|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cựu Chủ tịch Fed làm Bộ trưởng Tài chính, hàm ý gì cho ông Biden và kinh tế Mỹ?

05:59 | 25/11/2020
Chia sẻ
Cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen, người được ông Biden chọn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, là một nhân vật nổi tiếng có được sự tin tưởng của phần đông Đảng Dân chủ, sự tôn trọng từ Đảng Cộng hòa, sự chấp nhận từ Phố Wall và phù hợp với chiến lược của ông Biden.

Từ tuần trước, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết ông đã chọn xong người sẽ dẫn dắt Bộ Tài chính Mỹ, công chúng đã chắc mẩm lựa chọn đó là cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen.

Song bà Yellen lại là một lựa chọn hơi phi truyền thống cho Bộ Tài chính Mỹ. Kinh nghiệm hoạt động trong chính phủ của bà Yellen trước đây chủ yếu liên quan đến kinh tế học và chính sách tiền tệ.

Theo Politico, chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, cho đến nay đều thuộc về nam giới, thường là người có nền tảng kiến thức sâu rộng về doanh nghiệp và có kinh nghiệm hoạt động trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nữ cựu Chủ tịch Fed lại nhận được sự ủng hộ lớn từ Đảng Dân chủ và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa, dù có thể bà chưa đủ tận tâm trong mắt một số chính trị gia theo quan điểm cực tả.

Ngoài ra, bà Yellen cũng được Phố Wall khen ngợi nhờ thành tựu đạt được khi còn là Chủ tịch Fed và trước đó là Phó Chủ tịch Fed.

Trong 4 năm lãnh đạo Fed, bà Yellen đã góp phần cải thiện thị trường việc làm Mỹ và duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Khi còn là Phó Chủ tịch Fed, bà Yellen thường đại diện ngân hàng trung ương Mỹ tham gia các cuộc gặp bên lề các diễn đàn quốc tế.

Quan trọng hơn, bà Yellen có mối quan hệ tốt đẹp với các quan chức Fed hiện tại và bà nắm rõ cách mà Fed có thể hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đang bầm dập vì đại dịch. Theo Politico, đây là hai yếu tố cốt lõi với chính quyền của ông Biden.

Kinh nghiệm khi còn hoạt động trong ngân hàng trung ương Mỹ của Tim Geithner trước khi ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng đã giúp đỡ chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama rất nhiều trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế giai đoạn 2008 - 2009.

Tại sao bổ nhiệm cựu Chủ tịch Fed làm Bộ trưởng Bộ Tài chính lại hợp lòng công chúng Mỹ? - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen, người vừa được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ trong chính quyền của ông. (Ảnh: Getty Images).

Nếu được phê chuẩn, bà Janet Yellen sẽ trở thành người đầu tiên nắm giữ các vị trí cao nhất tại Bộ Tài chính Mỹ, Fed và Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, Politico lưu ý.

Dù Đảng Cộng hòa có thể kiểm soát Thượng viện vào tháng 1 năm sau, họ cũng không có nhiều cơ hội để cản trở việc phê chuẩn bà Yellen vào vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính khi mà bà sở hữu bề dày thành tích như trên.

"Ngôi sao" được chào đón nồng nhiệt

Ông Gene Sperling, cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, bình luận: "Tầm ảnh hưởng sâu rộng của bà Yellen cả trong nước lẫn trên trường quốc tế thật đáng ngưỡng mộ".

"Qua nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế và Chủ tịch Fed, bà Yellen chứng minh bản thân rất thông thạo nhiều vấn đề kinh tế quan trọng ở thời điểm hiện tại như các biện pháp tài chính khẩn cấp, các phản ứng tài khóa táo bạo cần thiết cho thị trường lao động và chính sách thuế. Bà Yellen là một sự lựa chọn tuyệt vời!", ông Sperling nhấn mạnh.

Tuần trước, ông Biden cho biết người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ mà ông lựa chọn "sẽ dung hòa được tất cả các yêu cầu của Đảng Dân chủ và tiến tới tạo lập một liên minh ôn hòa trong chính phủ". Điều đó trực tiếp ám chỉ bà Yellen.

