|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc chiến khốc liệt của các hãng công nghệ Trung Quốc

13:00 | 30/10/2017
Chia sẻ
Sau Đại hội Đảng Trung Quốc vừa qua, nhiều người lo ngại sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc kinh tế mới ở Trung Quốc có thể đẩy các hãng công nghệ nước này vào một cuộc chiến khốc liệt mới với các đối thủ phương Tây.
cuoc chien khoc liet cua cac hang cong nghe trung quoc
Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử số 1 Trung Quốc. Ảnh: Aly Song/Reuters.

Trong khi hầu hết dân số thế giới tương tác trên mạng xã hội Facebook, Twitter, tìm kiếm bằng Google thì người Trung Quốc liên lạc bằng WeChat, viết blog trên Weibo và tìm kiếm bằng Baidu. Đó là vì các nền tảng Internet hàng đầu thế giới đều bị khóa hoặc hạn chế sử dụng tại Trung Quốc.

Dù được tạo ra chủ yếu để phục vụ mục đích chính trị, tường lửa Great Firewall, “Vạn Lý Trường Thành trên mạng” của Trung Quốc, cũng đóng vai trò như một hàng rào phi thuế quan, cho phép các công ty Trung Quốc chiếm ưu thế khi thiếu cạnh tranh của các đối thủ bên ngoài. Trong khi đó, cũng chính các công ty này lại gặp khó khăn trong việc thu hút người dùng quốc tế. Alibaba từng thâm nhập thị trường bán lẻ trực tuyến của Mỹ nhưng chỉ duy trì được một năm, sau đó phải bán lại dịch vụ này vào năm 2015.

Tương tự, WeChat, với gần nửa tỷ người dùng tại Trung Quốc, cũng gặp khó khăn khi mở rộng thị trường dù đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông. Các lo ngại về bảo mật dữ liệu cá nhân có thể hạn chế cơ hội bành trướng ra nước ngoài của các hãng công nghệ Trung Quốc do họ không thể từ chối cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ. Trong một báo cáo năm 2016, tổ chức Ân xá Quốc tế đã xếp Tencent, chủ sở hữu WeChat, cuối danh sách 11 nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn trực tuyến về bảo mật dữ liệu cá nhân bằng mã hóa.

Để phản ứng, phương Tây đang dần lánh xa Trung Quốc. Các nhà lập pháp Mỹ vốn luôn đề cao một nền kinh tế mở, trước các động thái đáng lo ngại của Trung Quốc, bắt đầu quay sang bảo vệ lợi ích doanh nghiệp trong nước. Vào tháng 9, chính phủ Mỹ đã cấm một nhà đầu tư do Trung Quốc hậu thuẫn mua lại công ty sản xuất chip của Mỹ trong khi thương vụ mua lại MoneyGram International Inc. của hãng fintech Ant Financial, một thành viên của tập đoàn Alibaba, cũng chưa được Mỹ thông qua. Phía bên kia Đại Tây Dương, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đề xuất việc điều tra các thương vụ nhạy cảm của các công ty nhà nước nước ngoài tại châu Âu.

Trong khi đó, các công ty Mỹ, vốn cảm thấy ít được chào đón hơn khi chủ nghĩa dân tộc kinh tế mới của ông Tập Cận Bình bắt đầu lên ngôi, ngày càng ngán ngẩm việc đầu tư vào Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát gần đây, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết 56% doanh nghiệp thành viên xem Trung Quốc là 1 trong 3 điểm đến đầu tư hàng đầu, giảm so với tỷ lệ 78% vào năm 2012, trong khi khoảng 25% cho biết đã chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc trong 3 năm qua hoặc đang lên kế hoạch rút lui.

Hậu quả của những chính sách tương tự có thể là sự trỗi dậy của một thị trường Trung Quốc bị cô lập. Đẩy các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc có thể dễ dàng nhưng khuyến khích họ đầu tư vào thị trường nước này khó khăn hơn rất nhiều. “Nổi tiếng” với hàng kém chất lượng và công nghệ yếu kém, các thương hiệu Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị phần của các đối thủ danh tiếng ở nước ngoài.

Trong khi đó, lo ngại về an ninh cũng khiến các doanh nghiệp nước ngoài không muốn mua sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Trung Quốc. Theo số liệu của Strategy Analytics Inc., 4 nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc hiện chiếm lĩnh 2/3 thị phần trong nước nhưng chiếm chưa đến 15% thị phần tại nước ngoài. Và dù được chính phủ đầu tư và ưu đãi, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc ngày càng tỏ ra đuối sức với số lượng xe xuất khẩu năm 2016 giảm so với năm 2014.

Người Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục uống Starbucks, mang giày Nike và người Mỹ cũng vẫn sẽ thấy hàng hóa Trung Quốc trên các kệ hàng Walmart. Nhưng trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh trong khi Mỹ và châu Âu ra sức bảo vệ doanh nghiệp và công nghệ của mình, sự chia rẽ này sẽ ngày càng sâu sắc.

Trường Giang