|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thất bại vì tin người đồng hành của 'vua săm lốp' Nguyễn Thanh Sơn

10:11 | 21/08/2018
Chia sẻ
Bỏ học cấp ba để nhập ngũ, rồi giải ngũ để lo kinh tế cho gia đình, Nguyễn Thanh Sơn có cuộc sống không dễ dàng. Và con đường khởi nghiệp của anh cũng gian nan.
cuoc doi va hanh trinh khoi nghiep nhoc nhan cua doanh nhan sam lop ky 1 Hành trình khởi nghiệp của CEO câu lạc bộ tiếng Anh lớn nhất thủ đô

Nguyễn Thanh Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức ở tỉnh Bắc Ninh. Thuở nhỏ, anh đam mê và học giỏi môn Hóa học và Văn học. Nhờ khả năng cảm thụ văn học tốt, anh thường đạt điểm cao – một hiện tượng hiếm đối với đa số nam sinh. Vì giỏi văn nên Sơn ham đọc sách. Anh thường kiếm giấy vụn, lông gà, lông vịt và các loại phế liệu khác để bán rồi mua sách.

Ham thích Hóa học nên Sơn thường tự làm các thí nghiệm ngoài thực tế để tự giải đáp những câu hỏi cơ bản, như “Mủ cao su có màu trắng, tại sao lốp xe máy có màu đen?”. Chẳng hạn, anh đốt túi nylon, tung lên rồi cho nó rơi vào bàn tay để trả lời câu hỏi: “Vì sao nylon cháy rơi xuống đất sẽ nguội nhanh, nhưng rơi vào tay sẽ vẫn nóng?”. Anh cũng từng tháo tung một chiếc đài hỏng để lấy mọi bộ phận cao su trong đó rồi đốt nhằm tìm hiểu thành phần của chúng.

Những bước ngoặt bất ngờ

Sau khi thi đỗ phổ thông trung học, Sơn đột ngột xung phong nhập ngũ, bỏ dở con đường học tập. Môi trường quân đội biến anh thành người chững chạc, cứng cáp, sống có trách nhiệm. Anh liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ xuất sắc”. Sau đó anh trở thành quân nhân chuyên nghiệp và công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc.

cuoc doi va hanh trinh khoi nghiep nhoc nhan cua doanh nhan sam lop ky 1
Từng học giỏi, nhưng Nguyễn Thanh Sơn lại quyết định bỏ học cấp ba để vào quân đội. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn.

Thế rồi biến cố dồn dập giáng xuống gia đình Sơn. Mẹ anh ốm nặng rồi phải mổ. Trước tình cảnh nguy khốn của gia đình, anh quyết định giải ngũ để về quê, vừa làm kinh tế vừa chăm sóc mẹ. Ngay sau đó, người anh trai của Sơn gặp tai nạn dẫn đến chấn thương nặng. Lúc này, Sơn trở thành niềm hy vọng của cả nhà. Anh buộc phải cố gắng hết sức để lo cuộc sống ổn định cho gia đình.

Để có thể kiếm tiền sớm, Sơn học nghề lái xe rồi đầu quân vào một doanh nghiệp. Mỗi khi lái xe sang Trung Quốc theo sự phân công của doanh nghiệp, anh tranh thủ mua nhiều mặt hàng về Việt Nam để bán. Sự nhạy bén trong buôn bán đường dài giúp Sơn tích lũy một khoản vốn ngoài tiền lương. Nhưng vào một ngày, Sơn cảm thấy anh cần chuyển hướng vì không thể tiếp tục kiếm tiền như dân buôn lậu. Anh thôi việc rồi xin vào một công ty sản xuất kính nổi, vẫn với vị trí lái xe.

