|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cước vận tải container đi Mỹ hạ nhiệt vào cuối năm

14:35 | 23/11/2021
Chia sẻ
Bước qua giai đoạn tăng đỉnh điểm, giá cước vận chuyển container từ Việt Nam đi Mỹ có dấu hiệu giảm trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, một số hãng tàu áp dụng phí tắc nghẽn cảng khiến doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh chi phí lớn.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), từ nửa cuối năm ngoái đến nay, giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng đột biến trước tình trạng khan hiếm container và gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hao hụt.

Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Mỹ luôn chiếm ở mức 28 - 30% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bước qua giai đoạn tăng đỉnh điểm, giá cước vận chuyển container từ Việt Nam đi Mỹ có dấu hiệu giảm trong những tháng cuối năm.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNN Logistics cho biết hiện giá cước vận chuyển container đi Mỹ bằng đường biển đã đảo chiều.

"Nếu cao điểm tháng 7 - 8, giá cước container 40 feet đi các cảng Los Angeles và Long Beach (Mỹ) khoảng 18.000 USD thì hiện tại, giá cước giảm xuống còn 12.000 - 13.000 USD/container", vị này nói.

Tương tự, đại diện Công ty Hương gia vị Sơn Hà cho biết thực tế mức giá cước từ tháng 10 đã giảm khoảng 10%.

Cước vận tải container đi Mỹ có hạ nhiệt vào cuối năm? - Ảnh 1.

Giá cước vận tải đi Mỹ có dấu hiệu giảm nhẹ. (Ảnh: MSC)

Nguyên nhân của sự điều chỉnh giá cước này là do nhu cầu hàng tiêu dùng, nguyên liệu cho dịp Noel và cuối năm tại Mỹ đã được đáp ứng tương đối, nhu cầu vận chuyển không còn nóng.

Tình trạng nghẽn cảng tại Mỹ vẫn diễn ra, song, số lượng tàu chờ cập cảng khai thác không còn cao như trước, tốc độ quay vòng của đội tàu nhanh hơn nên tình trạng khan tàu dần được cải thiện.

Tuy nhiên, hãng tàu MSC và Zim cho biết họ sẽ thu thêm "phí tắc nghẽn cảng" hơn 1.100 USD/container 40 feet.

"Nếu không đàm phán được với đối tác, công ty lại phải trả thêm phụ phí này. Trong trường hợp phải trả thêm phụ phí, phần giá cước được giảm đối với doanh nghiệp cũng không được là bao", đại diện này nói.

Trong thời gian tới, các hiệp hội ngành hàng sẽ rà soát, gom nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của chủ hàng và đại diện cho các chủ hàng ký kết hợp đồng với hãng tàu để có được mức cước ổn định nhất.

Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các hãng tàu và tất cả các đại lý giao nhận/forwarder niêm yết giá dịch vụ vận tải đang áp dụng để minh bạch thông tin, tránh tình trạng "thổi giá, làm giá" trục lợi trên khó khăn của chủ hàng.

Hoàng Anh