Khi ủng hộ tăng lãi suất từ từ vào cuối nhiệm kì (tức khoảng năm 2017), bà Yellen đã khiến một số thành viên Đảng Dân chủ tiến bộ phật lòng. Khi đó, nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng và chính quyền ông Trump thì đang kêu gọi cắt giảm thuế mạnh tay.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của bà Yellen lại nhận được sự ủng hộ lớn từ Phố Wall và cộng đồng kinh tế, nhất là sau khi Fed duy trì lãi suất gần mức 0 trong gần 10 năm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính.

Chủ tịch Jerome Powell, người kế nhiệm của bà Yellen, đã tiếp tục tăng lãi suất. Nhờ đó, chính sách tiền tệ của Fed mới trở lại vị trí trung lập hơn và cho phép ngân hàng trung ương Mỹ giảm lãi suất khi nền kinh tế gặp khó khăn, chẳng hạn như trong đại dịch COVID-19 hiện nay.

Bà Yellen được cho là người có quan điểm chính sách tiền tệ ôn hòa. Tức là, cựu Chủ tịch Fed sẽ muốn duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy hoạt động tuyển dụng, việc làm và tiền lương mà không phải lo lắng quá nhiều về lạm phát gia tăng.

Ngoài ra, bà Yellen cũng được biết đến rộng rãi ở Washington như một nhà hoạch định chính sách lôi cuốn và hài hước với mối quan hệ tốt trong lưỡng đảng Mỹ. Tin tức về việc bà được đề cử cho chức Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thu hút lời khen ngợi từ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Theo bà Warren, cựu Chủ tịch Fed là một người "thông minh, cứng rắn và nguyên tắc" và "sẵn sàng chống lại quyền lực của các ngân hàng Phố Wall".

Ông Gary Cohn, cựu Giám đốc Goldman Sachs kiêm Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Tổng thống Trump, nhận định bà Yellen sẽ là "cánh tay vững chắc mà nước Mỹ cần để thúc đẩy một nền kinh tế phục vụ cho toàn dân".

Các nhóm cấp tiến cũng hoan nghênh lựa chọn của ông Biden. "Bà Janet Yellen là một lựa chọn tiến bộ, mang tính lịch sử cho Fed hồi năm 2013. Nếu được phê chuẩn, bà sẽ là một lựa chọn tuyệt vời khác cho Bộ Tài chính Mỹ", nhóm thiên tả Democracy for America đăng tweet.

Các nhà phân tích và kinh tế học trong lĩnh vực tài chính nhìn chung đều khen ngợi bà Yellen. Theo họ, kinh nghiệm của bà Yellen tại ngân hàng trung ương Mỹ là rất quan trọng cho chính quyền sắp tới, đặc biệt là khi Bộ trưởng Bộ Tài chính sắp mãn nhiệm Steven Mnuchin vừa dừng cấp vốn cho chương trình cho vay khẩn cấp của Fed.

Ông Mohamed El-Erican, cố vấn kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Allianz nói "rất khó lựa chọn một ai khác cho vị trí lãnh đạo Bộ Tài chính mà nhận được sự ủng hộ rộng rãi như bà Janet Yellen". Còn ông Chris Rupkey, nhà kinh tế tài chính trưởng tại MUFG Union Bank, bình luận: "Bà Yellen đã có một sự nghiệp xuất sắc và đến nay bà vẫn chưa ngừng cống hiến".

Hiện tại, ngoài bà Yellen, ông Biden đã bổ nhiệm cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Antony Blinken làm Ngoại trưởng Mỹ, quan chức ngoại giao kì cựu Linda Thomas-Greenfield được chọn làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc,... Trong tuần này, ông Biden sẽ tiếp tục công bố các thành viên nội các tiếp theo.

Loạt lựa chọn trên cho thấy ông Biden đang tìm các quan chức tiếng tăm và đáng tin cậy cho các vị trí hàng đầu chính phủ mới cũng như để tránh những bất ngờ có thể cản trở chính quyền còn non trẻ của ông.

Theo Politico, bà Yellen sẽ đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực soạn thảo một kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 của chính quyền ông Biden.

Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể hạn chế qui mô gói kích thích tài khóa mà ông Biden muốn bơm vào nền kinh tế. Do đó, việc có một Bộ trưởng Bộ Tài chính am hiểu chính sách tiền tệ cũng như các công cụ mà Fed có thể dùng để thúc đẩy doanh nghiệp và người tiêu dùng như bà Yellen là rất quan trọng.

Yên Khê

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.