Cuộc chiến giá cả chấm dứt thời kì hốt bạc dễ của ngành dược Trung Quốc
Thị trường dược phẩm Trung Quốc trước đây vận hành khá tự do. Trong nhiều năm, các nhà sản xuất thuốc lớn nhất của đất nước này vô tư bán các loại thuốc gốc giá rẻ mang lại tỷ suất lợi nhuận gộp từ 80% đến 90% mà không cần suy nghĩ nhiều đến bảo vệ người tiêu dùng hay đổi mới.
Một thực trạng phổ biến là các công ty dược phẩm dành một phần ba doanh thu của họ cho hoạt động bán hàng và tiếp thị, trong khi đầu tư rất ít về nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới.
Hoạt động kinh doanh dược “béo bở” đến mức nhiều sinh viên tốt nghiệp trường đại học y khoa muốn bán thuốc thay vì trở thành bác sĩ. Chỉ 5 năm trước, người Trung Quốc đã tiêu thụ lượng thuốc kháng sinh gấp 10 lần người Mỹ, góp phần thúc đẩy sự gia tăng của các siêu vi khuẩn (thủ phạm gây nên đại dịch nhờn kháng sinh).
Các trình dược viên từ các công ty dược phẩm tràn vào bệnh viện này đến bệnh viện khác để thuyết phục các bác sĩ kê đơn thuốc của họ. Các bệnh viện công vui vẻ hợp tác vì họ được phép tính mức hoa hồng 15% từ việc bán thuốc.
Nhưng bây giờ, những con gà để trứng vàng này buộc phải nhịn ăn. Bắt đầu từ năm 2019, chính quyền của 11 thành phố sẽ kiểm soát việc mua thuốc cho bệnh viện của họ. Họ sẽ dành ra ít nhất 60 phần trăm đến 70 phần trăm đơn hàng cho 31 phác đồ điều trị được chỉ định, chủ yếu là thuốc gốc, cho nhà thầu trả giá thấp nhất.
Với dân số già hóa nhanh chóng và 4 triệu bệnh nhân ung thư mới mỗi năm, Trung Quốc đang lâm vào tình thế khó khăn. Chương trình bảo hiểm y tế cơ bản của đất nước này đang chịu gánh nặng chi phí ngày càng tăng và được dự đoán sẽ thâm hụt vào năm 2020.
Giai đoạn kiếm tiền dễ chỉ còn là dĩ vãng
Một cuộc chiến giá cả khốc liệt đã xảy ra. Giá đấu thầu trung bình tại 11 thành phố thí điểm thấp hơn 55% so với phiên đấu giá trước đó, theo kết quả chính quyền công bố vào ngày 7/12.
Sino Biopharmologists đã giảm hơn 90% giá thuốc điều trị viêm gan Entecavir để đánh bại Bristol-Myers Squibb và hai đối thủ cạnh tranh ở địa phương. Loại thuốc này đã chiếm 16% doanh số bán hàng của Sino Biopharm năm 2018.
Với mức giá như thế, các nhà sản xuất thuốc Trung Quốc không thể có lãi. Tại 3SBio Inc., chẳng hạn, hơn 60% doanh thu của công ty đến từ các loại thuốc có ít nhất 5 sản phẩm thay thế trực tiếp trên thị trường, theo ước tính của CLSA.
Sau vụ bê bối vắc-xin năm 2018, Bắc Kinh bắt đầu xem xét lại chất lượng của các loại thuốc gốc được sản xuất trong nước. Trung Quốc có hơn 4.000 thuốc gốc vẫn chưa trải qua các thử nghiệm tương đương sinh học của chính phủ. Tính đến tháng 10 năm ngoái, trong số 289 loại thuốc mà chính phủ coi là thiết yếu, chỉ có 7% được phê chuẩn.
Doanh nghiệp dược nước ngoài có cơ hội
Giới chức cũng đang mở cửa cho các đại gia dược phẩm nước ngoài khi họ tìm cách xoa dịu tầng lớp trung lưu đang lên, đối tượng đòi hỏi các loại thuốc tốt nhất.
Theo một thông tư hướng dẫn hồi tháng 7 năm ngoái, các loại thuốc gốc đã vượt qua các nghiên cứu tương đương sinh học ở nước ngoài có thể gửi một đơn ứng tuyển tắt ở Trung Quốc. Nói cách khác, chúng sẽ được phê chuẩn nhanh hơn.
Một số loại thuốc phương Tây đã được phê duyệt nhanh chóng vào năm ngoái. Vào năm 2019, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ ở Trung Quốc.
Không có gì sai với lợi nhuận lớn. Nhưng các công ty dược phẩm tại các thị trường phát triển đã đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và tích cực mua công nghệ tiên tiến để lý giải cho lợi nhuận của họ.
Trong số các công ty công nghệ sinh học đã huy động ít nhất 20 triệu USD từ hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ở Mỹ, 30% cổ phiếu đã được mua lại. Trong khi đó, các công ty dược phẩm lớn của Trung Quốc chẳng làm gì ngoài việc dựa vào lợi thế dân số đông của đất nước. Đã đến lúc họ phải lao động chăm chỉ hơn cho khoản lợi nhuận kếch sù.