|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc đua mới của Shopee, Lazada và Tiki

13:26 | 30/03/2019
Chia sẻ
Cả Shopee, Lazada và Tiki đang lên kế hoạch chiếm lĩnh thị trường khu vực nông thôn.

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), trong năm 2018, 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trên mạng, mỗi người chi tiêu trung bình khoảng 208 USD, tổng doanh thu B2C tầm 8,06 tỷ USD.

Dự kiến tới năm 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ tiếp tục giữ mức 20%/năm, doanh thu gần 10 tỷ USD và trung bình mỗi người sẽ chi 350 USD.

Thống kê mới nhất của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, 30% dân số Việt Nam tham gia vào ngành thương mại điện tử (TMĐT) chủ yếu sống ở thành thị.

Cụ thể, 70% giao dịch TMĐT diễn ra ở các thành phố lớn, chủ yếu là tại TP. HCM và Hà Nội, 30% còn lại cho vùng nông thôn rộng lớn nơi có tới 70% dân số Việt Nam đang sinh sống.

Nguyên nhân quan trọng tạo nên sự thiếu đồng đều đó, là bởi sự hiểu nhầm của giới kinh doanh nhỏ tại nông thôn. Theo tìm hiểu của Google, hầu hết người kinh doanh nhỏ ở nông thôn thường không có nhiều thời gian, tiền bạc cũng như sự am hiểu internet.

Không những thế họ còn hiểu nhầm rằng, kinh doanh online sẽ tốn rất nhiều tiền hoặc phải có nhân sự giỏi công nghệ. Do đó, trong 5 tiểu thương chỉ có 1 thường xuyên online và thường cũng chỉ để nhận mail hoặc giải trí.

Từ những thống kê đó, có thể thấy, khu vực nông thôn có thể là cơ hội bứt phá cho các sàn TMĐT trong tương lai.

Trong tất cả, Shopee là người nhanh nhẹn nhất với xu hướng này nhất. Năm 2016, lúc Shopee chính thức gia nhập thị trường TMĐT ở Việt Nam, cặp đôi Lazada - Tiki đã gần như càn quét hết khách hàng ở khu vực thành thị, do đó, tân binh này đành phải mở rộng hoạt động về khu vực nông thôn nếu muốn tăng trưởng nhanh hay đuổi kịp 2 doanh nghiệp kể trên.

Theo tiết lộ của ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, không như các sàn TMĐT khác, 50% người dùng của họ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, 50% còn lại trải rộng khắp cả nước.

“Shopee hoạt động chủ yếu trên nền tảng di động, lúc chúng tôi gia nhập thị trường Việt Nam, smartphone đã tương đối rẻ, chỉ cần khoảng 1,7 triệu đồng – mức giá mà người ở nông thôn cũng có thể kham nổi, là đã có thể sở hữu một smartphone đủ để lướt internet đặt hàng.

Cuộc đua mới của Shopee, Lazada và Tiki - Ảnh 1.

Người đại diện của Tiki, Lazada và Shopee đang cùng tham gia bàn tròn thảo luận.


Ngoài ra, Shopee Việt Nam chủ trương mở sàn rộng, ngay từ lúc khởi điểm, chúng tôi đã rất chú trọng tới mảng C2C, khi thường xuyên mở các chương trình huấn luyện hỗ trợ bán hàng cho những tiểu thương ở khu vực xa xôi bán mặt hàng nhỏ. Nhờ đó, hiện tại trên Shopeee hàng gì cũng có, cái gì cũng bán”, ông Trần Anh Tuấn giải thích.

Cũng như các sàn thương mại điện tử khác, Shopee cũng rất muốn người mua thanh toán online, song vì có tới 50% khách hàng nông thôn, nên chỉ có 10% khách hàng của họ làm thế. Tuy nhiên, ông Tuấn tin là thói quen thanh toán bằng tiền mặt ở nông thôn sẽ thay đổi trong tương lai và Shopee cũng đang có ý định rút ngắn thời gian bằng cách liên kết với các đối tác trong ngành tài chính – ngân hàng.

Để không lạc hậu so với đối thủ, Lazada cũng đang đề ra các chiến dịch khác nhau nhằm thu hút tiểu thương cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) ở nông thôn lên mở gian hàng trên nền tảng này. Chiến lược sắp tới của Lazada là tạo ra một sân chơi cho tất cả các hộ kinh doanh cá thể và SMEs khắp Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông thôn, ông Vũ Đức Thịnh – Giám đốc điều hành Lazada Express cho biết.

Cụ thể, Lazada đang kết hợp với VECOM và chính quyền địa phương đưa các chương trình huấn luyện mở và bán hàng online đến với các làng nghề ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đồng thời họ còn kết hợp với các đối tác khác như VN Post, Sapa… để giải quyết các vấn đề về logistic, thanh toán. Mục tiêu là đưa sản phẩm độc đáo của các làng nghề lên mạng, bán khắp cả nước và thế giới.

Dù Shopee đã khởi hành trước, nhưng với dư địa rộng lớn ở khu vực nông thôn, Lazada hoàn toàn tự tin sẽ thắng lớn với chiến dịch bành trướng mới này.

Ngược với Lazada, Tiki có vẻ khá thong dong ở cuộc đua này, như chia sẻ của ông Phan Dũng – Trưởng phòng Strategic Business Dev của Tiki, mỗi sàn có một thế mạnh riêng, nên Tiki không nhất thiết phải chạy theo người khác. Hiện tại, nhờ vững chân ở khu vực thành thị, khiến tỉ lệ thanh toán online của Tiki khá cao, tới 34%.

Theo ông Dũng, việc ưa chuộng thanh toán bằng tiền mặt cũng như không có hệ thống logistic hoàn chỉnh khiến khu vực nông thôn không thuận lợi để phát triển TMĐT.

Hiện tại, khoảng 70% đến 80% người dân sống ở khu vực nông thôn không có tài khoản ngân hàng, không biết xài internet banking hoặc các hình thức thanh toán qua mạng. Tết vừa qua, có một tiểu thương bán bưởi ở khu vực nông thôn muốn tạo gian hàng trên Tiki xong họ đã từ chối do họ không có đội logistic hỗ trợ.

Tiki muốn những công ty logistics và tài chính – ví điện tử về nông thôn trước để mở đường, bởi một mình họ không thể giải cùng lúc nhiều bài toán, đặc biệt là vấn đề thanh toán và giao nhận. Muộn nhất là cuối năm nay hoặc đầu năm sau, Tiki sẽ đánh chiếm thị trường nông thôn.

Quỳnh Như