|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Đồng Nhân dân tệ mất giá sẽ không kéo theo chiến tranh tiền tệ'

16:14 | 05/08/2019
Chia sẻ
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần hết sức bình tĩnh để theo dõi và không nên xoáy vào vòng xoáy của chiến tranh tiền tệ...
avatar_1564996340564

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực.

Trước sự kiện đồng Nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định đây chỉ là phản ứng mang tính chất tâm lý, tạm thời và khó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Sáng 5/8, tỷ giá đồng Nhân dân tệ rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 đến nay, quá mốc 7 tệ đổi 1 USD. VnEconomy đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực xoay quanh sự kiện này.

Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự trượt giá của đồng Nhân dân tệ như hiện nay?

Theo tôi có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tuần trước về việc áp thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc.

Thứ hai, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bật đèn xanh, phá giá nhẹ đồng Nhân dân tệ, bằng cách niêm yết tỷ giá đồng USD với đồng Nhân dân tệ ở mức thấp nhất từ tháng 12/2018 đến nay. Tất nhiên, phía Trung Quốc vẫn phát biểu lý do chính là do chiến tranh thương mại và họ tiếp tục cố gắng ổn định đồng Nhân dân tệ.

Và thứ ba, tình hình ở Hồng Kông đang rất phức tạp cũng khiến cho tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư thế giới đối với thị trường chứng khoán và thị trường Nhân dân tệ. Vì lo ngại nên họ bán đồng Nhân dân tệ nhiều hơn, và bán cả chứng khoán ở thị trường mới nổi.

Tất cả những lý do này đã khiến đồng Nhân dân tệ sụt giá mạnh như hiện nay.

Việc đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh theo ông sẽ ảnh hướng thế nào đến nền kinh tế toàn cầu?

Tôi cho rằng với việc phá giá nhẹ đồng Nhân dân tệ sẽ thúc đẩy một phần xuất khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc có thể phục hồi một phần, một chút nào đó xuất khẩu của mình trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, khiến xuất khẩu giảm.

Tuy nhiên, đồng Nhân dân tệ mất giá có thể gây ra những tác động tâm lý, khiến cho một số ngân hàng trung ương các nước phải xem xét để hành động. 

Tất nhiên không đến mức là chiến tranh tiền tệ, nhưng các ngân hàng trung ương các nước sẽ phải theo dõi và có những hành động nhất định. Chẳng hạn như họ sẽ để cho đồng tiền nội tệ của họ mất giá đi phần nào, để duy trì sức cạnh tranh.

Việc đồng Nhân dân tệ mất giá cũng sẽ khiến Tổng thống Trump có những động thái như tiếp tục phê phán Trung Quốc về ý đồ giảm giá nội tệ của mình để thúc đẩy xuất khẩu, dẫn đến xu thế thương mại không công bằng theo quan điểm của chính quyền Mỹ. Điều này sẽ làm cho chiến tranh thương mại phức tạp hơn.

Như ông vừa nói, nguy cơ chiến tranh thương mại sẽ khó dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ?

Như tôi đã phân tích, việc đồng Nhân dân tệ mất giá có thể khiến cho các ngân hàng trung ương các nước phải có những hành động nhất định, tuy nhiên tôi cho rằng không đến mức xảy ra chiến tranh tiền tệ.

Lý do chính là vì việc giảm giá đồng Nhân dân tệ chỉ là một trong những công cụ để thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc.

Lấy ví dụ như Việt Nam, chính sách tỷ giá với xuất khẩu hay hoạt động thương mại là khá mờ nhạt do cấu trúc kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai, các nước cũng không quá kết tội chuyện thao túng tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu, vì rất rủi ro đối với nước đó cũng như quan hệ kinh tế giữa nước đó với Mỹ.

Thứ ba, có thể đây là yếu tố tâm lý chi phối rất nhiều đến các nhà đầu tư, nên sau một thời gian nhất định, có thể là một vài ngày, khi tâm lý nhà đầu tư trấn tĩnh trở lại thì mức độ mất giá của đồng Nhân dân tệ sẽ phanh lại.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng sẽ không muốn đồng Nhân dân tệ bị mất giá quá nhiều, vì mất giá quá nhiều thì chiến tranh thương mại giữa họ và Mỹ sẽ hết sức căng thẳng.

Song song với đó, Trung Quốc rất quan ngại hiện tượng tiền đầu tư, vốn đầu tư chảy ra khỏi Trung Quốc, vì thế sẽ vô cùng nguy hiểm, kinh tế Trung Quốc sẽ trên đà suy giảm.

Vậy, như ông nói, đồng Nhân dân tệ mất giá chỉ là một phản ứng mang tính chất tâm lý và không thể kéo dài?

Đúng vậy, việc mất giá đồng Nhân dân tệ chỉ là một phản ứng mang tính chất tâm lý, mang tính chất bày đàn, góc độ tạm thời. Tất nhiên, chúng ta hiểu là khi đồng Nhân dân tệ đã quá ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD thì có thể trượt tiếp xuống 7.1, 7.2, nhưng sẽ không có hiện tượng đồng Nhân dân tệ bị mất giá quá nhiều.

Theo ông, Việt Nam nên ứng xử thế nào khi đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh như hiện nay?

Với Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta cần hết sức bình tĩnh để theo dõi và không nên xoáy vào vòng xoáy của chiến tranh tiền tệ.

Bởi thứ nhất, chính sách tỷ giá của chúng ta không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do cấu trúc nền kinh tế.

Thứ hai, mỗi khi thay đổi chính sách tỷ giá thì phải tính toán tổng hoà, phải tính tác động nhiều mặt của nền kinh tế chứ không riêng gì hoạt động thương mại.

Thứ ba, Việt Nam đã bị Mỹ liệt kê vào danh sách của những nước bị theo dõi, giám sát về thao túng tiền tệ, vì thế chúng ta càng phải kiên định chính sách về tỷ giá hối đoái như thời gian vừa qua.

Cuối cùng, ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá luôn luôn là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Duyên Duyên