Từ vị trí lái xe, Sơn chuyển sang bộ phận kinh doanh. Với sự hoạt ngôn, chăm chỉ, cư xử khéo léo, anh trở thành người bán hàng giỏi và tạo quan hệ tốt với nhiều doanh nghiệp. Thậm chí, một lần anh bán được sản phẩm công nghệ tế bào gốc cho một phụ nữ khi đang ngồi trên xe buýt. Các chủ doanh nghiệp lần lượt rủ Sơn về với họ để mở thị trường mới và phát triển hệ thống bán hàng. Mỗi lần thay đổi công việc đều mang đến cho anh vô số kỹ năng quý.

cuoc doi va hanh trinh khoi nghiep nhoc nhan cua doanh nhan sam lop ky 1
Những chiếc lốp mang thương hiệu BRC của Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn.

“Bán hàng là quá trình truyền cảm xúc cho khách hàng hành động” là bài học mà Sơn đúc kết sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường. Để có thể truyền cảm xúc cho khách hàng, theo Sơn, người bán hàng phải tạo được niềm tin cho khách hàng, phải chân thành với khách hàng và phải am hiểu sản phẩm.

Cơ duyên với săm, lốp và tổn thất vì đặt niềm tin nhầm chỗ

Một lần vào TP Hồ Chí Minh, Sơn gặp một chuyên gia giỏi về săm lốp ở Việt Nam. Người này chia sẻ cho anh về kỹ thuật, công nghệ sản xuất săm, lốp chất lượng cao. Đó là dịp để Sơn giải đáp mọi thắc mắc về cao su từ thuở học trò. Sau khi lĩnh hội công nghệ quan trọng của ngành sản xuất săm, lốp, anh cũng rút ra một bài học quan trọng nữa.

“Học cách đặt câu hỏi với những người giỏi hơn là kỹ năng vô cùng quan trọng để họ chia sẻ những công thức, bí quyết mà không phải ai họ cũng chia sẻ”, anh nói.

cuoc doi va hanh trinh khoi nghiep nhoc nhan cua doanh nhan sam lop ky 1
Doanh nhân Nguyễn Thanh Sơn trong một sự kiện cùng nhiều doanh nhân khác. Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn.

Những bí quyết mà Sơn tiếp thu khơi dậy trong tiềm thức của anh khát vọng làm giàu để tự chủ cuộc sống của bản thân. Anh quyết định thôi làm thuê vào đầu năm 2010 để sản xuất với hai bàn tay trắng.

“Lúc ấy tài sản quý nhất của tôi là những mối quan hệ và bí quyết sản xuất săm, lốp. Động lực thôi thúc tôi hành động là niềm tin sắt đá rằng sản phẩm của tôi sẽ có chất lượng cao”, anh thổ lộ.

Để thành lập Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế SH-TC, anh Sơn vay 3 tỷ đồng với mức lãi tới 9 triệu đồng/ngày. Quá lo lắng vì khoản lãi quá lớn, vợ anh khóc khiến anh phải động viên, trấn an. Sau đó, anh mở xưởng, mua thiết bị, máy móc để sản xuất săm, lốp và dầu nhớt. Sơn giám sát hoạt động sản xuất và kinh doanh săm, lốp. Đối với dầu nhớt, anh giao cho một người bạn phụ trách sản xuất, còn anh đảm nhận hoạt động kinh doanh.

Vì chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước khi sản xuất, Sơn cảm thấy rất tự tin. Nhưng khi sản phẩm dầu nhớt ra thị trường, khách hàng phản ứng dữ dội do chất lượng kém. Nguyên nhân là người bạn bớt nhiên liệu, không pha theo công thức mà anh đưa ra. Choáng váng nhưng không nghĩ ra giải pháp, anh tìm đến rượu để quên thực tế đáng buồn. Sau vài ngày, anh quyết định thu hồi toàn bộ dầu nhớt, bồi thường cho các nhà phân phối và bỏ hẳn phần dầu nhớt kém chất lượng còn tồn kho.

“Chất lượng không tốt thì mọi công sức của doanh nhân sẽ trở nên vô nghĩa vì khách hàng chỉ mua một lần. Chọn sai người để đặt niềm tin cũng là một tai họa đối với doanh nhân”, Sơn nhận xét.

Xem thêm

Nhạc Dương