Tham vọng của Trung Quốc có thể khiến thế giới 'phân cực'
Ảnh minh họa. Nguồn: Thomas White/Reuters. |
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà lập pháp cho rằng thế giới sẽ là một nền kinh tế thịnh vượng và hạnh phúc. Nhờ sự phổ biến của chủ nghĩa tư bản và công nghệ, nhiều quốc gia sẽ xích lại gần nhau hơn thông qua hoạt động thương mại, tài chính và mạng Internet. Đến một lúc nào đó, tất nhiên, sẽ có những bước lùi tạm thời như cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng sức mạnh toàn cầu hóa sẽ chứng minh xu hướng hội nhập sâu rộng ở mức độ chưa từng có trong lịch sử là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, viễn cảnh này đang đối mặt với một chướng ngại to lớn. Đó không phải lời đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Donald Trump, việc nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu hay chủ nghĩa khủng bố. Mà đó chính là Trung Quốc.
Nếu có thể nắm bắt xu hướng đang dần hình thành ở Trung Quốc cũng như quan hệ của nước này với Mỹ và các quốc gia phát triển khác, chúng ta có thể lường trước một sự chia rẽ nguy hiểm đang hình thành và ngày càng mở rộng. Kinh tế thế giới có thể bị chia thành hai cực. Một bên do Mỹ và Liên minh Châu Âu dẫn đầu, còn một bên phát triển quanh trục Trung Quốc.
Những lời hứa hẹn “có cánh” của Trung Quốc khiến nhiều người tin rằng nước này vẫn đang hăng hái hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết mở rộng cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của họ. “Trung Quốc sẽ không đóng cửa thị trường mà ngược lại, cánh cửa đó sẽ ngày càng rộng mở”, ông Tập phát biểu trước đại hội. Ông cũng xây dựng hình ảnh bản thân thành một người ủng hộ tự do thương mại, một nguyên thủ quốc gia mang tầm quốc tế - luôn sẵn sàng đi đầu giải quyết những thách thức to lớn của nhân loại như biến đổi khí hậu – trái ngược với hình ảnh Tổng thống Donald Trump, một người theo chủ nghĩa cô lập.
Vấn đề trong “phiên bản” toàn cầu hóa của ông Tập Cận Bình là việc ông muốn kiểm soát nó hoàn toàn. Thay vì đưa Trung Quốc hòa nhập vào trật tự thế giới hiện tại, ông Tập lại đang tạo ra một khối kinh tế riêng, với nhiều doanh nghiệp và công nghệ thống lĩnh, được điều chỉnh bởi những thể chế và chuẩn mực do Bắc Kinh đề ra.
Chính phủ Trung Quốc đang trong quá trình tự phát triển hoặc mua lại công nghệ và nâng tầm doanh nghiệp nội địa để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ phương Tây trong những ngành công nghiệp tương lai như robot và xe điện. Mục tiêu là buộc các công ty nước ngoài phải rút khỏi thị trường Trung Quốc để các doanh nghiệp nội địa có cơ hội mở rộng và cạnh tranh toàn cầu. Tham vọng này của Bắc Kinh đã được cụ thể hóa trong chương trình phát triển công nghiệp “Made in China 2025”. “Trung Quốc sẽ thúc đẩy vốn nhà nước lớn mạnh hơn, biến doanh nghiệp Trung Quốc thành các công ty mang tầm quốc tế, có sức cạnh tranh toàn cầu”, ông Tập từng phát biểu trước đại hội.
Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn bị cô lập. Bắc Kinh đang xây dựng các phương án thay thế các thể chế và quy chuẩn bấy lâu nay của phương Tây, nhằm khuếch trương chuỗi quan hệ kinh tế lấy Trung Quốc làm trọng tâm. Điển hình việc Bắc Kinh đưa ra sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới. Ông Tập cũng xúc tiến dự án hạ tầng khổng lồ “Một Vành đai, Một Con đường” nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế với các quốc gia Á - Âu. Có khả năng dự án này sẽ được các ngân hàng Trung Quốc tài trợ và cũng do các nhà thầu nước này thực hiện.
Trong khi đó, Washington chắc chắn sẽ đấu tranh để bảo vệ trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay. “Chúng tôi sẽ không đầu hàng trước những thách thức của Trung Quốc đối với trật tự thế giới”, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson phát biểu.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh trong khi Mỹ và châu Âu ra sức bảo vệ doanh nghiệp và công nghệ của mình, sự chia rẻ sẽ ngày càng nới rộng. Các quốc gia đang gặp “trục trặc” với phương Tây, trong đó có Nga, sẽ bị hút vào quỹ đạo của Trung Quốc. Ngược lại, các quốc gia khác do lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc, như Ấn Độ và Nhật Bản, sẽ xích lại gần Mỹ hơn.
Viễn cảnh chia rẽ này là không thể tránh khỏi. Có lẽ Bắc Kinh sẽ nhận ra duy trì trật tự hiện nay sẽ tốt hơn tạo ra một trật tự mới. Lịch sử chứng minh hội nhập quốc tế đã giúp Trung Quốc tạo ra những phép màu kinh tế từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Mỹ và các đồng minh có thể xóa bỏ chủ nghĩa bảo hộ, tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để đưa nước này trở lại quỹ đạo hợp tác. Tuy nhiên, các động thái gần đây của Trung Quốc và phương Tây đều không cho thấy thiện chí hợp tác. Nếu một bức tường mới được dựng lên, tất cả đều là kẻ thất bại.