Sự thật đằng sau điệu nhảy vác quan tài gây sốt: Phí dịch vụ 9 triệu, người dân sẵn sàng vay tiền để tổ chức tang lễ
Gần đây, cộng đồng mạng xã hội Facebook, Twitter và TikTok tích cực chia sẻ một video. Thậm chí nhiều người dùng còn chế ra các phiên bản tương tự dựa trên video đó.
Nội dung video bao gồm những hình ảnh tại một buổi tang lễ tại Ghana, châu Phi. Trong lễ tang, 6 người khiêng quan tài trình diễn một điệu nhảy đặc trưng.
Đây không phải là lần đầu tiên điệu nhảy xuất hiện. Ngay từ năm 2017, những video về điệu nhảy khiêng quan tài tại Ghana đã bắt đầu xuất hiện và thu hút sự chú ý của một bộ phận người dân bản địa trên Twitter. Tuy nhiên phải đến gần đây, video mới thật sự trở thành "trào lưu".
Benjamin Aidoo, nhà sáng lập dịch vụ nhảy trong tang lễ, đồng thời cũng là một trong 6 người trực tiếp tham gia vào việc khiêng quan tài, ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông.
Năm 2013, Bloomberg đã có bài viết về dịch vụ của Benjamin Aidoo. Năm đó, nhà sáng lập sinh năm 1986 đã có 200 lượt thuê dịch vụ chỉ trong thời gian ngắn. Sau khi video của Aidoo trở thành xu hướng, ông tiết lộ đã công ty đã nhận thêm nhiều "đơn hàng" của khách.
"Người dân chỗ chúng tôi hay khoe khoang về số tiền họ bỏ ra cho đám tang người đã khuất. Nhiều người còn tự hào khi nói rằng họ bỏ ra 10.000 cedis (khoảng 1.737 USD) để tổ chức tang lễ. Người Ghana nhiều khi coi trọng người chết hơn người còn sống", Aidoo trả lời phỏng vấn trong một video mới đây.
Aidoo nói hiện tại mỗi điệu nhảy, công ty thu về 387 USD (tương đương 9 triệu đồng). Theo nhận định của tờ Denver Post, đây là một số tiền rất lớn tại Ghana, một trong những quốc gia nghèo thuộc châu Phi.
Denver Post nhấn mạnh nhiều người ở Ghana thậm chí còn phải vay tiền để tổ chức lễ tang cho người thân. Chi phí cho một quan tài cũng khá lớn với mặt bằng thu nhập của người dân nơi đây (431 USD) trong khi lưu thi hài tại nhà xác sẽ mất 69 USD/tháng.
Có thể thấy, Aidoo đã nhận ra người dân Ghana quá coi trọng tổ chức tang lễ và ngay lập tức tạo ra một dịch đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặc dù phí dịch vụ tương đối cao, nhưng Aidoo tiết lộ ông đã phải đầu tư rất nhiều vào phục trang của đội nhóm.
Ngoài ra, việc phải trả lương và sắp xếp công việc cho 100 nhân sự cũng là một vấn đề khiến người điều hành phải lưu tâm.
Video lập tức tạo hiệu ứng trên internet.
Hiện tại, Ghana, cũng như các nước khác trên thế giới đang phải chịu tác động từ COVID-19. Ghana có khoảng 30 triệu dân và tính tới sáng 24/4, nước này có 1.154 ca nhiễm bệnh và 9 trường hợp tử vong.
Benjamin Aidoo, cũng như những người tạo hiệu ứng trên truyền thông, từng phát biểu công khai trong một video: "Các bạn nên ở nhà, hoặc chúng tôi có thể nhảy trong đám tang của bạn".