|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung: Không có người chiến thắng

07:03 | 16/08/2019
Chia sẻ
Theo đánh giá của Financial Times, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đang có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh kinh tế toàn diện, đã tạo lí do chính cho các cuộc chiến tiền tệ.
155709_usd

Kiểm tiền NDT (phải) và USD (trái) tại ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hạ giá tiền tệ dường như là một công cụ chính sách hữu ích đối với các nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng chậm lại hoặc để đối phó với các tranh chấp thương mại, nhưng nó mang lại rủi ro lớn cho chính các quốc gia giảm giá đồng tiền nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung.

Với sức nặng của mình, đồng Nhân dân tệ (NDT) chỉ cần mất giá nhẹ so với đồng USD cũng đủ tạo ra phản ứng hoảng sợ tức thời trên khắp thế giới. Các thị trường tài chính lao dốc, Chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiện tệ, gây lo sợ về một cuộc chiến tiền tệ sẽ lây lan như đám cháy.

Việc cho phép đồng NDT suy yếu có thể bước đi có lợi ích nhỏ và rủi ro lớn cho Trung Quốc. Một nguy cơ mà các nhà đầu cơ tiền tệ "mong muốn", đó là đồng NDT yếu gây ra vòng xoáy mất giá tiền tệ và tình trạng dòng vốn chảy ra như từng xảy ra trong năm 2014-2015. 

Lần này Chính phủ Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn một vòng xoáy hủy diệt như vậy.

Bắc Kinh có thể tận dụng kho dự trữ ngoại khổng lồ và cố gắng hạn chế hoạt động đầu cơ ở cả thị trường trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, các biện pháp như vậy, cùng với bất kỳ biện pháp thắt chặt kiểm soát vốn nào nhằm giảm sự biến động của dòng vốn, sẽ làm mất đi những tiến triển mà Bắc Kinh đã đạt được trong việc thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài rằng họ có thể tin tưởng vào chính sách tiền tệ ổn định và nên đầu tư vào thị trường chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc.

Một vài nền kinh tế thị trường mới nổi quan trọng, như Ấn Độ và Thái Lan, đã giảm mạnh lãi suất như một hành động phòng thủ để bảo vệ bản thân khỏi thiệt hại do căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng trong nước suy yếu.

Ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế phát triển lớn như Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới để đối phó với những khó khăn kinh tế.

Do tầm quan trọng của thương mại đối với các nền kinh tế này, họ hy vọng một động thái như vậy sẽ tạo một cú hích cho tăng trưởng.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Chính quyền Mỹ đã thực hiện một cách tiếp cận rất mạnh mẽ, đồng thời đe dọa phá giá đồng USD nếu các đối tác thương mại tham gia vào cái mà Washington coi là phá giá tiền tệ để cạnh tranh. 

Mỹ không mấy quan tâm đến sự khác biệt giữa sự mất giá của đồng tiền do thị trường và sự mất giá do chính sách, nhưng coi mọi sự mất giá của đồng tiền so với đồng USD là "hành vi kinh tế thù địch".

Một cuộc chiến tiền tệ sẽ không giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng của Mỹ. Mỹ gặp khó khăn hơn nhiều để có thể hạ giá đồng USD vì đồng tiền này thống trị thị trường tài chính toàn cầu. 

Rất khó để thực hiện một sự can thiệp đơn phương trên quy mô đủ lớn để có thể tác động đến giá trị của đồng USD so với các đồng tiền lớn khác - đặc biệt nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đứng ngoài cuộc trong nỗ lực đó.

Bên cạnh đó, một động thái như vậy sẽ kích động một cuộc chiến tiền tệ rộng lớn hơn, với việc các quốc gia khác đẩy mạnh can thiệp vào đồng tiền của họ để trả đũa. Kết quả là sự bất ổn trên thị trường tài chính lại củng cố giá trị của đồng USD vì các nhà đầu tư coi đó là nơi trú ẩn an toàn.

Vì vậy, đối với Mỹ, cuộc chiến tiền tệ có thể có tác động ngược lại, và đồng bạc xanh của Mỹ vẫn là nơi trú ẩn an toàn cuối cùng đối với các nhà đầu tư trong thời điểm bất ổn tăng cao. Hơn nữa, việc ông Trump yêu cầu Fed tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tiền tệ có thể gây ra hậu quả lâu dài đối với uy tín của ngân hàng trung ương này của Mỹ.

Một đồng USD mạnh hơn sẽ gây thiệt hại cho một số nền kinh tế thị trường mới nổi, do áp lực cán cân thanh toán gây ra bởi nợ nước ngoài lớn và đồng tiền yếu đi. Tất cả những biến động này trên thị trường tiền tệ sẽ làm tăng thêm bất ổn do những căng thẳng thương mại toàn cầu gây ra.

Sự bất ổn đó, cùng với những biến động về tỷ giá hối đoái do cuộc chiến tiền tệ gây ra, sẽ khiến hoạt động đầu tư kinh doanh suy yếu và tiếp tục gây tổn hại đến tăng trưởng năng suất và việc làm trên toàn thế giới.

Một đồng tiền rẻ hơn có vẻ dễ thực hiện và là một cơ chế thuận tiện để thúc đẩy tăng trưởng trong nước và trả đũa các lệnh trừng phạt thương mại do các quốc gia khác áp đặt. Nhưng lợi ích thực tế có thể là thoáng qua, trong khi những tổn thất do thương mại bị gián đoạn và tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể là rất lớn.

Đình Thư