽ thành công thì còn lại - những người cùng niềm tin đó với mình, họ tin là mình thành công”, Tổng giám đốc TalentPool, chia sẻ.

Sai lầm thứ ba theo bà Dương là văn hoá thường được làm lúc vui và quên đi những lúc buồn. “Nhưng hoá ra văn hoá nên là nhìn lại những lúc buồn và dùng nó để tạo ra niềm vui. Tức là khi chúng ta làm văn hoá phải nhìn lại những bài học thất bại trong quá khứ, nhìn lại những sai lầm nhận ra mình sai lầm như thế bởi vì đã xa rời giá trị. Để khi mình nhìn lại những bài học lúc buồn đó mình mới biết thực sự cái gì là cốt lõi, và dùng cái cốt lõi đó để tạo ra niềm vui. 

Nhưng ngược lại, các doanh nghiệp hiện nay làm văn hoá khi cao hứng, khi đang vui và đến lúc buồn thì quẳng văn hoá ra, tiền là trên hết phải sống đã nhưng họ không biết sống mà vứt đi văn hoá là xác sống. Cái xác sống đấy khiến cho họ cuối cùng trở thành “bán linh hồn cho quỷ dữ”. Cuối cùng mình lại trống rỗng và không đi xa được nữa.

Ví dụ các nhà đầu tư tới mà chỉ nhìn thấy một tập thể thèm tiền thôi, trong khi cái mà nhà đầu tư thừa là tiền, cái mà họ cần là một người có niềm tin, có kiên định thì họ không thấy nữa, họ chỉ thấy một con bạc khát nước. Thế thì chúng ta mất hết”, bà Dương nêu nhận xét.

Bà kết luận, ba sai lầm mà doanh nghiệp gặp phải khi làm văn hoá, đó là outside in (từ ngoài vào trong) mà trong khi cuối cùng inside out (từ trong ra ngoài). Hai là làm lúc vui quên lúc buồn, trong khi đáng ra phải làm lúc buồn và dùng nó để tạo ra niềm vui. Và ba là không biết mình là ai mà đi mua cái áo đẹp, hàng hiệu ở phố khoác lên mình và tưởng mình là cái thương hiệu đó. 

Kể về vai trò của giá trị văn hoá trong doanh nghiệp, bà Dương lấy ví dụ thời điểm còn làm việc tại Vingroup. “Khi trình kế hoạch lên cho Chủ tịch, tôi biết cái này mình trình vì trách nhiệm nhưng chắc chắn anh ấy sẽ không đồng ý vì giá trị của anh ấy.

Chẳng hạn, tại Vingroup cam kết về tiến độ, chất lượng về uy tín, chất lượng của sản phẩm với khách hàng là số một. Mà mình trình lên giải pháp khiến tốc độ, tiến độ bị ảnh hưởng thì mình gắng mà chịu đòn. Nhưng mình vì quân của mình chẳng hạn, mình phải trình giải pháp đó thì mình thấy mình sai rồi, thôi mình dẹp không trình nữa”.

“Như tôi hay nói, ở Vingroup có ‘Tín - Tâm - Trí - Tốc - Tinh - Nhân’. Khi tôi viết xong tờ trình tôi lẩm bẩm ‘Tín - Tâm - Trí - Tốc - Tinh - Nhân’, nhìn xem có cái gì không đi đúng giá trị không. Nếu không được tôi gạch tờ trình vứt xó thay vì tôi để tờ trình của tôi bị người khác vứt thì thôi thà tự vứt đi. Lúc nào trong vô thức mình cũng phải dùng bộ giá trị công ty để soi chiếu vào công việc hàng ngày”, cựu lãnh đạo Vingroup nói.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy

Warren Buffett chê chứng khoán Mỹ như sòng bạc nhưng hiện tượng này cũng vừa lan đến Trung Quốc
Trong lá thư gửi tới các cổ đông của Berkshire Hathaway đầu năm nay, Warren Buffett đã ví von thị trường chứng khoán ngày nay với một sòng bạc, nơi các nhà đầu tư mua bán chóng vánh với hy vọng lời to.